Nổi trội trên nhiều lĩnh vực
Điều không thể phủ nhận đó là nữ giới ngày càng có ý thức, ý chí học tập để chuẩn hóa về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị, cộng với sự quan tâm của tổ chức trong việc quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm đã từng bước khẳng định vai trò, vị trí của cán bộ nữ trong hệ thống chính trị ở các cấp.
Từ thực tiễn ở Thanh Chương, đồng chí Trình Văn Nhã - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, khẳng định: “Cán bộ nữ ở Thanh Chương trong giai đoạn hiện nay cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra; trong đó có nhiều cán bộ nữ thực sự nổi trội, linh hoạt, nhuần nhuyễn, mềm dẻo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực sự là những điển hình “dân vận khéo”, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của ngành, địa phương, đơn vị”.
Để minh chứng cho lời nói của mình, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Chương giới thiệu chúng tôi về xã Thanh Long, nơi có nữ Bí thư Đảng ủy xã duy nhất huyện.
Thanh Long trước đây từng là điểm “nóng” về an ninh trật tự, hạ tầng cơ sở yếu kém, nhưng hiện nay đã có nhiều khởi sắc. Để có được kết quả này, ngoài trí tuệ, công sức của cả tập thể Đảng bộ, nhân dân xã Thanh Long và sự hợp sức từ các doanh nghiệp, con em xa quê, phải kể đến vai trò quy tụ đoàn kết, sự lăn lộn, chịu khó của đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Trần Thị Hằng. Nếu như đầu nhiệm kỳ, xã Thanh Long mới chỉ đạt 11/19 tiêu chí nông thôn mới, thì hiện có thêm 4 tiêu chí hoàn thành.
Điều đặc biệt là chỉ trong vòng 4 năm, xã huy động từ doanh nghiệp, con em xa quê hơn 23 tỷ đồng xây dựng 2 trường mầm non và THCS đạt chuẩn; huy động hơn 30 tỷ đồng hoàn thiện hệ thống cầu cống, kênh mương thủy lợi; động viên mọi nguồn chăm lo người nghèo, giảm 27% đầu nhiệm kỳ xuống còn 4,8% hộ nghèo vào cuối năm 2018…
“Khi mình thật sự lo lắng, chịu khó, trách nhiệm, hết mình với công việc và luôn đặt quyền lợi của tập thể, của nhân dân lên trên hết thì tập thể và nhân dân sẽ tin tưởng và ủng hộ để hoàn thành nhiệm vụ”.
Ở huyện Thanh Chương, đồng chí Nguyễn Thị Quỳnh Nga cũng là một cán bộ nữ “có tiếng” nói được, làm được, dù ở cương vị công tác nào, từ cán bộ chuyên trách dân số, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Đức rồi đến Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện và nay là Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đảm trách.
Ở huyện Yên Thành, cùng “đứng mũi, chịu sào” lĩnh vực khó khăn, phức tạp, nhạy cảm, đồng chí Trần Thị Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy cũng là cán bộ nữ trách nhiệm, trăn trở trong công tác kiểm tra, giám sát, góp phần thúc đẩy việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, ngăn ngừa sai phạm của tổ chức Đảng, đảng viên và giữ nghiêm kỷ kuật Đảng đối với các tổ chức Đảng và đảng viên vi phạm trên địa bàn huyện.
Đồng chí Nguyễn Viết Hưng - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Yên Thành cho rằng, công tác cán bộ nữ thời gian qua được cấp ủy các cấp ở Yên Thành quan tâm từ khâu tuyển dụng đến quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm. Hiện tại, cấp trưởng một số phòng, ban, đoàn thể cấp huyện được bố trí nữ như Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy, Trưởng phòng Tài chính, Trưởng phòng LĐ,TB&XH, Chủ tịch LĐLĐ, Bí thư Đoàn Thanh niên… đều được ngành dọc cấp tỉnh đánh giá xếp loại hoàn thành xuất sắc. Đội ngũ cán bộ nữ là Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch HĐND, UBND cấp xã cũng đều có những đóng góp nhất định vào phong trào ở mỗi địa phương.
Nâng cao tỷ lệ cán bộ nữ
Triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ nữ, nhất là Nghị quyết số 11-NQ/TW (khóa X) của Bộ Chính trị về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 20/1/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới; Tỉnh ủy đã cụ thể hóa ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác cán bộ nữ trên địa bàn tỉnh.
Trên cơ sở đó, cấp ủy các huyện, thành, thị, Đảng bộ trực thuộc và cấp cơ sở đã chỉ đạo quyết liệt, năng động, sáng tạo, tạo ra những bước chuyển biến tích cực về công tác cán bộ nữ. Đội ngũ cán bộ nữ được tham gia cấp ủy và cơ quan dân cử các cấp, đảm nhận vị trí lãnh đạo, quản lý tăng qua các nhiệm kỳ.
Theo đồng chí Lê Quốc Khánh - Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy, thời gian qua, những cán bộ nữ có cơ hội để phát triển được tổ chức phát hiện, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch và sử dụng. Tuy nhiên, số lượng cán bộ nữ trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt ở một số cơ quan, đơn vị mặc dù tăng lên nhưng tỷ lệ còn thấp; việc bổ nhiệm chủ yếu đảm nhận cấp phó.
Một số ngành như y tế, giáo dục có tỉ lệ nữ đông nhưng cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ rất ít. Tỷ lệ nữ là đại biểu HĐND các cấp chưa đạt tỷ lệ theo mục tiêu phấn đấu.
Nguyên nhân do một số cấp ủy, chính quyền các cấp chưa quan tâm đến công tác cán bộ nữ, còn biểu hiện thiếu tin tưởng vào khả năng của cán bộ nữ, đánh giá cán bộ nữ đôi lúc còn thiếu khách quan. Về chủ quan, chính một số cán bộ nữ vẫn tâm lý an phận, chưa có ý chí phấn đấu vươn lên hoặc sớm thỏa mãn, bằng lòng. Có tình trạng một bộ phận phụ nữ có tâm lý e ngại khi được luân chuyển công tác xa gia đình, không sẵn sàng nhận vị trí công tác khi được phân công, ít chịu khó học hỏi vươn lên.
Từ thực tiễn đó đặt ra, muốn công tác cán bộ nữ được thực hiện tốt, tương xứng với năng lực và sự phát triển của lực lượng lao động nữ hiện nay (chiếm trên 50% dân số và 48% lực lượng lao động xã hội), về phía cấp ủy, tổ chức phải thật sự khách quan trong đánh giá, nhìn nhận về giới nữ để tiếp nhận, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm vào các chức danh, vị trí công tác.
Có như vậy mới tạo nên sự bình đẳng giới và bảo đảm tỷ lệ nữ tham gia vào cấp ủy các cấp từ 15% trở lên và có cán bộ nữ trong ban thường vụ các cấp theo tinh thần Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Về phía bản thân phụ nữ cũng phải phấn đấu vươn lên để phát triển, bởi đối với họ ngoài công việc xã hội còn có thiên chức người phụ nữ của gia đình.