(Baonghean) - Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp và ngành Nông nghiệp đã triển khai nhiều biện pháp về quản lý, bảo vệ rừng nên diện tích rừng hiện có cơ bản được bảo vệ, phát triển tốt, góp phần đưa độ che phủ của rừng toàn tỉnh đạt 54,6%. Tuy nhiên, để đảm bảo tính bền vững cho hiệu quả thực hiện công tác trên, cần tập trung giải quyết tốt các mâu thuẫn và bất cập nảy sinh…
Xã hội hóa bảo vệ rừng
Qua thực tế tìm hiểu thực địa và trao đổi với ông Dương Ngọc Hùng, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, mới biết “cuộc chiến bảo vệ rừng ở đây nhiều phức tạp, khó khăn. Toàn khu có trên 40 ngàn ha chủ yếu rừng nguyên sinh, giàu trữ lượng, nhiều loại gỗ quý hiếm, lại nằm trên địa bàn 5 huyện vùng cao; xung quanh vùng lõi có tới hàng chục vạn dân thuộc vùng đệm phần lớn còn nghèo và cuộc sống thường nhật chủ yếu dựa vào nghề khai thác lâm sản; trong khi đó, lực lượng của đơn vị rất mỏng (chỉ có 40 người, mới đảm bảo được 46% so với yêu cầu của đề án bố trí việc làm). Thực tế ấy đặt ra áp lực lớn trong bảo vệ rừng, nếu không có quyết tâm cao và cách làm tốt thì rất khó hoàn tốt nhiệm vụ.
Nhận rõ những thách thức đó, thời gian qua, nhất là năm 2014, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống đã bố trí lại lực lượng, triển khai nhiều biện pháp tích cực. Bên cạnh phân công, bố trí cán bộ phụ trách địa bàn và phối hợp các lực lượng (công an, kiểm lâm, quân sự) tuần tra ngăn chặn các hành vi xâm hại rừng, đơn vị đã thực hiện giao khoán bảo vệ rừng cho các hộ dân vùng đệm gắn với thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, triển khai Chương trình 30a của Chính phủ và Quyết định 59 của UBND tỉnh về chính sách hỗ trợ bảo vệ rừng. Kết quả đã thu hút được hàng nghìn hộ thuộc 5 huyện vùng đệm của khu bảo tồn tham gia nhận khoán bảo vệ rừng; một số điểm nóng khai thác lâm sản trái phép ở Bình Chuẩn (Con Cuông), Nam Sơn (Quỳ Hợp), Diên Lãm, Châu Hoàn (Quỳ Châu) đã được khống chế, nạn cháy rừng không còn xảy ra, tình trạng phát rừng làm nương giảm hẳn, số vụ vi phạm lâm luật giảm 34% so với năm 2013.
Không chỉ ở Khu Bảo tồn Pù Huống, các đơn vị được giao quản lý diện tích rừng đặc dụng, phòng hộ tự nhiên trên địa bàn đều có những nỗ lực cao. Tại Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Quỳ Hợp, diện tích rừng được giao quản lý hơn 6.300 ha, lại nằm rải rác 7 xã vùng sâu, vùng xa, tiếp giáp với 4 huyện trong khi quân số của ban chỉ có 24 người (9 người tự trang trải), việc quản lý bảo vệ cũng rất nan giải. Ban đã chủ động triển khai 2 dự án (bảo vệ rừng bền vững và bảo vệ rừng phòng hộ) theo hướng ở những nơi rừng gần khu dân cư giao khoán cho hộ gia đình, còn những vùng rừng trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, đi lại cách trở thì do lực lượng bảo vệ rừng của ban đảm nhận.
