“Hội nghị Diên Hồng” của nhân dân
Cao Sơn là xã khó khăn, nằm cách trung tâm huyện Anh Sơn khoảng 20 km. Một thời gian dài, cơ sở hạ tầng không được xem trọng đầu tư, nâng cấp. Hệ thống đường giao thông nông thôn với 172 km chủ yếu là đường đất, đặc biệt vào những ngày mưa lớn, toàn xã bị chia cắt thành 15 vùng, người dân không đi lại được.
Đồng chí Nguyễn Đức Vĩnh - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cho biết, trước thực trạng đó, Đảng bộ xã ban hành Nghị quyết số 35, tập trung vào 3 vấn đề mấu chốt: Củng cố khối đại đoàn kết, giải quyết những nhu cầu bức thiết của người dân, “thắp sáng” lại niềm tin của người dân vào cấp ủy, chính quyền các cấp. Hội thảo “Đồng sức, đồng lòng xây dựng quê hương” được tổ chức và đưa 18 loại vấn đề ra hỏi ý kiến người dân liên quan đến thu hút nguồn lực của Nhà nước, huy động sự đóng góp của nhân dân thông qua xã hội hóa xây dựng kết cấu hạ tầng, xây dựng và phục hồi các di tích lịch sử văn hóa và các công trình phúc lợi khác. Người dân Cao Sơn gọi đó như một “hội nghị Diên Hồng” về kinh tế xã hội, lắng nghe ý kiến từ người dân nhằm định hình hướng phát triển cho địa phương.
"Sự đồng thuận đó ghi dấu sự nỗ lực của chi bộ, ban công tác mặt trận"
Để cảm nhận rõ thực tế, chúng tôi về thôn 10, là điển hình trong huy động sức dân làm đường giao thông và cầu dân sinh. Thời gian qua, nhờ phát huy tốt quy chế dân chủ cơ sở theo phương châm: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, thôn 10 đã tạo được sự đồng thuận lớn. Dẫn chúng tôi đi dọc theo con đường cứng hóa rộng rãi, đứng trên cây cầu Bầu Đung vững chãi, đồng chí Nguyễn Thị Thuyết - Bí thư Chi bộ thôn 10 tự hào: “Khi có chủ trương làm đường giao thông nông thôn và cầu dân sinh, bà con đã không chỉ ủng hộ tiền, vật liệu, ngày công mà còn hiến đất để mở đường. Sự đồng thuận đó ghi dấu sự nỗ lực của chi bộ, ban công tác mặt trận thôn 10”.
Trước khi phổ biến, vận động nhân dân, Chi bộ thôn 10 đã bàn bạc kỹ lưỡng phương châm vận động. Đó không chỉ là phổ biến cho nhân dân nắm rõ chủ trương, hiệu quả của việc xây dựng hạ tầng giao thông mà còn đưa ra bàn bạc, lấy ý kiến thống nhất của nhân dân trước khi tổ chức thực hiện. Điều đáng ghi nhận, mặc dù cuộc sống của người dân còn khó khăn nhưng sẵn sàng chung tay để cùng làm “việc lớn”. Từ đó xuất hiện nhiều điển hình đảng viên, quần chúng ưu tú ủng hộ với số tiền lớn như gia đình ông Phan Sỹ Đạo hỗ trợ 126 triệu đồng, gia đình ông Phạm Hồng Thụy ủng hộ 75 triệu đồng…
“Không có gì lớn bằng sức dân, khi người dân đồng thuận thì mọi việc đều thuận lợi. Tất cả các chủ trương ủng hộ đều được đem ra họp bàn với người dân để đi đến thống nhất chung”.
Do đó, 16 hộ dân của thôn đều cảm thấy hài lòng và trung bình mỗi hộ tự nguyện ủng hộ 21 triệu đồng kinh phí làm đường dài 450m và xây dựng lại cầu Bầu Đung cao 2,5m. Quá trình triển khai thực hiện, Ban Giám sát cộng đồng của thôn cũng hoạt động hiệu quả nên người dân hết sức tin tưởng. Từ những việc làm cụ thể đó cùng với phong trào thi đua sôi nổi trong nhân dân, kể từ năm 2018 đến tháng 9/2019, toàn xã bê tông hóa và nhựa hóa 13 km đường; xây dựng và nâng cấp 14 cầu dân sinh; xây dựng và phục hồi 7 đền, miếu.
