Bộ LĐ-TB&XH cho biết, theo kế hoạch, trong tháng 9 tới, dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi sẽ được đăng trên website để lấy ý kiến rộng rãi các doanh nghiệp và người lao động về những nội dung dự kiến sẽ sửa đổi lần này.

Trong dự luật sửa đổi có nội dung quan trọng liên quan đến chính sách tiền lương, nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích người sử dụng lao động và người lao động trong điều kiện Việt Nam ngày càng hội nhập và tham gia sâu rộng vào các Hiệp định thương mại toàn cầu.

4956969_3082018.jpgSắp tới, Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp.
Theo Nghị quyết 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương, bên cạnh cải cách tiền lương ở khu vực công, những chính sách liên quan đến tiền lương trong doanh nghiệp cũng được đề xuất.

Cho nên, theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp, trong lần cải cách này, về cơ bản tiền lương ở khu vực doanh nghiệp vẫn phải tuân thủ quy định của Bộ luật Lao động.

Tuy nhiên thang lương, bảng lương trong doanh nghiệp, khoảng cách các bậc như thế nào, rồi thời gian tăng lương là bao nhiêu hoàn toàn do doanh nghiệp tự quyết định trên cơ sở thương lượng với tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp đó, miễn là tiền lương mà doanh nghiệp trả cho người lao động không thấp hơn mức lương tối thiểu do Thủ tướng Chính phủ công bố.

Nêu quan điểm về việc để doanh nghiệp tự chủ trong chính sách tiền lương, ông Lê Đình Quảng - Phó ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng vẫn còn nhiều băn khoăn. Dẫn kết quả khảo sát của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, trong thời gian qua, có đến 90% cuộc đình công liên quan đến tiền lương và điều kiện làm việc, trong đó các cuộc đình công liên quan trực tiếp đến lương, tiền thưởng là khoảng 60%.

Vì vậy, khi năng lực thương lượng của người lao động và tổ chức công đoàn còn nhiều hạn chế, vẫn cần sự quản lý và can thiệp của Nhà nước vào cơ chế tiền lương trong doanh nghiệp. Đồng thời, cần có lộ trình để vừa nâng cao nhận thức cho người lao động, tăng cường quản lý Nhà nước trong doanh nghiệp, tạo hành lang pháp lý để đảm bảo chủ sử dụng lao động thực hiện tuân thủ pháp luật

Trước câu hỏi làm thế nào để doanh nghiệp không thể lợi dụng các quy định của luật để "ép" lương người lao động, đại diện Cục Quan hệ tiền lương (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng pháp luật bao giờ cũng cân bằng lợi ích cho 2 bên, quan điểm xây dựng luật là giảm bớt thủ tục cho doanh nghiệp phát triển nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Song song với chủ trương, giảm dần sự can thiệp của Nhà nước, tiến tới các doanh nghiệptự quyết định chính sách tiền lương trên cơ sở thương lượng, thỏa thuận với người lao động, Nghị 27-NQ/TW còn đặt ra mục tiêu đến năm 2020, lương tối thiểu phải đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu. Vừa qua, Hội đồng tiền lương quốc gia đã họp chốt mức tăng lương tối thiểu vùng 5,3%, còn thiếu bao nhiêu thì đến năm 2020 sẽ phải bù cho đủ.