(Baonghean) - Là một trong những địa phương nằm trong huyện lúa, nhiều năm qua người dân Tân Thành (Yên Thành) đã có nhiều nỗ lực trong sản xuất giống lúa. Nhưng chỉ từ khi có dự án cạnh tranh nông nghiệp hỗ trợ thì người dân ở đây mới thực sự coi đây là một nghề để kinh doanh…
 
Qua  khảo sát, Ban quản lý dự án cạnh tranh nông nghiệp Nghệ An thấy rằng, nhu cầu giống lúa thuần rất lớn. Theo con số tổng hợp trung bình mỗi năm toàn tỉnh gieo cấy 180-185 ngàn ha lúa, trong đó diện tích lúa lai 80-90 ngàn ha, còn 100 ngàn ha gieo trồng các giống lúa thuần. Mặc dù những năm gần đây, một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh như: Công ty CP Giống cây trồng Nghệ An, Công ty CP Giống cây trồng Thái Bình, Tổng công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An, Công ty TNHH Vĩnh Hòa đã  đầu tư  xây dựng một số cánh đồng chuyên sản xuất giống lúa cung ứng cho nông dân, nhưng lượng giống vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thâm canh.
 
Dẫn tới nhiều nơi đang sử dụng giống lúa thuần do bà con tự sản xuất, không đảm bảo chất lượng, làm cho năng suất, sản lượng cũng như hiệu quả sản xuất đạt thấp. Từ thực tế đó năm 2011, Ban quản lý dự án Cạnh tranh nông nghiệp Nghệ An đã triển khai mô hình Liên minh sản xuất hạt giống lúa thuần giữa Công ty TNHH Vũ Kỳ với HTX nông nghiệp Tân Thành (Yên Thành). Mục tiêu của mô hình nhằm tăng cường mối liên kết hợp tác giữa nông dân sản xuất với doanh nghiệp, tiêu thụ hạt giống lúa thuần ổn định lâu dài; nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị hạt giống lúa thuần đáp ứng nhu cầu thị trường và tăng thu nhập cho các đối tác tham gia liên minh… Dự án có tổng mức đầu tư 6 tỷ 187 triệu đồng, trong đó vốn tự có của người dân và doanh nghiệp chiếm 60 % là 3 tỷ 724 triệu đồng, phần còn lại trên 2,4 tỷ đồng do dự án hỗ trợ.
 
images877148_dsc_1055.jpg
Qua 2 năm triển khai, mặc dù gặp khó khăn về nhiều mặt, nhất là thời tiết diễn biến phức tạp khó lường ảnh hưởng không nhỏ đến việc sản xuất, nhưng nhờ tính thiết thực và cố gắng trong chỉ đạo của Ban quản lý dự án nên đã giành được kết quả khá trọn vẹn. Theo chủ nhiệm HTX Bùi Ngọc Quang cái được lớn nhất của người dân là dự án đã giúp họ có thêm kiến thức mới về các biện pháp kỹ thuật sản xuất giống lúa hàng hóa theo cơ chế thị trường.
 
Tìm hiểu được biết, sau khi liên minh đi vào hoạt động, 434 hộ nông dân ở đây được tham gia tập huấn kỹ thuật từ khâu làm đất, ngâm ủ giống, làm ruộng mạ, bắc mạ cho tới các kỹ thuật làm đất, cấy, làm cỏ, tưới nước, bón phân, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hái và chế biến và bảo quản hạt giống. Nhiều nông dân tham gia liên minh cảm nhận, nhờ dự án mà họ có điều kiện tham gia các lớp tập huấn, nắm được các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến, chủ động trong sản xuất và chấp hành quy trình sản xuất thâm canh. Ông Nguyễn Hữu Bơ - Giám đốc Công ty TNHH Vũ Kỳ, thừa nhận: Không chỉ nông dân mà doanh nghiệp tham gia liên minh cũng được hưởng lợi nhiều mặt như: được tham gia các lớp tập huấn và tham quan học hỏi mở rộng tầm nhìn.
 
