(Baonghean) - Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 707/ VPCP-KGVX ngày 8/2/2012 truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ đồng ý với Bộ Y tế điều chỉnh giá của hơn 400 dịch vụ y tế. Theo đó, trong khoảng thời gian cuối tháng 2, đầu tháng 3 tới, Bộ Y tế làm việc với các bộ liên quan để ban hành việc tăng viện phí... Dư luận người dân trong tỉnh ta hầu hết bày tỏ sự đồng tình về đề án này, song cũng kiến nghị, chất lượng khám, chữa bệnh cũng phải tăng tương xứng.
Phạm vi điều chỉnh viện phí
Cơ sở để thực hiện việc tăng viện phí sắp tới là: Mức thu dịch vụ khám, chữa bệnh hiện nay quá thấp, chưa được điều chỉnh kịp thời cho phù hợp với tình hình thực tế. (Trong số khoảng 3.000 dịch vụ y tế đang thực hiện, có khoảng 350 dịch vụ được ban hành từ năm 1995, khoảng 2.700 dịch vụ ban hành từ năm 2006 nhưng đều chưa được điều chỉnh, khiến nhiều dịch vụ chỉ thu bằng 30% - 50% chi phí thực hiện, trong khi các yếu tố chi phí đầu vào để bảo đảm hoạt động của bệnh viện từ năm 1995 và 2006 đến nay tăng nhiều lần, mức đóng bảo hiểm y tế tăng, tiền lương tối thiểu đã tăng 6,9 lần, chỉ sốgiá tiêu dùng tăng khoảng 3,4 lần). Các mức điều chỉnh hướng tới mục tiêu người bệnh sẽ được thụ hưởng dịch vụ y tế với chất lượng tốt hơn do bệnh viện có thêm kinh phí để phục vụ người bệnh.
Tăng viện phí, liệu chất lượng khám, chữa bệnh có tăng? Ảnh: Từ Thành
Theo đó, việc điều chỉnh viện phí lần này vẫn là thu một phần viện phí nhưng hướng tới tính đúng, tính đủ các chi phí trực tiếp. Trong số hơn 400 dịch vụ sẽ điều chỉnh giá, có 5 dịch vụ y tế giá giảm so với hiện tại và hơn một nửa dịch vụ y tế chỉ quy định đồng đều một giá. Số dịch vụ còn lại khung giá tối thiểu và tối đa đã được rút ngắn hơn so với trước, cao nhất là 90 nghìn đồng, thấp nhất là 3 nghìn đồng và mức trung bình là 19 nghìn đồng nhằm hạn chế chênh lệch viện phí giữa các bệnh viện... Mức tăng này sẽ giúp bệnh viện triển khai được một số một số dịch vụ, kỹ thuật y tế cho người bệnh mà trước đây không thể thực hiện vì lý do kinh phí.
Đối với bệnh nhân có thẻ BHYT sẽ được cơ quan BHXH thanh toán với mức cao hơn nên giảm bớt sự đóng góp thêm của người bệnh có thẻ BHYT, đối với các dịch vụ mà trước đây giá thấp, bệnh viện phải thu thêm của người bệnh phần quỹ BHYT không thanh toán. Ước tính của ngành Bảo hiểm xã hội thì năm 2011, chi phí khám, chữa bệnh là 24.000 tỷ đồng và nếu áp dụng giá viện phí mới trong năm nay thì chi phí y tế sẽ gia tăng khoảng 26%. Với mức tăng như đề án, trong giai đoạn ngắn hạn, Quỹ Bảo hiểm y tế sẽ tự cân đối trong nguồn thu của mình; sử dụng một phần kinh phí dự phòng để chi trả khi bội chi. Nếu kinh phí dự phòng cũng không đủ thì sẽ đề nghị tăng mức đóng BHYT. Việc điều chỉnh mức đóng chưa được đặt ra trong năm 2012... Trong năm nay, bệnh nhân sẽ không phải đóng thêm phí tham gia BHYT.
Trong lộ trình BHYTtoàn dân đang thực hiện thì hộ nghèo và đối tượng chính sách được Nhà nước mua thẻBHYT cho và chỉ phải chi trả 5% viện phí. Và tại đề án điều chỉnh viện phí lần này, người nghèo và đối tượng gia đình chính sách vẫn duy trì mức chi trả 5% chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Trong trường hợp mức chi trả lớn, sẽ trích Quỹ Khám chữa bệnh cho người nghèo hỗ trợ khi người nghèo sử dụng dịch vụ y tế ngoài khả năng chi trả của các địa phương, để hỗ trợ các đối tượng giảm bớt khó khăn, như người mắc bệnh hiểm nghèo phải chạy thận nhân tạo hoặc mổ tim, nhưng không miễn hoàn toàn.
