Sau 3 năm thi hành Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 4-3-2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản, TP.HCM đã bán đấu giá thành công và tăng thu cho ngân sách gần 5.000 tỉ đồng.
Tang vật ngà voi buôn lậu do Hải quan TP.HCM tịch thu. Ảnh: T.H
Trên 3.000 cuộc bán đấu giá thành
Nhận định của TP.HCM, sau 3 năm triển khai hoạt động bán đấu giá tài sản trên địa bàn TP.HCM đã đạt được những kết quả nhất định, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động mua bán hàng hóa thêm đa dạng, phong phú; việc bán đấu giá tài sản nói chung và bán đấu giá quyền sử dụng đất nói riêng đã tăng đáng kể nguồn thu ngân sách Nhà nước, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Việc xã hội hóa hoạt động bán đấu giá tài sản được đẩy mạnh.
Tính đến 30-6-2013, trên địa bàn TP.HCM có 70 đấu giá viên đang hành nghề tại 29 tổ chức bán đấu giá tài sản chuyên nghiệp. Các đấu giá viên đều có trình độ chuyên môn từ cử nhân trở lên thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau, trong đó số lượng đấu giá viên có chuyên môn về luật chiếm 51,43%.
Về tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp, Hội đồng bán đấu giá tài sản cấp huyện, TP.HCM có 29 tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp và 24 Hội đồng bán đấu giá tài sản cấp huyện.
Các tổ chức trên đã tổ chức 3.111 cuộc bán đấu giá thành với tổng giá trị tài sản khởi điểm trên 4.751 tỉ đồng và tổng giá trị tài sản bán được trên 4.981 tỉ đồng, tỷ lệ tăng thêm giữa giá bán so với giá khởi điểm là 4,85%.
Qua số liệu tổ chức và hoạt động cho thấy các doanh nghiệp chuyên doanh bán đấu giá tài sản hoạt động hiệu quả hơn, có sự quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cũng như nhân sự hơn. Hoạt động bán đấu giá tài sản của các doanh nghiệp hoạt động đa ngành nghề có kinh doanh dịch vụ bán đấu giá tài sản chỉ là một lĩnh vực bổ sung cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, chính vì thế hoạt động bán đấu giá tài sản của loại hình doanh nghiệp này còn mang tính nhỏ lẻ, thiếu chuyên nghiệp.
Những hạn chế
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo UBND TP.HCM, qua 3 năm thực hiện, một số quy định của Nghị định số 17/2010/NĐ-CP đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn bán đấu giá tài sản, như: hoạt động bán đấu giá tài sản của các doanh nghiệp bán đấu giá tài sản còn mang tính nhỏ lẻ, chưa chuyên nghiệp do các doanh nghiệp bán đấu giá tài sản chưa quan tâm đầu tư đúng mức về cơ sở vật chất cũng như nhân sự cho hoạt động này nên chưa tạo được thương hiệu có uy tín cao trong hoạt động bán đấu giá tài sản.
Bên cạnh đó, chưa có quy định về tổ chức xã hội – nghề nghiệp của đấu giá viên nên chưa thực hiện được nguyên tắc quản lý hữu hiệu là kết hợp quản lý nhà nước với chế độ tự quản của tổ chức xã hội – nghề nghiệp. Một số quy định chưa tạo được sự thuận lợi trong công tác quản lý nhà nước như: cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá, đăng ký danh sách đấu giá viên, cấp thẻ đấu giá viên...
Một số quy định còn thiếu, như: chế độ lưu trữ hồ sơ bán đấu giá tài sản; quy định về mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho hoạt động bán đấu giá tài sản hoặc trích lập quỹ dự phòng rủi ro nghề nghiệp đối với doanh nghiệp bán đấu giá tài sản; quy định về việc góp vốn của thành viên là tổ chức của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần bán đấu giá tài sản; hình thức cung cấp dịch vụ bán đấu giá tài sản của tổ chức bán đấu giá tài sản nước ngoài tại Việt Nam.
Ngoài ra, Nghị định số 17/2010/NĐ-CP chưa có cơ chế hữu hiệu để đảm bảo quyền lợi của người mua tài sản bán đấu giá, đặc biệt là tài sản thi hành án, tài sản bảo đảm. Trên thực tế, việc giao tài sản đã bán đấu giá là tài sản thi hành án cho người mua được tài sản bán đấu giá thường bị chậm trễ, kéo dài làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người mua được tài sản, cũng như uy tín của các tổ chức bán đấu giá tài sản chuyên nghiệp.
Hiện nay, TP.HCM đang xây dựng Hệ thống thông tin quản lý doanh nghiệp (Hệ thống thông tin hậu kiểm), đồng thời xây dựng quy chế quản lý, cung cấp, chia sẻ thông tin trong Hệ thống này để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập, trong đó có doanh nghiệp bán đấu giá tài sản./.
Theo.haiquanonline