Nhằm giúp Việt Nam từng bước cải thiện năng lực về vệ sinh ATTP, đồng thời đạt được các tiêu chí và yêu cầu kỹ thuật phù hợp với yêu cầu quốc tế trong bối cảnh Việt Nam gia nhập WTO, năm 2010, WTO đã ủy thác cho FAO (Tổ chức Nông lương LHQ) hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thông qua Dự án SPS.
Dự án được xây dựng với mục tiêu tăng cường năng lực an toàn VSTP và kiểm dịch động, thực vật, đồng thời quản lí chất lượng nông sản tại tất cả các khâu từ SX, bảo quản, phân phối tới tiếp thị sản phẩm, giúp nông dân nắm bắt được cơ hội thương mại... thông qua phương án tiếp cận SX theo chuỗi giá trị.
Giai đoạn I của dự án SPS do Viện Nghiên cứu Rau quả quản lí và thực hiện, thời gian từ năm 2010 đến hết năm 2012, với những nhiệm vụ cụ thể như: Thực hiện soạn thảo và phổ biến các tài liệu, đồng thời tập huấn cho nông dân về các biện pháp kỹ thuật về thực hành nông nghiệp tốt VietGAP tại các vùng triển khai dự án; xây dựng các mô hình SX rau an toàn, đồng thời hỗ trợ hướng dẫn nông dân tham gia dự án tiếp cận các mô hình quản lí chất lượng rau và ATTP với chuỗi giá trị của 6 chủng loại rau; tổ chức các hoạt động nhằm tăng cường mối liên kết giữa tổ chức SX và thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước...
Cụ thể trong 3 năm triển khai giai đoạn I, dự án đã thiết lập được 6 chuỗi giá trị cho các chủng loại rau gồm cà chua, su su, cải bắp, cà chua bi, dưa chuột bao tử tại 3 tỉnh là Sơn La, Hưng Yên và Lâm Đồng.
Cùng với việc soạn thảo các ấn phẩm, tài liệu hướng dẫn SX rau theo VietGAP, dự án đã tổ chức 2 khóa tập huấn với hàng chục lớp tập huấn cho cán bộ của Sở NN-PTNT, các nhân viên của Cty chế biến, các thương lái và cán bộ kỹ thuật của HTX tham gia dự án tại 3 tỉnh với ố lượng hơn 850 người. Các hội thảo đầu bờ, với sự tham gia của đông đảo các nhà quản lí, nhà khoa học, nông dân, thương lái và DN chế biển cũng đã được tổ chức, tạo sự gắn kết đồng bộ từ SX tới tiêu dùng.
Tại các điểm tham gia dự án, 6 giấy chứng nhận VietGAP cũng đã được các đơn vị chức năng của Bộ NN-PTNT cấp phép. Nhờ đó, sản phẩm rau tại các vùng tham gia dự án đã được nhiều siêu thị tại Việt Nam chấp nhận. Các sản phẩm dưa chuột bao tử và cà chua bi còn XK sang Ucraina, Pháp.
Tháng 12/2011, dự án đã tổ chức cho các đoàn tham quan học tập mô hình SX rau an toàn tại Trung Quốc, đồng thời tổ chức nhiều cuộc họp mặt giữa các đối tác SX và tiêu thụ sản phẩm trong nước nhằm giới thiệu tiềm năng cung ứng rau an toàn của Mộc Châu (Sơn La), Đà Lạt (Lâm Đồng), Hưng Yên, qua đó đã tìm kiếm được thị trường cũng như tạo được sự liên kết chặt chẽ từ SX tới tiêu dùng.
Bên cạnh những thành công ban đầu, giai đoạn I của dự án còn vấp phải nhiều hạn chế như tài liệu học tập cho nông dân chưa phù hợp; các mô hình SX rau của dự án còn nhỏ lẻ, hạn chế về lượng; quy trình cấp chứng chỉ SX rau an toàn khó thực hiện và phức tạp; liên kết chuỗi SX tới tiêu thụ và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm còn chưa được thực hiện bài bản...
Nhằm khắc phục những hạn chế đó, giai đoạn II của dự án (2013 - 2016) sẽ tập trung vào việc mở rộng và nhân rộng kết quả ở giai đoạn I. Cụ thể, mục tiêu dự án sẽ tiếp tục tập huấn sâu cho người SX, chế biến và thương lái tại địa phương về SX và tiêu thụ rau an toàn; thúc đẩy thị trường tiêu thụ bằng việc thiết lập 6 mô hình trình diễn trong 4 vụ cho các chủng loại rau đã lựa chọn; thúc đẩy mối liên kết thị trường giữa SX và tiêu thụ...
Để đạt được những mục tiêu này, giai đoạn II dự án sẽ mở rộng mô hình trình diễn, bổ sung các lớp tập huấn về SX rau an toàn, đơn giản hóa quy trình cấp chứng chỉ VietGAP, xây dựng thương hiệu - kết nối thị trường, đồng thời xúc tiến việc truy nguyên nguồn gốc thông qua bao bì sản phẩm...
Theo NNVN