(Baonghean) - Những năm qua, không ít nông dân các địa phương như Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu… thoát nghèo, nâng cao thu nhập nhờ cây nấm. Tuy nhiên, đầu ra cho sản phẩm nấm bấp bênh khiến nghề này đang phát triển thiếu bền vững.

Về Yên Thành thời điểm này đang rộ mùa thu hoạch nấm. Chị Nguyễn Thị Kỷ ở xóm Quang Trung, xã Long Thành cho biết: “Cơ  sở sản xuất nấm của gia đình rộng trên 500 m2, mỗi tháng xuất bán từ 1-1,2 tấn nấm các loại. Thời điểm sau Tết Nguyên đán đến nay nấm rất khó tiêu thụ, chúng tôi phải hạ giá liên tục cho tư thương. Trước Tết giá nấm sò 23.000 đồng/kg, nay chỉ còn 16.000 - 18.000đồng/kg, mộc nhĩ khô 100.000 đồng/kg, nay còn 85.000 đồng/kg… Có ngày tư thương không mua, vợ chồng tôi phải đưa nấm đi bán khắp từ chợ Bộng, xã Bảo Thành đến chợ Hôm, xã Hợp Thành, thậm chí lên tận các chợ miền núi ở Quang Thành, Tây Thành để bán. Khi không hết, phải đem về nhờ bà con láng giềng lấy giúp với giá rẻ như cho. “Thực tế nấm chưa có thị trường tiêu thụ ổn định, chủ yếu bán nhỏ lẻ cho các tư thương ở trong huyện, lúc nào các tư thương không đến lấy thì mình phải tự đi các chợ quê để bán. Vì vậy, chúng tôi không dám mở rộng quy mô...” - chị Kỷ chia sẻ. 
 
 
images1147499_nam_1.jpgMô hình trồng nấm của gia đình chị Hoàng Thị Hương ở xã Nam Thành (Yên Thành).
 
Anh Nguyễn Thọ Hạnh, Chủ nhiệm HTX dịch vụ sản xuất nấm Đoàn Kết (xã Nam Thành, Yên Thành) cho biết: “Nghề làm nấm nếu đầu ra ổn định thì mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, có những thời điểm riêng cơ sở của tôi lãi từ 20 - 25 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, khi tiết trời thuận lợi, nấm phát triển mạnh thì chúng tôi lại lo đầu ra”. Cơ sở sản xuất nấm của gia đình anh Hạnh rộng gần 1.600 m2, bình quân xuất bán mỗi ngày từ 60 - 70 kg nấm các loại.
 
Theo anh Hạnh, sản xuất với quy mô lớn thì khâu tiêu thụ phải nhờ tư thương. Nhìn chung người tiêu dùng ở thôn quê chưa quen dùng nấm làm món ăn hằng ngày như rau xanh, nên ít mua sản phẩm này. Những năm qua, anh Hạnh đã ký kết tiêu thụ nấm được với một số tư thương ở TP. Vinh.
 
Tuy nhiên, khó khăn đặt ra là, sản xuất nấm phụ thuộc vào thời tiết, nếu thời tiết thuận lợi, nhiệt độ thấp thì nấm phát triển mạnh có ngày đạt trên 100 kg, thời tiết khô hanh nấm phát triển chậm có khi chỉ đạt 7 - 10 kg nấm/ngày. Nguồn cung không đều, có khi không đủ để đáp ứng lượng nấm đã ký kết; nhưng cũng có khi nấm bán không hết dẫn tới hư hỏng do chưa có hệt thống bảo quản sau thu hoạch như kho đông lạnh, máy sấy khô. Gần đây, anh Hạnh đã mở rộng thị trường theo đường gửi xe khách đi các huyện trên tuyến Quốc lộ 7, gồm Anh Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Kỳ Sơn, với khối lượng từ 25 - 30 kg nấm/ngày. 
 
Anh Hạnh cho biết thêm: HTX dịch vụ sản xuất nấm Đoàn Kết hiện có 28 hộ tham gia sản xuất nấm, ở các xã Nam Thành, Lý Thành, Khánh Thành, Long Thành, Hợp Thành, Tân Thành…; hàng năm sản xuất từ 450 - 490 tấn nấm các loại. Bước đầu nghề nấm đã mang lại hiệu quả kinh tế, tạo nhiều việc làm cho người lao động địa phương. Tuy nhiên, để không phụ thuộc thương lái, Nhà nước cần có định hướng, đầu tư hỗ trợ vốn vay ưu đãi để nông dân liên kết mua sắm các thiết bị, máy móc bảo quản nấm sau thu hoạch, như máy sấy khô nấm, xây kho đông lạnh, xe tải để tự đưa sản phẩm đi tiêu thụ. 
 
