(Baonghean) - Nắng nóng kéo dài trên diện rộng trong gần một tháng qua đã làm lượng nước ở các hồ đập, sông suối cũng như trên đồng ruộng trên địa bàn tỉnh bốc hơi nhanh. Theo nhận định, đây là năm hạn hán đến sớm và gay gắt nhất trong nhiều năm qua.
Đầu vụ sản xuất hè thu, những cây lúa được gieo xuống vừa mới 3 - 4 lá, nhưng trên những vạt ruộng ở Phúc Thành (Yên Thành), đất đã nứt nẻ, ruộng khô xác. Trên cánh đồng Lốc, ông Lê Quốc Tường (xóm 13, Đông Nam) năm nay gần 70 tuổi, vừa tát nước dưới cái nắng trưa oi gắt, vừa than thở: “Ít thấy năm mô hạn như năm ni. Nhà tui có 2 sào lúa, mới gieo được hơn một tuần ni, không ngày mô không phải ra đồng tát nước, nếu không lúa chết hết rồi”.
Đã gần một tháng trời ròng rã, nắng nóng gay gắt kéo dài trên diện rộng. Những cơn mưa hiếm hoi, cục bộ chỉ có thể giảm bớt một phần nắng nóng và hạn hán, hạn chế việc nguồn nước trên đồng ruộng và hồ đập, sông suối bốc hơi chứ không đủ để xua tan nỗi lo thiếu nước cho lúa của người nông dân. Ông Đinh Văn Dương (Chủ tịch UBND xã Phúc Thành) cho biết: Toàn xã có khoảng 120 ha trong tổng 500 ha đất lúa thường xuyên bị hạn vào vụ hè thu do nằm cuối nguồn nước, thế nhưng hiếm có năm nào hạn đến sớm và trên diện rộng như năm nay. “Thường phải đến khi làm cỏ đợt một mới bắt đầu bị hạn, nhưng năm nay, hạn đến ngay từ khi lúa bắt đầu gieo, trên diện tích khoảng 100 ha vùng cuối nguồn hồ đập, ở các cánh đồng Lốc, đồng Dọ, đồng Lược, đồng Mô Hòn, Gò Mối.
Dù trên địa bàn có 6 hồ đập nhỏ với 6 trạm bơm điện, nhưng vẫn không đủ để khắc phục tình trạng hạn hán”- ông Dương cho biết. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành, ông Nguyễn Sỹ Hưng, thì toàn huyện có trên 3 nghìn ha đất trồng lúa hiện đã bị hạn rất nặng, tập trung ở các xã vùng cao hơn như Tây Thành, Kim Thành, Lăng Thành, Phúc Thành... Nắng nóng kéo dài, mực nước tại các hồ đập đã xuống thấp nên công tác chống hạn gặp rất nhiều khó khăn. Nếu sau ngày 10/7 trời vẫn không mưa sẽ phải có kế hoạch để chuyển đổi một số diện tích sang trồng các loại cây màu.
Tát nước chống hạn ở xã Phúc Thành (Yên Thành).
Tại Quỳnh Lưu, trong khi thời hạn lịch gieo cấy lúa đã gần kết thúc, thì ở một số địa phương, nông dân vẫn đang phải chờ nước. Ông Nguyễn Đình Thắng (Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Quỳnh Thanh) lo lắng: 470 ha lúa hè thu của xã Quỳnh Thanh “ăn” nước từ hệ thống kênh N26 của hệ thống thủy lợi Bắc. Do nằm ở vùng cuối kênh nên hầu như không năm nào tránh được hạn. Tuy nhiên, chưa năm nào hạn hán đến sớm trên toàn bộ diện tích gieo cấy của xã như thế này. Trên kênh, mực nước xuống rất thấp, không thể tự chảy được. Đã hơn một tuần nay, cán bộ của Công ty Thủy lợi Bắc phải liên tục có mặt trên đồng để cùng bà con chống hạn, các máy bơm dầu liên tục được huy động để bơm tưới luân phiên phục vụ cấy lúa”.
Theo ông Nguyễn Xuân Dinh (Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu) là địa phương nằm cuối hệ thống tưới Thủy lợi Bắc nên việc cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp thường gặp khó khăn hơn các địa phương vùng đầu nguồn như Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu. Tuy nhiên, hạn hán sớm và khốc liệt như năm nay thì ít xảy ra. Toàn huyện còn gần 3.000 ha lúa hè thu chưa cấy được vì thiếu nước, chủ yếu ở vùng cuối nguồn hoặc “ăn” nước hồ đập tại Quỳnh Thuận, Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Thanh, Quỳnh Thọ... Đáng lo ngại là hiện mực nước các hồ đập nhỏ trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu cũng đã xuống mức rất thấp. Trước tình hình đó, huyện đang chủ trương chuyển những diện tích lúa hè thu cấy muộn do thiếu nước sang trồng lúa mùa.
