(Baonghean.vn) - Tính đến nay, thành phố Vinh được công nhận đô thị loại I đã tròn 6 năm. Khoảng thời gian ấy, TP Vinh đã nỗ lực cải thiện các khoảng trống cây xanh trên địa bàn, tạo cảnh quan thoáng mát, thân thiện và văn minh. Nhưng thực tế, vấn đề phát triển mảng xanh thành phố vẫn còn đó những bất cập và trăn trở.
Những năm gần đây, chính quyền Tp. Vinh nêu rõ mục tiêu phấn đấu đạt 10- 12m2 cây xanh trên đầu người và thực tế, dẫu chưa đạt chuẩn đề ra, nhưng liên tục nhiều năm liền, TP Vinh giữ vững vị trí trong top 5 thành phố đứng đầu cả nước về độ che phủ cây xanh theo bình chọn của Hiệp hội cây xanh Việt Nam. Thậm chí, với thống kê 8,6 m2 cây xanh/ người, Tp. Vinh còn vượt qua Đà Nẵng- thành phố nổi tiếng là đô thị thân thiện với môi trường hiện chỉ đạt 5,27 m2/ người.
Là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, Tp. Vinh sở hữu những “giá trị xanh” hiếm có như vành đai rừng bần ngập mặn Hưng Hòa, lâm viên núi Quyết… Giữa tấp nập thị thành và sự phát triển không ngừng của các khu công nghiệp, khu đô thị mới và mật độ dân số ngày càng tăng, những “lá phổi” thiên nhiên ấy thực sự là quà tặng vô giá, làm dịu đi những chuyển động căng thẳng của cuộc sống và trả lại bầu không khí trong lành.
Mặt khác, thái độ ứng xử với cây xanh của nhiều người dân được nâng lên rõ rệt. Ai cũng ý thức được rằng, nhịp sống đô thị cần cây xanh để điều hòa không khí và làm liệu pháp tinh thần sau những giờ làm việc căng thẳng. Ông Phan Xuân Bảo- Giám đốc Công ty Cổ phần công viên cây xanh Tp. Vinh cho biết: “Nếu như trước đây, việc trồng mới cây xanh trên các tuyến phố gặp nhiều khó khăn trong chăm sóc, bảo vệ thì bây giờ, cây trồng mới hầu như không gặp phải tác động ngoại lực gì từ con người gây ảnh hưởng đến sự phát triển. Ý thức của người dân thành phố với cây xanh đô thị có nhiều khởi sắc, vẫn có những trường hợp tự động chặt bớt tán, tỉa cành lá… vì tâm lý cây lớn sẽ che phủ rộng, làm “tối” nhà họ, hoặc gia chủ cho rằng không hợp với loại cây đó nên tìm cách “tiêu diệt”. Nhìn chung tỉ lệ này có nhưng rất ít.”
Dẫu có những tín hiệu vui trong việc phát triển mảng xanh thành phố, nhưng không thể phủ nhận, việc phát triển ấy đang gắn liền với những bất cập lưu niên mà muốn giải quyết triệt để, cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền và nhận thức tích cực của người dân.
Trong Đề án phát triển kinh tế - xã hội thành phố Vinh đến năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết 26/NQ-TW của Bộ Chính trị nêu rõ mục tiêu phải đạt độ che phủ cây xanh 18- 20m2/ người, đảm bảo đẹp, văn minh. Thực tế, mục tiêu ấy còn nhiều khó khăn mới đạt được, bởi những vướng mắc và bất cập trong việc triển khai trồng mới và trồng thay thế cây xanh. Hầu hết diện tích đất sử dụng cây xanh trên địa bàn thành phố đã được sử dụng hết, việc trồng mới chỉ được thực hiện theo hướng mở rộng và trồng thay thế những loại cây không phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và mỹ quan đô thị.
