Bộ LĐ-TB&XH đang dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động thay thế cho Nghị định 141/2017/NĐ-CP. Theo tính toán, mức lương tối thiểu năm 2019 tăng từ 160.000 đồng - 200.000 đồng so với năm 2018, tương ứng với mức tăng theo tỷ lệ phần trăm từ 5 - 5,8% tùy theo từng vùng, mức bình quân tăng 5,3%.
Khi Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng, doanh nghiệp có trách nhiệm rà soát, sửa đổi, bổ sung thang lương, bảng lương. Tiền lương tháng ghi trong hợp đồng lao động là mức căn cứ để doanh nghiệp đóng các loại bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Việc tăng lương tối thiểu khiến không ít doanh nghiệp lo tăng gánh nặng khi vừa phải đảm bảo tăng lương vừa lo tăng mức đóng bảo hiểm xã hội.
Nêu ý kiến về vấn đề này, ông Lê Đình Quảng cho rằng, mức lương tối thiểu vùng chỉ là mức sàn lương thấp nhất mà các đơn vị, doanh nghiệp trả cho người lao động phổ thông, làm công việc giản đơn trong điều kiện bình thường. Qua khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thu nhập của người lao động tại nhiều doanh nghiệp đã cao hơn mức lương tối thiểu vùng.
Thực tế, có những doanh nghiệp vẫn dựa trên lương tối thiểu vùng để đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014, mức đóng bảo hiểm xã hội căn cứ vào mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác ghi trên hợp đồng của người lao động. Vì vậy, nếu áp dụng mức lương tối thiểu vùng năm 2019, mức đóng BHXH sẽ tăng nhưng không lớn.