(Baonghean) - Đối thoại tại nơi làm việc là một trong các hình thức chính thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở nhằm xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp; tháo gỡ những bức xúc, căng thẳng trong quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động. Tuy nhiên hiện nay, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện quy định này và phía cơ quan chức năng chưa có biện pháp nhắc nhở, xử phạt.
Tại Nghệ An trong 5 năm (2010 - 2015), các cuộc đình công trái pháp luật có xu hướng tăng lên, đã có 15 cuộc đình công diễn ra tại 13 doanh nghiệp. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những cuộc đình công, ngừng việc tập thể, mà trong đó nguyên nhân sâu xa nhất vẫn là do thiếu thông tin giữa các bên tham gia trong quan hệ lao động. Điển hình như công nhân Công ty TNHH Matrix ở khu công nghiệp Bắc Vinh đình công trái pháp luật 2 lần (năm 2010 và năm 2012).
Trong đó cuộc đình công phức tạp nhất xảy ra vào năm 2012, với 2.600 công nhân tham gia trong 7 ngày, thực ra xuất phát điểm chỉ là tranh chấp lao động tại một xưởng sản xuất, nhưng do không có diễn đàn để người lao động trao đổi, kiến nghị, họ bị kích động, chi phối, sau đó đình công lan rộng toàn doanh nghiệp, căng thẳng và rất phức tạp. Chỉ đến khi Ban giám đốc Tổng Công ty Matrix tổ chức đối thoại trực tiếp với người lao động và 2 bên thống nhất một số nội dung thì người lao động mới đồng ý tiếp tục trở lại làm việc bình thường.
Thời gian qua, tại một số doanh nghiệp đã thực hiện đối thoại với hình thức như: giám đốc gặp gỡ công nhân lao động tại nhà máy khoảng 30 phút vào ngày đầu tháng để trao đổi thông tin, giải quyết những yêu cầu từ phía tập thể lao động, phát phiếu thăm dò, lấy ý kiến người lao động bằng phiếu trong bữa ăn trưa hàng tuần và họp quản lý để trao đổi 4h/tuần. Ông Liu Ii Lin - Giám đốc Công ty TNHH Matrix chia sẻ: Từ thực tế hoạt động tại doanh nghiệp, năm 2013, chúng tôi đã có những thay đổi rất cơ bản trong việc thực hiện dân chủ, đó là đặt hòm thư góp ý tại các xưởng, các góp ý của công nhân được xử lý hàng ngày, tạo điều kiện tốt nhất cho công đoàn cơ sở hoạt động và tổ chức đối thoại với đại diện các bộ phận sản xuất vào thứ 7 hàng tuần. Thông qua đối thoại tại doanh nghiệp một cách thường xuyên, người sử dụng lao động mới có những quyết sách, cách quản lý đúng đắn, tạo được sự đồng thuận cao của tập thể lao động, phát huy dân chủ, góp phần tạo ra động lực mạnh mẽ để người lao động làm việc hăng hái, nhiệt tình hơn.
Tuy nhiên, số doanh nghiệp tổ chức đối thoại tại nơi làm việc đếm trên đầu ngón tay, chứ chưa nói đến định kỳ 3 tháng/lần. Ngay như tại Công ty CP xi măng và VLXD Cầu Đước trong nhiều năm qua đã không tổ chức đối thoại với người lao động. Đỉnh điểm là ngày 25/3, hàng trăm cổ đông, người lao động tập trung trước cổng công ty ngăn chặn hành vi bán máy móc cũng như yêu cầu tổ chức đối thoại nhằm đề nghị công ty giải đáp các nội dung xung quanh hoạt động của công ty. Trước đề nghị của cổ đông và người lao động nhưng ông Phan Huy Lệ, Chủ tịch HĐQT của công ty CP xi măng và VLXD Cầu Đước vẫn từ chối tổ chức đối thoại. Từ đây để thấy rằng, muốn các quy định trong Nghị định 60 phát huy hiệu quả trên thực tế phải có sự chủ động từ phía doanh nghiệp, bởi trong thực tế có rất ít doanh nghiệp tổ chức đối thoại tại nơi làm việc.
