Nhiều câu hỏi đặt ra về việc tăng tuổi nghỉ hưu: Lao động trẻ có bị mất cơ hội việc làm? Quy hoạch cán bộ các cơ quan nhà nước thế nào?...

Nhiều Đại biểu Quốc hội bày tỏ băn khoăn trước đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức lên 60 tuổi đối với nữ, 62 tuổi đối với nam. Lý do được Bộ LĐ-TB&XH đưa ra là để tránh vỡ quỹ BHXH và tình trạng già hóa dân số của Việt Nam.

Tác động thế nào?

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, nếu ai đó nói nâng tuổi nghỉ hưu nhằm tránh sự mất cân bằng của quỹ BHXH là không đúng, nhưng tác động đến quỹ cũng có nguyên nhân từ việc nghỉ hưu ở tuổi thấp. Bởi, nếu chúng ta tăng thêm thời gian đóng thì nguồn tài chính dành cho bảo BHXH tăng lên, bảo toàn tốt hơn.

Tuy nhiên, vị đại biểu Quốc hội này nhấn mạnh, bài toán tuổi nghỉ hưu liên quan rất nhiều đến các yếu tố xã hội. Tăng tuổi nghỉ hưu là xu hướng chung của nhiều nước, nhưng nó sẽ tác động trực tiếp đến thị trường lao động, việc làm, sức khỏe của người dân, chính sách an sinh xã hội và cả công tác cán bộ.

images1724218_lieu_gia_co_can_tre_khi_tang_tuoi_nghi_huu_hinh_1_580d619ac072e.jpgĐại biểu Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội

“Có rất nhiều câu hỏi đòi hỏi cơ quan hoạch định chính sách phải cân nhắc, tính toán hết sức kỹ lưỡng và cẩn trọng trước khi tăng tuổi nghỉ hưu: Nước ta đang có hàng trăm nghìn cử nhân được đào tạo bài bản, có trình độ nhưng ra trường không kiếm được việc làm, nếu tăng tuổi nghỉ hưu thì con số này có tăng lên không? Liệu lao động trẻ có bị mất cơ hội việc làm vì lao động già không chịu về hưu? Quy hoạch cán bộ trong các cơ quan nhà nước thế nào? Cải cách bộ máy hành chính nhà nước theo hướng tinh gọn sẽ bị tác động thế nào? Dư luận đang bức xúc về việc có một tỷ lệ lớn cán bộ công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, nếu tăng tuổi nghỉ hưu thì bộ phận này có trở thành “tham quyền cố vị”, cản trở sự phát triển chung hay không?...” – ông Bùi Sỹ Lợi đặt vấn đề.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, nếu chúng ta nghiên cứu, thiết kế một chính sách tăng tuổi nghỉ hưu cho một số nhóm nào đó ở ngành nghề nào đó để phát huy chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao thì điều đó có lợi cho phát triển kinh tế xã hội, và không nên đặt vấn đề nâng tuổi đó cho tất cả mọi lao động…

“Chúng ta phải tính thời điểm, lộ trình, bước đi phù hợp để vừa giữ được chất lượng nguồn nhân lực, vừa tạo cơ hội cho lớp trẻ được đào tạo có cơ hội xây dựng phát triển đấy nước” – ông Lợi nêu quan điểm.

Phải giữ người tài, loại người kém

Nêu quan điểm về vấn đề trên, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân – Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách bày tỏ, hướng tăng tuổi nghỉ hưu là cần thiết, vì độ tuổi trong thời gian lao động của người Việt so với các nước hiện nay là thấp nên nâng lên cho phù hợp thông lệ quốc tế.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân – Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách

Việc tăng tuổi nghỉ hưu cũng sẽ tận dụng được những người còn sức lao động, đặc biệt là những người lao động trí óc, người làm công tác quản lý, điều hành, lãnh đạo… Tuy nhiên, theo ông Vân, cần quy định linh hoạt về việc tăng tuổi để những người có khả năng có điều kiện và môi trường cống hiến, không nên làm một cách cứng nhắc.

“Với lực lượng còn đủ năng lực, trí tuệ, thể lực thì cớ làm sao lại buộc họ phải nghỉ sớm? Nhiều người mong muốn tiếp tục cống hiến, đương nhiên cống hiến ở đây không phải vì lợi ích cá nhân mà phải có tiêu chí xác định họ ở lại là phù hợp với lợi ích chung” – ông Lê Thanh Vân nêu quan điểm và nhấn mạnh thêm việc nâng tuổi hưu cũng góp phần tháo gỡ khó khăn trong quỹ BHXH hiện nay.

Tuy vậy, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cũng nhấn mạnh, việc nâng tuổi hưu phải xác định rõ tiêu chí cho từng nhóm lao động, không phải vì nâng tuổi mà những người vốn dĩ không có năng lực, không có hiệu quả trong lao động lại nghiễm nhiên ở lại được.

“Đây cũng là cơ hội để chúng ta sàng lọc bộ máy” – đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân nói.

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN