(Baonghean) - Trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho nông dân luôn là ưu tiên trong thực hiện nhiệm vụ của Đảng ủy, chính quyền các địa phương ở huyện Anh Sơn. Niềm vui đến với bà con khi du nhập được thêm cây, con mới, nghề mới, mở ra nhiều kỳ vọng.
Vùng bãi Đào Lâm có trên 50 ha đất cát là nơi sản xuất của hơn 100 hộ dân của xã Đỉnh Sơn. Thế nhưng qua nhiều biến đổi do ngập lụt, xói mòn, đất vùng này bị bạc màu. Trước thực tế đó, Phòng Nông nghiệp huyện cùng xã Đỉnh Sơn triển khai thử nghiệm nhiều loại cây trồng như vừng, lạc, đậu… để tăng giá trị, nhưng chưa thành công. Đến đầu năm 2014, giống khoai lang Nhật được đưa vào trồng và đem đến những hy vọng mới.
Khoai lang Nhật nhanh chóng bén rễ, phát triển xanh tươi với năng suất dự kiến đạt từ 12-15 tấn/ha. Cây khoai lang Nhật được khuyến cáo phù hợp với đất cát, thời gian sinh trưởng 5 - 6 tháng, nếu thành công sẽ cho sản lượng 7 - 8 tấn, với giá bán hiện nay cho nguồn thu gần 64 triệu đồng. Để giúp nông dân theo đuổi cây trồng này, Trung tâm Dạy nghề huyện Anh Sơn phối hợp với xã Đỉnh Sơn tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; Hội Nông dân, Hội LHPN cùng cán bộ thôn trực tiếp hướng dẫn trồng, chăm sóc khoai lang Nhật đúng quy trình. Trung tâm Dạy nghề còn bố trí 2 - 3 giáo viên thường xuyên bám cơ sở, giải quyết kịp thời những băn khoăn của bà con. Ông Nguyễn Văn Hiếu - Chủ tịch UBND xã chia sẻ: “Với những tính năng của cây khoai lang Nhật, người dân cũng như chính quyền địa phương rất hứng khởi bắt tay thực hiện. Qua theo dõi, cây phát triển khỏe mạnh, chúng tôi hy vọng sẽ thành công và nhân ra diện rộng. Bên cạnh đó, rất nhiều hộ đã mạnh dạn du nhập nghề trồng nấm với hy vọng tăng thêm thu nhập cho gia đình…”.
Theo giới thiệu của Chủ tịch UBND xã Đỉnh Sơn, chúng tôi đến với tham quan mô hình trồng nấm của gia đình ông Nguyễn Văn Thân ở thôn 4. Năm nay, hai ông bà đã ngoài tuổi 60 nhưng vẫn say sưa “tầm sư học đạo”, triển khai trồng nấm sò và mộc nhĩ. Đến nay, gia đình ông có trên 1 vạn bịch nấm mộc nhĩ, 2000 bịch nấm sò. Dự tính hết năm 2014 gia đình sẽ thu về 50 - 60 triệu đồng. Để vững vàng nghề trồng nấm, đầu năm nay, mỗi tuần 3 buổi, ông Thân vượt 10km đến thôn 3, xã Hoa Sơn theo học lớp trồng nấm, mộc nhĩ. Ông phấn khởi cho biết: “Thấy gia đình chị Nguyễn Thị Hoa ở thôn 3, xã Hoa Sơn trồng nấm có hiệu quả, trong 4 tháng đã thu về 2 tạ nấm sò bán được 7 triệu đồng, mộc nhĩ 17 triệu đồng, tôi theo học và làm bằng được. Số lượng nấm của gia đình tôi dự tính sẽ thu hoạch trước Tết khoảng 30 triệu đồng…”.
Còn ở thôn 5, xã Hoa Sơn, xã đã phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức lớp chuyển giao kỹ thuật trồng nấm cho hàng chục hộ dân của thôn và các thôn lân cận. Ông Nguyễn Văn Minh - Trưởng ban Mặt trận thôn, kiêm lớp trưởng học nghề trồng nấm cho biết: “Ở đây có một số hộ không có điều kiện tự làm mà liên kết 2 - 3 hộ cùng làm. Từ những mô hình thành công trên địa bàn xã và các xã lân cận, nhiều gia đình thể hiện quyết tâm trồng nấm để tăng thêm thu nhập. Đến nay, các hộ dân theo học lớp tập huấn đã đưa bầu nấm về sản xuất, bước đầu đã nảy mầm, hứa hẹn những thành công. Chúng tôi hy vọng các doanh nghiệp sẽ kết nối để góp phần tiêu thụ sản phẩm ổn định cho bà con yên tâm với nghề mới…”. Hiện tại, có nhiều địa phương khác cũng đang du nhập nghề trồng nấm với những mô hình quy mô lớn ở xã Phúc Sơn và Cao Sơn…
Một trong những mô hình táo bạo ở huyện Anh Sơn, đó là gia đình chị Nguyễn Thị Huyền ở thôn 1, xã Tường Sơn mạnh dạn đưa giống gà Đông Tảo vào nuôi trên địa bàn. Với 450 con gà giống Đông Tảo, sau một thời gian nuôi, chị Huyền đã bán gà thịt và trứng được 60 triệu đồng, hiện trong chuồng còn 150 con. Cách làm mạnh dạn này đã góp phần tích cực tăng thêm thu nhập cho gia đình chị Huyền, đồng thời thúc đẩy nhiều hộ dân khác chuyển đổi cách nghĩ, cách làm. Nhận thấy sự chuyển biến đó, Phòng Nông nghiệp và Trung tâm Dạy nghề huyện Anh Sơn đang phối hợp chặt chẽ với các xã xây dựng kế hoạch, tích cực chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi mới cho bà con nông dân. Ông Nguyễn Công Thế - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết: “Quá trình triển khai các chương trình hỗ trợ sản xuất, chăn nuôi ở các xã, chúng tôi thấy bà con rất hồ hởi khi có thêm nghề mới. Điều đó như một động lực thúc đẩy phong trào phát triển kinh tế, tăng thu nhập, thoát nghèo bền vững ở các địa phương…”.
Sỹ Thuần