(Baonghean) Câu chuyện y đức vẫn được xem là câu chuyện dài đã được nói tới từ lâu, nhưng bỗng trở nên khẩn thiết hơn trong thời gian gần đây, khi xảy ra một loạt các xung đột giữa bệnh nhân và thầy thuốc sau cánh cổng bệnh viện.

Nó khởi nguồn cho hàng loạt các cải cách mới của ngành Y tế với những quyết tâm cao: cải tổ viện phí, cam kết nói không với phong bì tại các bệnh viện lớn…Trên nhiều diễn đàn, người ta không còn bàn y đức chung chung mà gắn vấn đề hệ trọng này với… cái phong bì! Bởi có lý lẽ cho rằng, cái phong bì càng nặng thì xem như y đức càng nhẹ! Thậm chí, có cả những nghiên cứu rất công phu cũng nói thẳng ra là, chỉ cần một năm, từ một thầy thuốc trẻ bước chân đi làm, còn nguyên lý tưởng cống hiến hết mình cho người bệnh cũng dễ biến thành một người "nghiện” phong bì. Quan sát của nhiều người đã chỉ ra rằng, phong bì không làm chất lượng dịch vụ y tế tốt lên, mà ngược lại, nó làm cho niềm tin của người dân đối với nhân viên y tế giảm sút, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh, không tin tưởng nhau giữa các nhân viên y tế.

Thực tế, có chuyện người bệnh kêu ca về việc cán bộ y tế vòi vĩnh phong bìvà cũng có cả chuyện các y, bác sỹ cùng những nhà quản lý mạnh mẽ lên tiếng rằng người bệnh cũng rất cần hợp tác trong khâu khám chữa bệnh để giảm thiểu tiêu cực.

Việc tưởng như bình thường nhưng lâu thành quen, như khi đến khám bệnh thì bệnh nhân đến sau muốn khám trước, muốn được ưu tiên.Đâycó thể là lí do chính, tạo thành thói quen trong suy nghĩ và là động cơ đưa phong bì của người bệnh, trong khi công việc và áp lực đối với đội ngũ thầy thuốc quá căng thẳng bởi tình trạng quá tải trầm trọng ở các bệnh viện, chế độ đãi ngộ đối với các y, bác sỹ hiện nay chưa thỏa đáng.

Rõ ràng, nguyên nhân khiến nạn phong bì tồn tại và khiến y đức xuống cấp đến từ nhiều phía, không thể đổ lỗi cho y, bác sỹ mà quên đi chính môi trường không tốt đã dung dưỡng cho cái xấu lây lan đến mức khó chữa không chỉ trong ngành Y tế. Các nhà chuyên môn sâu đã chỉ ra rằng, những “rối nhiễu” của cấu trúc hệ thống Y tế nước ta (công – tư lẫn lộn, người bệnh bị coi là đối tượng sinh lợi khổng lồ, việc phân chia và giới hạn các tuyến khiến tình trạng quá tải thêm trầm trọng…) là những nguyên nhân sâu xa và quan trọng, dẫn đến việc y đức xuống cấp và nạn phong bì phát sinh.

Giải quyết vấn đề phong bì và y đức bệnh viện là việc phải làm dần dần, từng bước một và đồng bộ nhiều giải pháp, rất nên tránh làm hình thức như lâu nay. Cùng với trau dồi y đức phải giải quyết từng bước tình trạng quá tải bệnh viện và chăm lo đến đời sống cán bộ y tế ngay từ cấp cơ sở. Bên cạnh đó, Nhà nước phải cấu trúc lại hệ thống Y tế theo 3 khu vực: Y tế tư nhân, y tế công lập và y tế nhân đạo, đồng thời thành lập bộ phận giám sát chất lượng y tế độc lập để nâng cao minh bạch trong khám chữa bệnh. Đi liền với việc cấu trúc lại nền Y tế cần đẩy mạnh lộ trình thực hiện BHYT toàn dân.


T.V