Được biết, trong 2 năm liên minh đã phối hợp mở được 8 lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất hạt giống lúa thuần, kỹ năng quản lý cho doanh nghiệp và HTX; tổ chức 2 đợt tham quan học tập các mô hình sản xuất giỏi thực sự đã giúp nông dân và doanh nghiệp khắc phục những nhược điểm, áp dụng nhanh các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, bảo đảm đạt năng suất, chất lượng. Vụ xuân 2012, liên minh đã tổ chức sản xuất trên diện tích 84,6 ha, năng suất 60 tạ/ha, sản lượng 507,6 tấn, doanh thu trên 5 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 1.356 triệu đồng, tỷ suất lợi nhuận 42,67%; vụ xuân 2013 sản xuất trên diện tích 84,6 ha, do có thêm kinh nghiệm của vụ trước nên năng suất tăng hơn 2 tạ/ha, sản lượng đạt 524,52 tấn, doanh thu trên 5,2 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 1.525 triệu đồng.
 
So với kế hoạch phê duyệt ban đầu của liên minh, sản lượng tăng 141 tấn; và so với trước khi chưa tham gia liên minh, tổng doanh thu trên một đơn vị diện tích tăng 236,8%. Sau 2 năm thực hiện toàn liên minh đạt lợi nhuận 6.800 triệu đồng, tăng gấp 2 lần trước khi tham gia. Kết quả của liên minh không chỉ dừng lại ở đó mà thông qua liên minh nông dân Tân Thành đã biết phối hợp với doanh nghiệp để tổ chức sản xuất giống lúa hàng hóa theo cơ chế thị trường và đưa việc sản xuất lúa giống trở thành nghề làm ăn lâu dài. 
 
Bí thư Đảng ủy xã Tân Thành Phạm Văn Chính phấn khởi cho biết: Tân Thành là xã có truyền thống sản xuất giống lúa nói chung và lúa thuần nói riêng nhưng chỉ sau khi tham gia liên minh, việc tổ chức sản xuất mới đi vào quy củ và hiệu quả. Ngoài được dự án hỗ trợ về vật tư, giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật, chỉ đạo sản xuất hạt giống tốt, còn được bao tiêu sản phẩm nên nông dân yên tâm đầu tư sản xuất. Đặc biệt thấu hiểu với điều kiện là xã miền núi, địa bàn rộng, cơ sở hạ tầng yếu kém nhà nước cũng đã hỗ trợ xây dựng củng cố kênh mương, giao thông nội đồng, cải tạo mặt bằng, tạo cánh đồng hoàn chỉnh; dự án hỗ trợ người dân mua một số công cụ sản xuất như: máy cày, máy gặt liên hợp, ô tô vận tải nhỏ, bình bơm thuốc trừ sâu, máy bơm nước, máy tuốt lúa… tạo nhiều thuận lợi phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững.
 
Những ngày này, cũng như các địa phương khác trong tỉnh, nông dân xã Tân Thành đang triển khai các công việc chuẩn bị cho sản xuất vụ xuân. Chủ nhiệm HTX Bùi Ngọc Quang báo tin: Vụ xuân 2014, bà con không chỉ thâm canh thóc thịt mà tập trung vào liên kết đầu tư sản xuất giống để vừa tạo sản phẩm hàng hóa phục vụ nhu cầu thị trường vừa tăng nguồn thu nhập. Dự kiến trong vụ xuân 2014, Tân Thành sẽ tổ chức sản xuất giống lúa trên diện tích 100 ha, chiếm ¼ diện tích gieo cấy lúa của toàn xã. 
 
Đó là hướng đi mới, là tín hiệu vui, là cái kết rất đẹp của mô hình liên minh sau 2 năm triển khai thực hiện tại nơi này.
 
Hải Yến