Việc giao khoán cho hộ được thực hiện dân chủ công khai, không cào bằng mà ưu tiên những hộ nghèo, diện chính sách, có lao động, nhiệt tình tích cực, gia đình nhiều lao động thì được nhận nhiều hơn song không quá 15 ha/hộ. Cùng với đó, ban đã phối hợp triển khai phương án phòng cháy, chữa cháy, chống chặt phá, xây dựng thực hiện quy chế phối hợp với các xã, hạt kiểm lâm trong công tác bảo vệ rừng; chủ động tổ chức kiểm tra chéo giữa các cụm trạm. Đặc biệt, ban cùng với chính quyền 6 xã tổ chức 12 buổi tuyên truyền, tập huấn, ký cam kết với 100% hộ dân trong vùng dự án thực hiện nghiêm các quy định về phòng cháy, chữa cháy... Nhờ đó, rừng được bảo vệ ổn định không để xảy ra các vụ cháy rừng nguy hiểm và các vụ chặt phá rừng trái phép. Năm 2014, đã chủ động phối hợp với Hạt Kiểm lâm Pù Huống thu giữ 2 cưa xăng, 10m3 gỗ khai thác trái phép trên đất giao khoán 163.
Ở Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Con Cuông cũng có nhiều các làm hay. Công ty đã tiến hành giao khoán 100% diện tích rừng cho hộ và đội trạm bảo vệ, khoanh nuôi; phối hợp với UBND các xã, hạt kiểm lâm, đồn biên phòng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tuần tra rừng; lập đường dây nóng sớm nắm bắt thông tin xử lý kịp thời các hành vi xâm hại rừng. Trong năm công ty đã tổ chức hơn 400 lượt tuần tra bảo vệ rừng, đẩy đuổi xử lý 24 đối tượng xâm hại rừng tự nhiên, phát quang duy trì 54 km đường ranh giới. Điều phấn khởi, hiện trên địa bàn không còn lâm tặc, đầu nậu gỗ, nạn cháy rừng đã đẩy lùi, diện tích rừng quản lý, bảo vệ phát triển tốt.
Theo ông Đặng Xuân Minh - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển lâm nghiệp tỉnh: “Công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn đang được thực hiện theo hướng xã hội hóa, đã huy động được động đảo các tổ chức, cá nhân tham gia nên có bước chuyển biến khá”. Được biết, năm 2014 cấp uỷ, chính quyền các cấp và ngành Nông nghiệp đã có sự quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn, các chủ rừng đã chủ động triển khai các biện pháp bảo vệ rừng tương đối đồng bộ và đem lại kết quả khá tốt. Ngoài thực hiện các biện pháp về tuyên truyền nâng cao nhận thức, tuần tra, kiểm tra, truy quét, đẩy đuổi… các chủ rừng đã cơ bản làm tốt công tác khoán quản đưa 100% diện tích rừng phòng hộ, đặc dụng và rừng sản xuất có chủ cụ thể quản lý; đồng thời các chủ rừng đã sử dụng các nguồn vốn như: kinh phí sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp 30a, Quyết định 1606 và Quyết định 59 của UBND tỉnh, Quỹ Chi trả dịch vụ môi trường rừng và nguồn vốn Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng để chi trả công bảo vệ cho người nhận khoán, đúng chế độ quy định và đối tượng, tạo động lực khuyến khích người nhận khoán tích cực tham gia công tác bảo vệ, phòng, chống chữa cháy rừng.
Năm 2014, toàn tỉnh đã huy động trên 94,6 tỷ đồng vào chi trả quản lý bảo vệ rừng, bình quân mỗi ha rừng bảo vệ được chi trả 200 ngàn đồng/năm. Hoạt động của lực lượng kiểm lâm cũng tích cực và hiệu quả hơn. Ngoài phát huy được vai trò tham mưu cho chính quyền tăng cường quản lý bảo vệ rừng tận gốc, đẩy mạnh công tác phòng cháy, chữa cháy, chống chặt phá, lực lượng kiểm lâm đã siết chặt công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm. 11 tháng phát hiện xử 856 vụ vi phạm lâm luật, giảm 285 vụ so với cùng kỳ năm ngoái; tịch thu 1.931,75m3 gỗ các loại, thu nộp ngân sách nhà nước trên 4,8 tỷ đồng… Nhờ vậy công tác quản lý, bảo vệ rừng năm qua đã có nhiều chuyển biến tiến bộ, gần 900.000 ha rừng hiện có trên địa bàn cơ bản được bảo vệ tốt và phục hồi nhanh.
