Đây là dự án có tính phức tạp và dài nhất Đông Nam Á với vốn đầu tư gần 2.336 tỷ đồng, lần đần tiên được triển khai tại Việt Nam.
 
images875412_c1.jpg
 
Dự án Cáp ngầm 110kV xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc đã được Tổng công ty Điện lực miền Nam tổ chức khởi công sáng17/11 tại khu vực xã Hàm Ninh, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
 
Hiện đã có 96% hộ dân trong cả nước được sử dụng điện lưới quốc gia. Tuy nhiên, vẫn còn một số nơi ở huyện đảo, vùng sâu vùng xa chưa có điện, hoặc điện áp không ổn định như Phú Quốc, Lý Sơn, Côn Đảo… 
 
Mới đây Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án đưa điện đến những vùng nông thôn, vùng chưa có điện với tổng kinh phí 25.000 tỷ đồng, thực hiện từ nay đến năm 2020. 

Đây là hạng mục công trình cuối cùng trong dự án đầu tư đưa điện lưới quốc gia từ đất liền ra đảo Phú Quốc bằng cáp ngầm biển 110kV.

 
Ông Vũ Huy Hoàng-  Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết, đây là dự án có tính phức tạp và dài nhất Đông Nam Á với vốn đầu tư gần 2.336 tỷ đồng, lần đần tiên được triển khai tại Việt Nam. 
 
"Dự án Cáp ngầm 110kV xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc không chỉ góp phần thúc đẩy kinh tế, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, mà còn góp phần giữ vững chủ quyền quốc gia và đảm bảo an ninh quốc phòng"- ông Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh.
 
Theo cam kết của nhà thầu Prysmian Powerlink SRL, công tác lắp đặt phần cáp ngầm dưới đáy biển và đấu nối sẽ hoàn thành vào ngày 13/01/2014. Dự kiến, có thể đóng điện vào dịp Tết Nguyên đán 2014 đảm bảo cung cấp điện ổn định cho Phú Quốc trong bối cảnh nhu cầu tăng cao mà nguồn phát diesel không đáp ứng được.
 
Từ đó, người dân Phú Quốc cũng sẽ chỉ phải trả giá điện bằng với giá điện ở đất liền, khoảng 1.508,85 đ/kWh, bằng 1/3 so với mức giá đang phải mua từ nhà máy diesel Phú Quốc bình quân ở mức 5.060 đ/kWh. Ngành điện lực cũng sẽ tiết kiệm được khoản bù lỗ do phát điện bằng dầu. 
 
Ông Nguyễn Thành Duy- Tổng giám đốc Công ty Điện lực Miền Nam cho biết, năm 2012, ngành điện đã phải bù lỗ 157 tỉ đồng, năm 2013 dự kiến bù lỗ khoảng 200 tỷ đồng do phát điện bằng dầu ở Phú Quốc.
 
Dù giá điện bình quân cao như vậy nhưng hiện cũng chỉ có 88% số hộ dân tại Phú Quốc được sử dụng điện từ nguồn diesel tại chỗ do ngành điện quản lý còn lại bà con phải tự mua máy phát điện.
 
Trong khi đó, theo quy hoạch, 10 năm tới, đảo du lịch Phú Quốc sẽ đón từ 2-3 triệu lượt khách mỗi năm. Nhu cầu tiêu thụ điện trên đảo Phú Quốc do vậy sẽ tăng nhanh; từ nay đến năm 2015 là 1.386 kWh/người/năm, năm 2020 là 2.614 kWh/người/năm, đến năm 2030 khoảng hơn 4.200 kWh/người/năm.
 
Chính vì vậy, Dự án Cáp ngầm 110kV xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc không chỉ đảm bảo cung cấp đủ điện, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và góp phần đưa Phú Quốc nhanh chóng trở thành Hòn Ngọc của Việt Nam, theo ông Lê Văn Thi- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang: “Khi dự án hoàn thành dòng điện từ lưới điện quốc gia sẽ được lan tỏa ra Phú Quốc, là một cú hích quan trọng và không thể thiếu để Phú Quốc cất cánh cũng như làm cho Phú Quốc sẽ càng gần hơn với đất liền, và chắc chắn Đảo Ngọc sẽ thực sự là điểm dừng chân lý tưởng của du khách. Dự án còn góp phần bảo vệ và cải thiện môi trường cho huyện đảo, nâng cao sức cạnh tranh đưa Phú Quốc trở thành đặc khu kinh tế quan trọng, khu du lịch chất lượng cao của đất nước… Đây không chỉ là niềm vui của người dân mà còn là tin tốt cho các nhà đầu tư vào Phú Quốc”.
 
Theo ông Huỳnh Quang Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phú Quốc, khoảng hai đến ba năm trở lại đây, nhiều nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án, công trình lớn trên huyện đảo, nhất là lĩnh vực du lịch luôn cần nguồn điện ổn định, nhưng do thường xuyên thiếu điện đã gây trở ngại rất lớn, làm chậm tiến độ thi công công trình. Vì vậy, khi có nguồn điện quốc gia ổn định, huyện sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư hơn; các khách sạn khu nghỉ dưỡng có thêm điều kiện sản xuất kinh doanh và nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch.
 