Chia sẻ về bí quyết thành công, đồng chí Nguyễn Đức Vĩnh - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cao Sơn cho hay: “Phải biết lấy thôn xóm làm “pháo đài”, lấy người dân làm chủ thể. Đặc biệt, phải tin tưởng và đặt hàng người dân hiến kế, đồng thời chia sẻ khó khăn, giải quyết những vấn đề nổi cộm trong nhân dân. Niềm tin của người dân chỉ tạo dựng khi mọi chủ trương được công khai, minh bạch bằng hoạt động cụ thể, chứ không bằng lời nói”.
Củng cố niềm tin vào cấp ủy, chính quyền
Tại xã Hùng Sơn, đồng chí Võ Văn Hiền - Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Với phương châm “lấy sức dân giải phóng cho dân”, xã vận động, phát huy sức dân trong xây dựng các thiết chế văn hóa, thực hiện quy chế dân chủ trong các công trình xây dựng cơ bản. Đến nay, 6/9 thôn đã hoàn thiện xây dựng sân bóng, là nơi vui chơi cộng đồng, trung bình mỗi sân bóng có diện tích 5.000 - 6.000 m2, với kinh phí từ 200 - 250 triệu đồng, hoàn toàn do chính nội lực của người dân. Không chỉ nâng cao chất lượng đời sống tinh thần cho người dân, cấp ủy, chính quyền các cấp tại Hùng Sơn còn chú trọng đồng hành cùng nhân dân trong tìm tòi những hướng đi mới, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế nhằm nâng cao đời sống vật chất.
Những vùng đất đồi khô cằn nay đã được phủ xanh bởi đồi chè.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Võ Văn Hiền, tại các buổi đối thoại, xin ý kiến về việc trồng cây chè công nghiêp, người dân bày tỏ lo ngại, chưa thực sự tin tưởng vào mức độ thành công. Để người dân hiểu và làm theo, Đảng ủy phát huy vai trò hạt nhân của tổ chức cơ sở đảng, các đảng viên đi đầu trong phát triển trồng chè, với phương châm vừa làm, vừa tuyên truyền, vừa lắng nghe ý kiến của nhân dân. Kiên trì vận động, nhận thấy hướng đi đúng đắn, người dân tham gia trồng chè công nghiệp. Những vùng đất đồi khô cằn nay đã được phủ xanh bởi đồi chè, trở thành vùng thâm canh rộng lớn, toàn xã hiện có 533 ha.
Hơn thế, chính nhờ nguồn thu ổn định từ cây chè chủ lực mà từ một xã nghèo thuộc “top cuối” của huyện những năm về trước, từ những “đồi trọc” biến thành “đồi triệu”, Hùng Sơn đã nhanh chóng “trở mình” đạt được tiêu chí nâng cao thu nhập bình quân đầu người, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra. Ông Nguyễn Văn Thuận, người dân xóm 5 chia sẻ: “Người dân được phát huy quyền làm chủ, được tham gia bàn bạc, đóng góp ý kiến những công việc của địa phương. Do đó, nhiều khó khăn nhanh chóng được tháo gỡ, tạo dựng được niềm tin”.
Những kết quả thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) đã phát huy được tính tích cực trong quần chúng nhân dân; lãnh đạo các địa phương cũng xác định đúng đắn hơn trách nhiệm, quyền hạn của mình, từ đó tạo những chuyển biến tích cực trong mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội.
Đồng chí Nguyễn Công Thế - Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy cho biết, tại 21 xã, thị trấn của huyện Anh Sơn, Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng đều được kiện toàn, củng cố và đi vào hoạt động thực chất. Việc thực hiện QCDC gắn với cải cách hành chính, niêm yết công khai quy trình làm việc tại trụ sở nhằm giải quyết nhanh, kịp thời các thủ tục hành chính cho người dân. Đặc biệt, quá trình xin ý kiến nhân dân, bàn bạc dân chủ trước khi thực hiện các chương trình, dự án được các địa phương thực hiện tốt như trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng các nội dung hương ước ở thôn. Từ đó, quyền làm chủ của nhân dân tiếp tục được nâng lên rõ rệt, củng cố niềm tin vào cấp ủy, chính quyền.
Tuy nhiên, đồng chí Nguyễn Công Thế cho biết: Ở một số địa phương, đơn vị việc thực hiện còn hình thức, nhất là việc lấy ý kiến và trả lời ý kiến của nhân dân chưa đến nơi đến chốn. Việc nắm bắt tình hình nhân dân, dự báo và tham gia giải quyết những vấn đề phức tạp phát sinh trong nhân dân còn nhiều hạn chế. Những hạn chế này cần tập trung khắc phục nhằm nâng cao hơn nữa kết quả thực hiện QCDC trên địa bàn.