Ông Nguyễn Chí Công, Trưởng Ban chính sách pháp luật, Liên đoàn Lao động tỉnh, cho biết: Có doanh nghiệp khi liên đoàn lao động xuống và đề nghị tạo điều kiện tổ chức đối thoại thì doanh nghiệp lấy lý do không có nội dung đối thoại. Việc tổ chức đối thoại thuộc về ý chí chủ quan của chủ sử dụng lao động nên mặc dù tổ chức công đoàn có muốn đối thoại nhưng chủ doanh nghiệp không đồng ý thì cũng không thể thực hiện được.
Bên cạnh đó, một bộ phận công nhân lao động e ngại phát biểu, không dám tham gia kiến nghị, đề xuất, sợ bị thành kiến, trù dập, sợ bị đuổi việc (kể cả đề xuất qua phiếu lấy ý kiến). Công đoàn cơ sở chưa phát huy được vai trò của mình. Một số nơi đã tổ chức nhưng không theo quy trình, quy định… Một lý do nữa khiến cho số lượng doanh nghiệp thực hiện quy định về tổ chức đối thoại tại nơi làm việc còn quá khiêm tốn có liên quan đến tỷ lệ doanh nghiệp tổ chức hội nghị người lao động. Theo quy định, thành phần tham gia đối thoại gồm: người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền hợp pháp và các thành viên đại diện cho người sử dụng lao động; Ban chấp hành Công đoàn cơ sở hoặc đại diện BCH Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở và các thành viên đại diện cho tập thể người lao động do hội nghị người lao động bầu.
Số lượng thành viên đại diện mỗi bên phải có ít nhất 3 người. Như vậy, bên đại diện cho tập thể người lao động để tham gia đối thoại do hội nghị người lao động bầu. Có thể suy ra rằng, nếu chưa tổ chức được hội nghị người lao động thì chưa thể thực hiện đối thoại tại nơi làm việc. Theo số liệu từ Liên đoàn Lao động tỉnh, đến ngày 20/3/2015, tỷ lệ doanh nghiệp có công đoàn cơ sở tổ chức hội nghị người lao động đầu năm mới chỉ đạt 33,69%.
Điều 11 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP quy định người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt nếu không thực hiện nghiêm chỉnh quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc theo quy định của pháp luật, không tiến hành đối thoại tại nơi làm việc định kỳ 3 tháng/lần và không thực hiện đối thoại khi đại diện tập thể người lao động yêu cầu. Tuy nhiên, theo bà Hoàng Thị Hường, Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB&XH tỉnh thì: “Quy định là thế nhưng trong thực tiễn rất khó để phạt được các doanh nghiệp không tổ chức đối thoại định kỳ. Hơn nữa, một số doanh nghiệp cho biết sẵn sàng tổ chức đối thoại nhưng phía công đoàn không đề xuất và người lao động lại không có nhu cầu đối thoại, không có ý kiến gì với doanh nghiệp”.
Do vậy, để quy định này thực sự đi vào cuộc sống, bên cạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức đối với chủ sử dụng lao động và người lao động, cần phải phát huy vai trò của Ban chỉ đạo quy chế dân chủ cơ sở các cấp; thanh tra lao động cần nghiêm túc thực hiện quyền của mình đối với các doanh nghiệp không thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật lao động. Công đoàn cơ sở và các ngành cần chủ động trong việc nắm bắt thông tin cũng như nhu cầu của người lao động để đề nghị chủ sử dụng tổ chức đối thoại với người lao động. Cùng với nỗ lực của các cấp công đoàn, người sử dụng lao động cũng cần nhận thức được tác dụng của việc tổ chức đối thoại nơi làm việc và thực hiện đúng quy định của pháp luật. Về phía người lao động cần tự tin, mạnh dạn phát huy tinh thần dân chủ, từ đó xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp nhằm nâng cao năng suất lao động, tạo môi trường làm việc tốt đẹp.
Ngày 8/8/2014, UBND tỉnh ban hành Văn bản số 5676 về việc chỉ đạo tổ chức đối thoại theo Nghị định 60/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành, thị chỉ đạo, đôn đốc và kiểm tra các doanh nghiệp trên địa bàn ban hành quy chế đối thoại và tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc; đối với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phối hợp với Ban Chấp hành công đoàn cơ sở hoặc với công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ban hành quy chế đối thoại và tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc theo quy định tại Điều 10 của Nghị định 60/2013/NĐ-CP. |
Nguyên Hưng