“Nếu nguồn điện lưới từ nguồn điện quốc gia tăng, tăng trưởng của Phú Quốc sẽ tăng lên đáng kể. Một số nhà đầu tư đã có chủ trương chờ có điện để đẩy mạnh đầu tư mở rộng phòng ốc, thu hút khách du lịch đến với Phú Quốc”- ông Hưng cho biết.
 
Hiện nay, theo một số chủ khách sạn và resort tại Phú Quốc, chi phí giá điện vào khoảng 9.000 đồng/kWh từ mua điện và máy phát điện riêng, chiếm 40 đến 42% giá phòng. Ông Phạm Xuân Hải- Phó Giám đốc Công ty cổ phần  Sài Gòn- Phú Quốc, ước tính với quy mô khách sạn 98 phòng, hàng tháng, công ty phải chi phí từ 900 triệu – 1 tỷ đồng tiền điện. Điều này đã làm hạn chế rất lớn đến việc phát triển, mở rộng các cơ sở du lịch, dịch vụ và đời sống người dân.
 
Hiện nay, huyện đảo Phú Quốc vẫn còn 4 xã là Gành Dầu, Bãi Thơm, Hòn Thơm, Thổ Châu chưa có điện lưới. Ở đây, nhiều nhà dân đã tự chung nhau mua máy phát điện chạy bằng xăng và chỉ dám thắp đèn đến 21h nhưng cũng đã phải trả chi phí trung bình từ 600.000 – 800.000 đồng/tháng/hộ dân.
 
Bởi vậy, khi biết có dự án điện lưới quốc gia sắp về Phú Quốc, người dân rất vui mừng, phấn khởi. Bởi không bao lâu nữa họ sẽ được giải tỏa cơn “khát điện” từ nhiều năm nay.
 
Đến năm 2014 khi dự án cáp ngầm 110 kV Hà Tiên- Phú Quốc hoàn thành và đóng điện, 95% hộ dân trên đảo Phú Quốc sẽ được sử dụng điện lưới quốc gia bằng với giá tại đất liền. 
 
Chị Nguyễn Thị Hồng ở xã Bãi Thơm cho biết sẽ mua các loại đồ dùng điện tử như máy giặt, ti vi, tủ lạnh để dùng khi có lưới điện quốc gia. Đây là những đồ dùng gia đình chị chưa hề nghĩ tới khi đang phải dùng điện với giá từ 20.000 – 25.000 đồng/kWh.
 
Trước đó, huyện đảo Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh) đã có  điện lưới, sắp tới là huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), Kiên Hải (tỉnh Kiên Giang) và đầu năm 2014 Tổng công ty Điện lực miền Nam sẽ tiếp nhận quản lý điện ở Côn Đảo. 
 
Như vậy đến năm 2014, Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ quản lý lưới điện ở 10/12 huyện đảo của cả nước. Trong đó riêng Tổng công ty Điện lực miền Nam hoàn thành việc đưa điện đến 100% số huyện đảo trong khu vực quản lý, tạo điều kiện quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống người dân, thể hiện vai trò trách nhiệm và góp phần đắc lực trong việc giữ vững chủ quyền vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
 
Phần Cáp ngầm 110kV xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc có chiều dài 58km, sử dụng cáp ngầm 3 lõi tiết diện 630mm2 (tương ứng 1.932 tỷ đồng), do nhà thầu EPC là Prysmian Powerlink SRL (Italia) triển khai thực hiện từ 17/11/2013 và dự kiến hoàn thành vào ngày 13/01/2014.
 
Phần lưới điện 110kV trên bờ Phú Quốc bao gồm đường dây Phú Quốc (02 mạch 7,6km) và Trạm biến áp Phú Quốc (110/22kV - 40MVA), do các nhà thầu trong nước triển khai thực hiện từ ngày 10/9/2012 và đã hoàn thành trong tháng 10/2013.
 
Ngoài ra, Tổng công ty Điện lực miền Nam còn đầu tư 03 công trình lưới điện đồng bộ với dự án bao gồm: Đường dây 2 mạch 110kV Kiên Lương - Hà Tiên để cấp điện cho thị xã Hà Tiên và huyện đảo Phú Quốc (chiều dài 18,2km với tổng mức đầu tư 76,69 tỷ đồng) và Trạm biến áp 110/22kV Hà Tiên (dung lượng 40MVA với tổng mức đầu tư 51,2 tỷ đồng), đã đóng điện vận hành từ tháng 2/2013.
 
Công trình các lộ ra 22kV trạm biến áp 110kV Phú Quốc có khối lượng 15,1km, với tổng mức đầu tư 13,48 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong năm 2013.
 
Cùng với những dự án nêu trên, các công trình đầu tư và sửa chữa lưới điện phân phối trên đảo Phú Quốc với tổng mức đầu tư 24,75 tỷ đồng cho khối lượng: 61,7km đường dây 22kV, 245 trạm biến áp với tổng dung lượng 12.772,5kVA và với tổng giá trị hợp đồng 67,4 triệu EUR 9,61km đường dây hạ áp. Trong đó có các tuyến đường dây trung hạ áp ở 2 xã Gành Dầu và Bãi Thơm để cấp điện cho 728 hộ dân cũng đang được Công ty Điện lực Kiên Giang khẩn trương triển khai và hoàn thành trong năm 2013 để đảm bảo đón nhận dòng điện từ lưới điện quốc gia ngay sau khi tuyến cáp ngầm hoàn thành và đóng điện vận hành, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện tăng cao trên đảo. 

Theo VOV