(Baonghean.vn) - Trong khi tại nhiều địa phương đang đẩy nhanh tiến độ sản xuất vụ hè thu thì tại nhiều xã của Nghi Lộc, bà con bất lực trên các đồng đất, triềng bãi. Nguyên nhân vì hiện nay, các hồ đập chủ lực phục vụ tưới tiêu trên địa bàn đã ở mực nước chết, cạn khô trơ đáy. Hạn hán diễn ra trên các cánh đồng, trở thành câu chuyện "nóng" hơn bao giờ hết.


Vợ chồng anh Hà Huy Giáp- xóm 17, Nghi Văn làm 20 sào cả lúa và màu - là hộ sản xuất nông nghiệp lớn của xã. Cuộc sống gia đình đều trông nhờ vào sản xuất nông nghiệp. Ngay từ năm 2002, do điều kiện địa hình và tưới tiêu khó khăn, anh đã được xã vận động chuyển đổi 13 sào lúa sang trồng màu, từ đó đến nay, vợ chồng anh duy trì ổn định hàng năm 13 sào đất màu, 7 sào chuyên canh lúa tại các vùng đồng Ao Sen, Cổng Đá, Ao Gừa. Gặp chúng tôi, anh cho biết: Vụ hè thu này quá khó khăn về nước. Bọn tôi đã mua giống đậu trái về 2 tuần mà chịu cứng, không thể triển khai làm đất được.


796748_small_98431.jpg

                         Cánh đồng xóm 18 khô nứt trong nắng hạn.


 

Anh Giáp làm nhanh phép tính: gia đình cơ cấu 4 sào ngô, 9 sào lạc, 7 sào lúa. Đầu tư giống cho 4 sào ngô mất 360 ngàn, 9 sào lạc mất gần 1,9 triệu (trên 220 ngàn/sào), cộng với tiền phân, đạm hóa học, phân chuồng, công thuê máy làm đất mất tổng cộng gần 5 triệu. Như vậy, chi phí đầu tư cho 13 sào màu vụ xuân mất gần 8 triệu. Trong lúc đó, do hạn đến sớm, thời kỳ lúa, ngô và lạc ra hạt, kết củ nên 4 sào ngô chỉ thu hoạch được 2 tạ, với giá ngô nông sản trên 500 ngàn/tạ thì 4 sào ngô thu nhập gần 1 triệu, 9 sào lạc khô héo hết, vớt vát gần 1 tạ củ, tính theo giá lạc tính bình quân như hiện nay khoảng 1,3 triệu/sào, thu nhập lạc gần 12 triệu. như vậy nếu tính chung 13 sào đất màu của anh thu nhập được gần 13 triệu, trừ đi chi phí gần 8 triệu còn 5 triệu, chia bình quân cho 13 sào thì mức thu nhập cuối cùng cho sản xuất vụ xuân là 300 ngàn/sào trong 4 tháng sản xuất. Nhiều năm không bị hạn nặng gia đình anh có thu nhập đạt trên 3 triệu/sào. Rõ ràng năm nay, tình hình hạn hán đến sớm, nặng, việc sản xuấttrên địa bàn chỉ có thể lấy công làm lợi.


Cùng chung cảnh với cây màu, hiện việc sản xuất lúa hè thu tại Nghi Văn càng trở nên bất lực. Các chân ruộng lúa xuân tại xóm 18 sau khi gặt không hề có nước tưới, khô nứt. Đặc biệt, quan sát trên các cánh đồng, hệ thống kênh mương dẫn thủy lợi cũng quá cũ kỹ , nhiều đoạn mương bị đất bồi lấp, méo mó, sạt đổ xuống đồng. Chị Trần Thị Thắm- xóm trưởng xóm 18, bộc bạch: Cả xóm hiện có trên 110 hộ dân với 19 ha chuyên canh lúa. Đất đai rất thuận lợi cho việc canh tác lúa với các bộ giống lúa lai cho năng suất ổn định như Syn 6, Nhị ưu 986. Nếu thuận, lúa cho năng suất gần 3 tạ/sào nhưng nếu hạn hán thì may lắm chỉ đạt gần 1 tạ/sào. Nguồn nước thủy lợi phục vụ tưới tiêu cho sản xuất hè thu thất thường, công trình đập Lim, đập Vũng Cầu hiện giờ không còn nước, vậy nên, không những bà con trong xóm 18 mà các xóm 13, 14, 17 cũng phải chấp nhận thất bát trong sản xuất hè thu năm nay.