Để nâng chất lượng khám, chữa bệnh
Ngay sau khi có chủ trương điều chỉnh giá dịch vụ y tế, dư luận của người dân Nghệ An bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ với việc này nhưng vẫn không khỏi lo lắng. Điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An (bệnh viện có lượng bệnh nhân đông nhất hiện nay trên địa bàn tỉnh) đã hơn một tuần, dù có thẻ BHXH nhưng bà Lê Thị Nguyệt ở Thị trấn Nam Đàn vẫn phải trả một khoản tiền viện phí không nhỏ. Vì thế, thông tin về việc tăng viện phí tới khiến bà lo lắng: "Tôi hay đau ốm, đã mua BHYT tự nguyện cho đỡ tốn tiền.
Tuy nhiên khi nằm điều trị vẫn phải chi trả một phần. Giờ tăng viện phí thì sẽ khó khăn hơn". Nhiều ý kiến đều cơ bản có chung nhận định: Mức điều chỉnh viện phí sắp tới sẽ gây khó khăn lớn nhất đến những bệnh nhân không có thẻ, chưa tham gia BHYT. Và các đối tượng này phần lớn đều là những người có thu nhập thấp (nông dân, ngư dân).
Chị Nguyễn Thị Hoa ở xã Nghi Quang cho biết: Kinh tế người dân vùng ven biển còn nhiều khó khăn, tăng viện phí nhiều quá thì khiến người dân và bản thân nảy sinh tâm lý ngại đến bệnh viện và các cơ sở khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, gia đình sẽ tham gia bảo hiểm tự nguyện để được hưởng các chính sách, dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Theo đề án điều chỉnh viện phí lần này, chất lượng khám chữa bệnh cho người dân sẽ được tăng lên. Đặc biệt, như với các trường hợp nằm ghép thì bệnh viện sẽ không được thu tiền giường theo đầu người, nghĩa là tiền giường sẽ được chia đều cho số người nằm ghép trên chiếc giường đó, chứ không như cách tính hiện nay của nhiều bệnh viện... Nhiều người cho rằng, để thực hiện những mục tiêu tốt đẹp của đề án, yêu cầu sự nỗ lực lớn hơn của ngành Y tế, đặc biệt là đội ngũ y, bác sỹ để nâng cao chất lượng, khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế.
Ông Phạm Gia Vân, Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh nêu ý kiến: "Việc tăng viện phí là cần thiết, tạo điều kiện cho các cơ sở y tế đầu tư, nâng cấp trang thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh tốt hơn, đồng hành với việc tăng viện phí thì các y, bác sỹ phải nâng cao y đức, không nên đặt đồng tiền lên cao để "thu hút" thẻ BHYT, lạm dụng thuốc, kỹ thuật và xét nghiệm, tạo niềm tin để người dân tích cực tham gia, tiến tới BHYT toàn dân".
Một số cán bộ y tế khẳng định: Việc tăng viện phí sẽ tránh được tình trạng bệnh viện thu không đủ bù chi, đời sống y, bác sỹ được nâng lên, từ đó nâng cao y đức, bệnh viện thì giữ chân được bác sỹ giỏi. Và mức tăng của Bộ Y tế đề lần này vẫn chưa sát với thực tế, nên khả năng có bệnh viện sẽ tăng giá khám, chữa bệnh dịch vụ theo yêu cầu...
Cũng có ý kiến cho rằng: Hiện nay, các bệnh viện thực hiện tự chủ về tài chính theo Nghị định 43/2006 của Chính phủ, nhưng việc thu chi có công khai, minh bạch hay không thì chưa ai dám chắc, vì lực lượng Thanh tra Y tế hiện nay vẫn thiếu và yếu. Nếu không có biện pháp quản lý tốt việc thu chi của bệnh viện thì khi tăng viện phí sẽ càng dẫn đến tình trạng tận thu, thậm chí còn tạo điều kiện cho bệnh viện "xé rào" viện phí, chạy theo giá cả thị trường. Rõ ràng, cần phải có cơ chế để giám sát chặt chẽ, tránh tình trạng tận thu và lỗ ảo, bệnh nhân có tiền thì được ưu tiên, bệnh nhân nghèo, BHYT thì phải chờ đợi, gây nên tình trạng quá tải, trái tuyến.
Tăng viện phí phải đồng hành với quyền lợi của bệnh nhân được đảm bảo. Người dân Nghệ An vẫn đang chờ những nỗ lực, biểu hiện cụ thể của ngành Y tế nói chung và các cơ sở khám, chữa bệnh của tỉnh nhà.