Rất nhiều bạn đọc bày tỏ sự băn khoăn trước đề xuất điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu từ 55 lên 60 đối với nữ và từ 60 lên 62 đối với nam.

resize_images1712224_nghi_huu.jpgCác cụ ông cụ bà thuộc chi hội người cao tuổi thôn Đông Trà, xã Hương Trà (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) chơi bóng chuyền

Bộ LĐ-TB&XH nêu lý do của đề xuất này là để tránh “vỡ quỹ bảo hiểm xã hội” và tình trạng già hóa dân số của Việt Nam. 

Theo Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thì việc nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động là xu thế tất yếu và được nhiều quốc gia thực hiện.

Tuổi nghỉ hưu ở nước ta đã được quy định và duy trì từ lâu, đến nay đã có nhiều yếu tố thay đổi, trong đó có sức khỏe và tuổi thọ của người dân được nâng lên (trên 73 tuổi).

Biên chế cồng kềnh, sức khỏe kém

Ở góc độ dân số, Giáo sư (GS) Nguyễn Đình Cử, nguyên viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội, ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội đánh giá các lập luận cho rằng nên tăng tuổi nghỉ hưu thoạt nghe qua có vẻ rất có lý nhưng nếu suy xét kỹ sẽ thấy có rất nhiều vấn đề cần thận trọng, cân nhắc.

Nhiều năm nay, chúng ta luôn nhìn nhận một thực trạng là biên chế cồng kềnh, không hiệu quả, trong đó có 30% cán bộ công chức “có cũng được, không có cũng không sao”.

Như vậy, tăng tuổi hưu, đồng nghĩa với việc tiếp tục nuôi dưỡng bộ phận cán bộ công chức này. Kéo dài tuổi làm việc của những đối tượng này để làm gì, nếu không muốn nói là chỉ lãng phí.

Về hưu đúng tuổi cũng là một cách giảm biên chế, giảm sự cồng kềnh của bộ máy và cắt giảm bớt những cán bộ “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”.

Trước ý kiến cho rằng sau tuổi 55 (đối với nữ) và 60 (đối với nam), nhiều người vẫn còn khả năng cống hiến, GS Nguyễn Đình Cử cho rằng không cần phải lo lắng quá nhiều về vấn đề lãng phí nguồn nhân lực có trình độ này bởi nền kinh tế thị trường mở cửa, nhiều đơn vị tư nhân sẵn sàng thu hút người tài (đã nghỉ hưu) về làm những công việc đòi hỏi trình độ nghiên cứu cao, chuyên môn sâu.

“Những người tài, có khả năng thì không bao giờ hết việc, dù có nghỉ hưu hay không”, GS Nguyễn Đình Cử nói.

Một vấn đề khác, GS Nguyễn Đình Cử cho rằng phải lưu ý đến vấn đề sức khỏe của những người bước vào tuổi hưu trí.

“Những người cao tuổi ở VN hiện nay là lớp người từng trải qua chiến tranh và thời kỳ kinh tế khó khăn. Những hiện thực ấy ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe. Năm 2011, một điều tra quốc gia về người cao tuổi cho thấy 2/3 trong số những người trên 60 tuổi được hỏi cho biết sức khỏe của họ ở mức yếu và rất yếu”, ông Cử viện dẫn thông tin.

Bên cạnh đó, theo GS Nguyễn Đình Cử, trong gia đình và xã hội VN, vai trò của ông bà trong gia đình cũng rất được chú trọng. Khi con cái đang ở độ tuổi lao động sung sức nhất thì chính ông bà -  những người đã lui về với gia đình sau nghỉ hưu - là cánh tay nối dài tiếp sức cho gia đình trong việc chăm sóc nhà cửa, con cháu…

“Từ góc độ dân số, tôi không ủng hộ kéo dài tuổi về hưu”, GS Nguyễn Đình Cử nói.

Tăng thất nghiệp?