Công ty cổ phần công viên cây xanh Tp Vinh đã có đề xuất, tham mưu cho UBND thành phố về việc phát triển thành phố Vinh thành đô thị xanh, tập trung hình thành các tuyến phố chuyên cây như các loại cây: so đo cam, sao đen, xoài, dầu rái, hoàng yến. Trước đây, các loại cây này hầu hết được lấy giống từ miền Nam, nhưng mấy năm nay, Công ty cổ phần công viên cây xanh thành phố Vinh đã tự chủ động sản xuất được giống. Tuy nhiên, việc triển khai các tuyến phố chuyên cây để tạo điểm nhấn thẩm mỹ và quy hoạch không gian sinh thái hiện đại, hiệu quả mới chỉ thực hiện thí điểm ở vài tuyến đường như Nguyễn Du, Nguyễn Cảnh Hoan… với cây sao đen; đường Lý Thường Kiệt với cây so đo cam… Thực tế, chiếm đến 70% trên các tuyến phố vẫn là cây bàng, ngô đồng, bông gòn..., những loại cây dễ gãy đổ vào mùa mưa bão, rụng lá vào mùa đông, hoa trái không đạt hiệu quả thẩm mỹ.
Thậm chí như đường Lê Mao nổi tiếng với hàng xà cừ cổ thụ, nếu xét theo các yếu tố chuẩn về cây xanh đô thị thì cũng không đạt, bởi rễ xà cừ dạng rễ nổi lớn thường ảnh hưởng đến mặt đường, vỉa hè. Trong khi đó, 5 loại cây trong định hướng phát triển của Đề án phát triển kinh tế - xã hội thành phố Vinh đến năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết 26/NQ-TW của Bộ Chính trị đều cơ bản đáp ứng được các tiêu chí hài hòa với môi trường và cảnh quan.
Nguyên nhân dẫn đến việc khó triển khai trồng mới và trồng thay thế các loại cây, theo ông Phan Xuân Bảo- Giám đốc Công ty Cổ phần công viên cây xanh Tp. Vinh trên hết là thiếu kinh phí. Ba năm nay, kinh phí dành cho việc chăm sóc, phát triển cây xanh chỉ dừng ở mức 12,5 tỷ đồng! Mặt khác, diện tích vườn ươm cũng đang ngày càng bị thu hẹp. Hiện có 3 vườn ươm giống cây, 2 vườn ở phường Hưng Phúc và 1 vườn ở khu vực cổng thành, nhưng giờ đây, thực tế diện tích của cả 3 vườn chỉ khoảng 5 ha, tương lai còn báo động hơn bởi các dự án đô thị mới đang mở rộng. Trong khi đó, để đáp ứng đủ nhu cầu phát triển của cây xanh đô thị loại I, chưa tính tới đô thị xanh, thì cần có 40- 45 ha diện tích vườn ươm!
Có một thực tế là dù tiêu chuẩn về tỷ lệ cây xanh sử dụng công cộng phải đạt từ 18- 20% trên tổng diện tích nhưng hiện tại chỉ dừng ở 10%. Nhiều khu đô thị mới có thiết kế hiện đại nhưng phần đất dành cho cây xanh lại quá ít ỏi. Thậm chí ở một số doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, các trường học… cũng khó đáp ứng chuẩn về tỷ lệ cây xanh trong khuôn viên của mình. Trường mầm non Lê Mao là một ví dụ điển hình. Khó khăn về quỹ đất khiến trường không có đủ diện tích để đáp ứng nhu cầu học tập, sinh hoạt của lứa tuổi mầm non- lứa tuổi đang cần không gian rộng rãi để khám phá, vui chơi, chưa nói đến chuyện trồng cây tạo cảnh quan sinh thái!
Những bất cập, khó khăn nêu trên đến từ nguyên nhân khách quan và chủ quan. Bởi vậy, để thành phố Vinh trở thành đô thị xanh, xứng đáng là trung tâm của khu vực Bắc miền Trung và điểm đến thân thiện trên con đường di sản miền Trung, cần có sự quan tâm, đầu tư hơn nữa cho cây xanh đô thị. Ngoài nguồn ngân sách, thực hiện xã hội hóa cây xanh cũng là hướng đi đáng xem xét. Đối với các dự án đô thị mới, khu công nghiệp… cần có cam kết chặt chẽ với chủ đầu tư về tỷ lệ cây xanh trên tổng diện tích, lồng ghép vấn đề sinh thái vào các dự án sinh lời khác. Cùng với đó, làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ cây xanh trên địa bàn, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư về tầm quan trọng của cây xanh với đời sống thành thị. Có như vậy, những mảng xanh nhỏ bé trong lòng phố thị mới được nhân lên thành đô thị xanh trong tương lai./.
Phương Chi