Mô hình trồng nấm của gia đình chị cho năng suất và hiệu quả cao
 
Thực tế, cũng đã có một vài mô hình sản xuất nấm phát triển khá bền vững nhờ đa dạng sản phẩm, chủ động tìm đầu ra.
 
Tại xã Thái Sơn (Đô Lương), mô hình sản xuất nấm của các anh Hoàng Văn Dương và Hoàng Văn Phan xây dựng tại cánh đồng Làng Hói thuộc xóm 3, xã Thái Sơn, do được đầu tư máy móc, công nghệ đồng bộ, xây dựng hệ thống nhà phơi nấm nên bảo quản được sản phẩm sau thu hoạch, thị trường đầu ra khá ổn định.
 
Anh Dương cho hay: Qua tham quan học hỏi về trồng nấm công nghiệp ở Nam Định, chúng tôi quyết định đầu tư mô hình trồng nấm công nghiệp công nghệ của Đài Loan với chi phí đầu tư gần 3 tỷ đồng. Do sản xuất với công nghệ cao, nên sản lượng nấm đều, đặc biệt chất lượng được nâng cao. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, chúng tôi chỉ sản xuất khoảng 30% là nấm tươi gồm nấm sò, nấm mỡ để bán cho thị trường nội tỉnh. Còn lại 70% sản xuất mộc nhĩ khô có giá trị cao bán cho các tỉnh phía Bắc. Để đối phó với thời tiết mưa lạnh kéo dài, chúng tôi đã xây dựng nhà phơi mộc nhĩ rộng trên 500m2 che chắn bằng mái tôn. Để chủ động đầu ra, chúng tôi tự đưa sản phẩm đi các chợ đầu mối Đồng Xuân ở Hà Nội, các chợ ở Hải Phòng, một số nhà hàng khách sạn lớn. Sau khi phía khách hàng tin tưởng về chất lượng thì trực tiếp ký kết hợp đồng với cơ sở sản xuất nấm. Sản xuất từ tháng 10/2014 đến nay (khoảng  hơn 3 tháng), sản lượng đạt khoảng trên 4 tấn mộc nhĩ khô. Cơ sở còn tạo việc làm cho trên 15 lao động địa phương với mức lương ổn định. 
 
Nghề trồng nấm hiện đang phát triển ở các huyện Yên Thành, Đô Lương, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, tổng sản lượng đạt khoảng từ 620 - 650 tấn/năm. Yên Thành là địa phương sản xuất nấm nhiều nhất tỉnh nhưng chủ yếu phát triển tự phát, quy mô nhỏ lẻ, năng suất, chất lượng sản phẩm dân hạch toán thấy không lãi, hoặc lãi ít nên không dám đầu tư, liên kết sản xuất.
 
Ông Nguyễn Văn Dương, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết thêm: Đến thời điểm này, toàn huyện Yên Thành có trên 80 hộ dân làm nấm, riêng trong năm 2014 sản xuất được khoảng 490 tấn nấm các loại. Bước đầu nghề nấm đã mang lại hiệu quả kinh tế, tạo nhiều việc làm cho người lao động địa phương. Trong năm 2015, huyện có 4 địa điểm được cấp giấy chứng nhận sản phẩm nấm đạt tiêu chuẩn VietGAP gồm các xã Nam Thành, Lý Thành, Sơn Thành và Tân Thành. Để giải quyết khó khăn cho nghề nấm đặc biệt là đầu ra cho sản phẩm, huyện đã có định hướng phấn đấu mở rộng quy mô, trong năm 2015 và các năm tới ổn định từ 550 - 600 tấn/năm.
 
Thực tế những năm qua, huyện đã đi tìm đầu ra ở các tỉnh Hải Dương, Thái Bình, tuy nhiên các doanh nghiệp giao kèo số lượng sản phẩm phải ký hợp đồng giao hàng liên tục, do sản xuất nhỏ lẻ nên chưa thể đáp ứng được. Trong năm 2015 này, Yên Thành trích trên 500 triệu đồng, tiếp tục có cơ chế hỗ trợ 50% giá giống nấm cho bà con sản xuất, chi kinh phí tập huấn, phấn đấu cuối năm 2015 sẽ xây dựng được 1 cơ sở chế biến sản phẩm (lò sấy) với quy mô 300 kg/8 giờ  để bảo nấm tốt sau thu hoạch. 
 
Như vậy, để nghề nấm phát triển bền vững, cần phải đa dạng hoá các chủng loại, giống nấm phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh ta; từng bước ứng dụng công nghệ cao, có sự gắn kết chặt chẽ từ khâu nghiên cứu, sản xuất, bảo quản, chế biến đến tiêu thụ, đặc biệt là tăng cường quảng bá sản phẩm nấm mở rộng thị trường, nâng khả năng cạnh tranh, đem lại hiệu quả cao cho các hộ trồng nấm.
 
Văn Trường