Hệ thống nước tự chảy của Công ty Thủy lợi Bắc tưới cho 28 nghìn ha lúa ở 4 huyện Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu và Quỳnh Lưu. Theo ông Hồ Ngọc Mai (Giám đốc Công ty), mực nước trên sông Lam hiện đang ở mức bình thường, tuy nhiên do nắng nóng kéo dài làm nước trên hồ đập, sông suối và đồng ruộng bốc hơi nhanh, cộng thêm việc bà con nông dân đồng loạt xuống đồng gieo cấy do đang là thời điểm chính vụ sản xuất, nên tình hình cung cấp nước cho sản xuất gặp nhiều khó khăn.
Ngoài việc lên phương án tưới hợp lý ở các hệ thống thủy lợi và hồ chứa, những ngày qua, đơn vị còn phải huy động toàn bộ gần 300 công nhân trực thường xuyên để thực hiện lịch phân phối, dồn ép nước trên toàn hệ thống, tưới luân phiên phục vụ sản xuất. Ngoài ra, các trạm bơm do Công ty quản lý và các trạm bơm dã chiến của các địa phương cũng được tập trung huy động, có biện pháp bảo đảm mực nước và lưu lượng tại đập Đô Lương, chỉ đạo các công trình vận hành đúng quy trình để triệt để tiết kiệm nước.
Công nhân Công ty Thủy lợi Bắc nạo vét
kênh mương nâng cao năng lực tưới.
Hiện nay vụ hè thu đang trong thời kỳ tưới cao điểm phục vụ làm đất và gieo cấy, nhưng tình hình thời tiết diễn biến hết sức bất lợi. Nắng nóng cao, gió tây nam thổi mạnh, mực nước trên các triền sông suối, hồ đập giảm thấp, đặc biệt mực nước trước cống Nam Đàn những ngày qua chỉ đạt 0,2- 0,3m trên mức thiết kế 1,15m. Nhiều vùng đã thiếu nước, khô hạn, nguy cơ mặn xâm nhập nội đồng ở vùng cửa sông, ven biển là rất lớn. Các địa phương cần tập trung mọi lực lượng, thiết bị chống hạn.
Theo trưởng Chi cục Thủy lợi Nghệ An- ông Nguyễn văn Hoa, thì hệ thống Thủy lợi Nam và Thủy lợi Bắc cần vận hành các cửa cống đầu mối Mụ Bà, Nam Đàn đảm bảo tăng tối đa lượng nước có thể lấy vào hệ thống. Đóng kín các cống tiêu cuối hệ thống như cống Nghi Quang, Bến Thủy, Diễn Thành, Diễn Thủy để ngăn mặn, giữ ngọt và chỉ thực hiện giao thông thủy theo đúng quy trình được duyệt. Tổ chức bơm tưới luân phiên giữa hệ thống và giữa từng công trình. Hệ thống thủy lợi Bắc cần xây dựng phương án điều tiết luân phiên để bảo đảm tưới tự chảy ở mức cao nhất. Vùng có nguy cơ không tự chảy được cần chủ động phương án nâng đầu nước hoặc bơm chống hạn. Đối với các trạm bơm lấy nước ở sông Lam, sông Cấm, kênh Gai, kênh Hoàng Cần, sông Vinh cần thường xuyên kiểm tra độ mặn trên các kênh dẫn và tại bể hút các trạm bơm trước và trong khi vận hành, tuyệt đối không bơm nước tưới có nồng độ mặn vượt mức cho phép làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng.
Đối với tưới lúa, độ mặn không vượt quá 1%o, đối với mạ và lúa non nước phải ngọt hoàn toàn; Không nên gieo cấy lúa ở những vùng không bảo đảm tưới suốt vụ; tăng cường công tác quản lý vận hành công trình, tuyệt đối tuân thủ quy trình vận hành hồ chứa để bảo đảm tưới tiết kiệm và hiệu quả.
Ngoài các vùng trọng điểm lúa Yên Thành, Quỳnh Lưu…, hạn hán cũng đã xuất hiện trên diện rộng tại hầu hết các địa phương trong tỉnh, hàng ngàn héc-ta lúa hè thu chưa cấy được vì thiếu nước. Số liệu mới nhất của Sở NN&PTNT, đến nay toàn tỉnh đã cấy được 50.000ha trong tổng diện tích 55.000 lúa hè thu. Theo ông Lê Văn Lương (Phó phòng Trồng trọt- Sở NN&PTNT), trong đó có khoảng 2.600 ha khả năng sẽ không cấy được lúa hè thu do thiếu nước, tập trung ở các huyện: Yên Thành, Đô Lương, Nam Đàn, Thanh Chương, Anh Sơn... Hiện thời vụ gieo cấy vẫn còn, tuy nhiên chậm nhất là sau ngày 15/6 nếu không có mưa, diện tích này sẽ có nguy cơ phải chuyển sang gieo cấy lúa mùa hoặc các loại cây màu khác.