Sớm khắc phục bất cập
Mặc dù vậy, công tác quản lý rừng hiện còn một số bất cập như: Công tác bảo vệ rừng chưa bền vững, vẫn còn xảy ra nạn khai thác lâm sản, phát rừng làm rẫy trái phép. Đặc biệt một số địa bàn tình trạng cháy rừng xảy ra nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về tài nguyên và môi trường rừng. Ví như tại địa bàn Nam Đàn trong năm 2014 đã để xảy ra hàng chục vụ cháy rừng thông đặc dụng, phòng hộ, diện tích thiệt hại lên tới hàng trăm ha. Hoặc tại Cắm Muộn, Thông Thụ (Quế Phong), Lưu Kiền, (Tương Dương)… nạn khai thác lâm sản trái phép chưa được ngăn chặn.
Nguyên nhân chủ yếu là một số chủ rừng chưa làm hết trách nhiệm, công tác khoán quản chưa tốt, rừng chưa được giao khoán tận hộ, cá biệt một số chủ rừng xã thực hiện đấu thầu gây mâu thuẫn và tạo hành vi phá hoại, vi phạm pháp luật. Đối với chính sách của Nhà nước chưa đáp ứng, mức đầu tư hỗ trợ 200 ngàn đồng/ha/năm là quá thấp chưa đủ đề tái tạo sức lao động cho người lao động nhận khoán và diện tích được hỗ trợ còn ít so với diện tích rừng hiện có. Hiện nguồn vốn Nhà nước mới hỗ trợ 38% diện tích giao quản lý và vốn về rất chậm nên hầu hết các chủ rừng đang trong tình trạng “giật gấu, vá vai”. Rồi trên cùng địa bàn triển khai nhiều dự án với nhiều nguồn vốn của nhiều đầu mối quản lý và các dự án triển khai chậm nên không ít chủ rừng không đảm bảo nguồn chi trả tiền lương cho nhân lực bảo vệ rừng, nhất là bộ phận tự trang trải.
Ví như ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống thực hiện chương trình bảo vệ rừng 30a của Chính phủ và Quyết định 59 của UBND tỉnh phải làm việc tới 5 huyện, không chỉ phức tạp mất nhiều thời gian, mà chủ đầu tư là các huyện cũng không dễ dàng trong kiểm tra nghiệm thu, giám sát chất lượng bảo vệ rừng. Ông Nguyễn Đức Sơn - Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Con Cuông cho biết: “Mấy năm nay đóng cửa rừng cấm khai thác, nguồn thu từ rừng tự nhiên không có; nguồn thu từ rừng trồng nguyên liệu theo phương thức làm giàu (trồng xen) nên mới đủ chi phí không có lãi; các khoản thu từ dịch vụ kinh doanh, chế biến không đang kể nên đơn vị phải “thắt lưng buộc bụng” mới có tiền giữ 4.500 ha rừng tự nhiên và rừng sản xuất. Nếu thời gian tới tỉnh không có chính sách hỗ trợ kinh phí bảo vệ rừng sản xuất tự nhiên… đơn vị khó hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ rừng”.
Có thể nói còn nhiều vấn đề đặt ra từ công tác khoán quản đến chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước đối với người dân và lực lượng chuyên trách, bán chuyên trách bảo vệ rừng ở các đơn vị địa phương cần tiếp tục được nghiên cứu và sớm có biện pháp hữu hiệu; đi liền với đó là cần tạo việc làm cho người dân miền núi, giảm áp lực dựa vào rừng mưu sinh thì mới đảm bảo cho việc quản lý bảo vệ rừng bền vững.
Văn Đoàn