Việc Ngân hàng trung ương Đức Bundesbank kêu gọi mọi người hãy làm việc đến 69 tuổi đã gây ra một cuộc tranh cãi gay gắt ở nền kinh tế hàng đầu châu Âu.

PGS.TS Nguyễn Hoài Nam (ĐH Y dược TP.HCM) cho rằng nên xét tình hình thực tế, không thể so sánh với các nước tiên tiến bởi ở các quốc gia này, tỉ lệ thất nghiệp thấp, việc làm nhiều nên việc tăng tuổi hưu là hợp lý.

“Về phương diện sức khỏe, trí tuệ, sự minh mẫn của con người, tôi ủng hộ. Nhưng phải cân nhắc thật kỹ những vấn đề khác, chẳng hạn, việc tăng tuổi nghỉ hưu có hợp lý hay không trong giai đoạn hiện tại, khi tỉ lệ thất nghiệp của người trẻ ở VN vẫn còn cao như vậy? Giả dụ quỹ công việc chỉ có 10 mà người già không về hưu thì làm sao người trẻ có chỗ? Đó là chưa kể thất nghiệp sẽ kéo nhiều bất lợi xã hội khác. VN chúng ta chỉ mới bắt đầu phát triển thì nên cân  nhắc, coi chừng lợi bất cập hại”, PGS.TS Nguyễn Hoài Nam đặt vấn đề.

Có cùng quan điểm, GS Nguyễn Đình Cử dẫn lại các số liệu tỉ lệ thất nghiệp cho thấy ở VN, ba tháng đầu năm 2013 có tới 23 vạn người có trình độ cao đẳng, đại học trở lên chưa tìm được việc làm.

“Nhiều người nói người lớn tuổi là người có kinh nghiệm, đảm nhận các vị trí cao tại các cơ quan, đơn vị nên họ không cạnh tranh gì với lớp trẻ. Theo tôi không phải như vậy. Lực lượng lao động giống như một chiếc tàu, nếu đầu tàu nhích thì các toa sau mới đi tiếp được. Thoáng nhìn già trẻ không có cạnh tranh nhưng thực sự là có, người già đi thì người trẻ mới có cơ hội phát triển nhiều hơn. Giải quyết vấn đề cho người nghỉ hưu nhưng cũng phải tạo cơ hội cho người trẻ vào làm việc”, GS Nguyễn Đình Cử phân tích.

Làm việc 30-40 năm, mệt mỏi rồi

“Tôi chỉ còn hai năm nữa là nghỉ hưu. Về cơ bản, tôi muốn giữ nguyên quy định như luật hiện hành. Mặc dù ở độ tuổi này sức khỏe của tôi vẫn đảm bảo, có kinh nghiệm, tuy nhiên tôi thấy nhiều người công tác lâu năm ở cùng độ tuổi có dấu hiệu lão hóa, mệt mỏi và muốn được nghỉ ngơi - ông Phạm Văn Chính, phó giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Tiền Giang, nói - Chúng tôi đã làm việc 30-40 năm, giờ đến tuổi nghỉ hưu cũng muốn nhường cơ hội cho lớp trẻ có năng lực, có trình độ”.

Ý kiến của luật sư Trương Đình Công Vĩnh (Đoàn luật sư TP.HCM) cũng trùng với ý của ông Chính: “Cá nhân tôi không ủng hộ chính sách tăng tuổi nghỉ hưu. Hiện nay, tuổi thọ người Việt Nam không cao bởi môi trường bị ảnh hưởng, chất lượng cuộc sống rất thấp. Lấy lý do sợ vỡ quỹ BHXH để tăng tuổi nghỉ hưu là không thuyết phục. Đó thuộc trách nhiệm hoạch định chính sách của Nhà nước, sao lại bắt người lao động phải gánh chịu?”.

Ông Vĩnh bày tỏ: "Nên giữ tuổi nghỉ hưu như quy định cũ, trừ trường hợp ngoại lệ như lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước hoặc các thẩm phán TAND tối 
cao như hiện nay."

 Theo Tuổi trẻ

TIN LIÊN QUAN