(Baonghean) - Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI vừa kết thúc. Văn hóa là một trong những nội dung quan trọng được Trung ương nghiên cứu, thảo luận kỹ trên cơ sở xem xét kết quả 15 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (Khóa VIII) về văn hóa. Từ đó xác định một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để tiếp tục xây dựng, phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là: xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trọng tâm là nhân cách, lối sống; tiếp tục xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, tạo điều kiện cho việc xây dựng nhân cách, lối sống con người; chăm lo xây dựng văn hoá trong chính trị, văn hoá trong kinh tế và văn hoá gia đình; phát triển và đổi mới giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động văn hoá, nghệ thuật, thông tin đại chúng, bảo vệ di sản văn hoá; phát triển công nghiệp văn hoá; chủ động giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hoá… Như vậy, có thể hiểu là trong xây dựng văn hóa phải lấy xây dựng, phát triển con người với những phẩm chất tốt đẹp làm trọng tâm và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh theo đúng truyền thống của văn hóa dân tộc làm cốt lõi. Gộp lại mới có thể hình thành được một nền văn hóa tiên tiến vừa mang hơi thở thời đại vừa đậm đà bản sắc dân tộc Việt.
Người xưa có câu “nhân chi sơ tính bản thiện”. Nghĩa là, con người ta khi mới lọt lòng ai cũng đều lương thiện cả. Chỉ khi lớn lên, ở nhà thì chịu sự tác động của gia đình, ra ngoài thì chịu ảnh hưởng từ nền giáo dục và từ môi trường xã hội, người ta mới phát triển theo hai chiều hướng, hoặc là tốt dần hơn lên, hoặc là trở nên xấu đi. Do vậy, để xây dựng “con người Việt Nam phát triển toàn diện, trọng tâm là nhân cách, lối sống” thì nhất thiết phải chú trọng tới ba yếu tố có tầm ảnh hưởng mang tính quyết định tới việc hình thành nhân cách mỗi người. Đó là gia đình, nhà trường và xã hội. Phải coi đây là nền tảng, là điểm tựa quan trọng, cơ bản để xây dựng nên những con người mới với những giá trị bền vững chứa đựng những phẩm chất tốt đẹp của dân tộc đã được sàng lọc và vun đắp qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước.
Trước hết là phải hết sức coi trọng yếu tố gia đình. Người ta vẫn thường ví xã hội như là một cơ thể sống và mỗi gia đình là tế bào làm nên cơ thể xã hội. Tế bào mạnh khỏe thì cả “cơ thể” xã hội mạnh khỏe, đủ để chống lại bất cứ loại vi rút độc hại nào xâm nhập từ bên ngoài vào. Mặt khác, người ta khi lọt lòng đã tiếp xúc với gia đình. Chịu ảnh hưởng và sự tác động của gia đình ngay từ những ngày đầu hình thành nhận thức, nhân cách và lối sống. Nếu ngay từ tấm bé, người ta đã được sống trong một gia đình lý tưởng với nền tảng văn hóa cao thì giống như đứa trẻ đã được tiêm vắc-xin ngừa các loại bệnh tật, người ta hoàn toàn có đủ khả năng để có thể kháng cự lại được sự ảnh hưởng từ những yếu tố không lành mạnh ở bên ngoài xã hội. Vì thế, cần coi gia đình như là hạt nhân của xã hội và phải hết sức chú trọng xây dựng hạt nhân cho thật tốt. Thật may là chúng ta đã từng lấy năm 2013 là Năm Gia đình Việt Nam để tôn vinh và khẳng định: Gia đình là nơi tái tạo con người Việt Nam. Qua hàng nghìn năm phát triển của đất nước, gia đình Việt Nam ngày nay vẫn là nơi gìn giữ và phát triển các truyền thống chuẩn mực giá trị cao đẹp của dân tộc, như tình yêu quê hương, đất nước, vun đắp cuộc sống gia đình, lao động cần cù, sáng tạo, dũng cảm kiên cường bảo vệ Tổ quốc.
Gia đình Việt Nam mặc dù chịu nhiều tác động của xã hội, nhất là trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhưng hiện tại, vẫn là một giá trị bền vững và có sức sống mạnh mẽ. Nó vẫn là nền tảng, là tế bào của xã hội, là một thiết chế cơ bản của xã hội, là tổ ấm, nơi nương tựa quan trọng nhất của mỗi người. Sự đùm bọc yêu thương và chăm sóc nhau của mỗi thành viên gia đình là vĩnh cửu, là nền tảng phát triển xã hội. Đi cùng với đó, chúng ta còn có các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, “Người lớn gương mẫu, trẻ em chăm ngoan”, “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”, “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”, “Ngày Vì người nghèo”, … các mô hình “Tín dụng gia đình”, “Giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, mô hình câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững và nhóm xung kích phòng, chống bạo lực gia đình, gia đình bảo vệ môi trường, phòng chống tai nạn giao thông… nhằm phát huy vai trò của gia đình và huy động toàn xã hội tham gia xây dựng gia đình theo tiêu chí “No ấm, tiến bộ, hạnh phúc” tạo nên sự phát triển bền vững.
Củng cố, nhân rộng và nâng cao chất lượng các phong trào đó lên là một cách làm hay để có những gia đình tốt là gốc rễ căn bản để xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh bền vững. Nhiều gia đình tốt cộng lại thì chúng ta sẽ có một xã hội tốt. Cộng với một nền giáo dục tốt nữa thì chúng ta sẽ hình thành được thế chân vạc với đủ ba yếu tố cơ bản: Gia đình - nhà trường-xã hội để xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện. Mà con người là yếu tố quan trọng nhất, có tính quyết định cao nhất trong việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã nhất trí ban hành nghị quyết mới về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Tới đây các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân sẽ học tập, quán triệt và triển khai thực hiện nghị quyết mới này. Để nghị quyết đi nhanh vào cuộc sống và đạt hiệu quả thiết thực, trong khi xây dựng các chương trình hành động thực hiện nghị quyết, nhất thiết phải chú ý tới ba yếu tố gia đình - nhà trường - xã hội. Vì đó là ba trụ cột chính hình thành nên nhân cách con người và bệ đỡ chủ yếu cho văn hóa. Xây dựng và củng cố vững chắc ba trụ đỡ này chính là tạo thế chân vạc để phát triển văn hóa.
Duy Hương