Đập Vũng Trắng đảm bảo phục vụ tưới tiêu cho 30 ha lúa xóm 19,20 - xã Nghi Văn đã ở mực nước chết.


     

Nghi Văn là xã miền núi nằm ở khu vực phía tây Nghi Lộc, diện tích đất tự nhiên của xã lớn nhất huyện (trên 3.400 ha) với khoảng 980 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó trên 500 ha sản xuất lúa. Ông Trần Đăng Nhung- cán bộ thủy lợi xã Nghi Văn cho biết: Công trình hồ Rách Bưởi (do Công ty Thủy nông Nam quản lý) phục vụ tưới tiêu cho 17/23 xóm với trên 350 ha lúa toàn xã đã ở mực nước chết, chỉ đáp ứng nhỏ giọt cho một số vùng từ xóm 1, xóm 3, 4, 5B, 5A. Còn hồ Khe Lim phục vụ tưới cho trên 110 ha lúa đang trong quá trình sửa chữa, nâng cấp, mực nước thấp trong hồ để dành cho dân sinh, không thể huy động tưới tiêu. Đặc biệt,17 công trình hồ đập lớn nhỏ tại các xóm cũng cạn khô hết.




      Hệ thống mương dẫn nước nội đồng tại xóm 17, 18 Nghi Văn hư hỏng nặng.
 

Đối với hệ thống kênh mương, hiện xã có 6/48 km kênh dẫn N1 được bê tông. Do đặc thù đồng ruộng dài, hệ thống kênh mương dẫn nước kém vì được xây dựng có lịch sử hàng chục năm về trước. Hàng năm, nỗ lực của chính quyền và nhân dân chỉ đủ vá víu, khắc phục tạm thời. Vì những lý do trên, hiện nay, xã mới chỉ triển khai trong 9 xóm gieo được 90 ha lúa dưới chân trọt lầy, bùn vùng Đập Bưởi để triển khai mùa sớm tránh lụt. Còn lại, bà con đã mua giống bí, dưa hấu, đậu xanh nhưng đất khô cứng không thể làm được.


Tìm hiểu được biết vấn đề hạn hán vụ hè thu hiện nay tại Nghi Văn không phải là chuyện mới. Vùng màu, vùng gần đồi núi đều thường xuyên gặp hạn nặng và năng suất rất thấp. Ông Trần Văn Sao - Chủ tịch UBND xã Nghi Văn, cho biết: Không thể theo lịch thời vụ, xã đã có kế hoạch triển khai cho bà con làm mô hình thí điểm vãi khô bằng giống lúa BTE1. Nếu thời tiết có mưa sẽ chỉ đạo bà con vớt vát nguồn nước tại các hồ đập để làm khoảng 50-100 ha lúa hè thu ngay tại các vùng chân đập.

 

Ngoài Nghi Văn, hiện 8 địa phương vùng trên nằm ở phía tây Nghi Lộc như Nghi Kiều, Nghi Phương, Nghi Lâm.. với gần 4.000/7.000 ha lúa bị hạn thường xuyên nhưng Nghi Văn vẫn là địa phương khó khăn nhất. Ông Thọ - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nghi Lộc cho biết: Trước tình hình hạn như hiện nay, huyện đang phối hợp với Công ty thủy nông Nam nạo vét toàn bộ hệ thống kênh cấp 1, trạm bơm đầu nguồn, tu sửa nhỏ. Một số công trình của xã thì chỉ đạo bà con nạo vét kênh dẫn đầu nguồn, tu bổ bờ vùng bờ thửa, chỉ đaọ các xã cân đối nguồn nước để bố trí và cơ cấu diện tích lúa hè thu hợp lý, diện tích còn lại tính toàn để chuyển làm lúa mùa sớm. Đối với những vùng cao như Nghi Văn, nếu hết vụ mùa mà vẫn không chủ động được nguồn nước thì sẽ chuyển phương án làm mùa muộn và đông sớm. Có thể sẽ phải chuyển gần 1 ngàn ha đất lúa không sản xuất được sang làm vụ mùa và cây màu.


Về lâu dài, mong muốn của bà con là được các cấp ngành quan tâm, hỗ trợ công tác cải tạo hồ đập, có giải pháp đưa nước từ Yên Thành về địa phương qua kênh kênh N2 của Công ty thủy nông Bắc.


Lương Mai