Theo quy luật, sau giá xăng dầu, nhiều mặt hàng khác sẽ tăng giá theo. Đáng ngại hơn, khi căng thẳng dầu mỏ chưa yên thì xăng dầu sẽ còn nguy cơ tăng giá; cùng với đó lộ trình giá thị trường đang được ngành than và điện thực hiện quyết liệt... tất cả đang khiến cho làn sóng tăng giá mới càng được khẳng định.

Lạm phát chưa yên đã tăng giá ồ ạt


Mới chỉ một tháng rưỡi sau tết mà giá cả các mặt hàng liên tiếp tăng như một chuỗi nối nhau khiến cho người dân thêm lo ngại khi mà lạm phát chưa thực sự giảm thì áp lực tăng giá mới đac cận kề.

Mặt hàng đầu tiên gây tăng giá trong năm 2012 phải kể đến gas. Giá gas không độc diễn tăng trên thị trường nhưng nó như là nhân vật tiên phong khiến mọi người không được một phút an lòng với gá cả và lạm phát.

Cụ thể, từ ngày 1/3, hầu hết các hãng đã tăng giá gas ở mức cao nhất từ trước tới nay lên thêm 52.000 đồng/bình 12 kg. Giá tới tay người tiêu dùng tăng vọt lên 477 nghìn đồng/bình 12 kg và ở nhiều cửa hàng bán lẻ có mức trên 500 nghìn đồng.

Trước áp lực dư luận, giá gas sau đó 2 ngày đã được giảm 16.000 đồng/bình sau khi Bộ Tài chính điều chỉnh thuế nhập khẩu về 0%. Mặc dù vậy, tính chung trong hai tháng đầu năm 2012, giá gas đã có 6 lần được điều chỉnh tăng. Với 4 lần tăng giá và hai lần giảm giá, với mức khá thấp.

Cụ thể, trước đo vào 1/1/2012, giá gas đã tăng thêm 24.000 đồng/bình. Tiếp đến hôm 5/1, giá bán lẻ của nhiên liệu này lại được điều chỉnh tăng lên 8.000 đồng/bình do thuế nhập khẩu tăng từ 2% lên 5%. Đầu tháng 2 giá gas cũng được tăng thêm 42 nghìn đồng/bình. Tính từ đầu năm, gas đã tăng giá khoảng 120 ngàn đồng. Tương đương khoảng 20%, trong khi đó mức điều chỉnh giảm là không đáng kể.

Và hôm nay, xăng dầu đã đi tiếp một bước trên lộ trình khẳng định để đẩy sóng giá lên cao hơn. Không nằm ngoài lo ngại của nhiều người, giá xăng dầu đã được điều chỉnh tăng thêm 2.100 đồng lít (xăng) và 1.000 đồng/lít (dầu diesel) từ 16h chiều 7/3.

Đây là lần đầu tiên xăng dầu tăng giá trong năm 2012 nhưng là một mức tăng khá mạnh, tới 10%. Giá xăng dầu tăng đã được dự đoán từ trước, nhưng mức tăng cao tới 10% và thời điểm tăng hiện nay khiến khá nhiều người khá bất ngờ.

Thông tin tăng giá xăng trong ngày 7/3 dường như đã nhấn chìm mọi hy vọng lach quan từ lời hứa giảm lãi suất từ Ngân hàng nhà nước, thay vào đó, lại là một mối lo ngại về phản ứng dây chuyền từ việc tăng giá xăng dầu và các nguyên liệu khác

Từ tăng giá xăng hôm nay, không thể quên động thái tăng giá diện cuối 2011 nhưng những tác động của nó sẽ rơi vào 2012. Từ ngày 20/12/2011, giá bán lẻ điện bình quân sẽ lên mức 1.304 đồng mỗi kWh, tăng 62 đồng so với giá bán hiện hành. Mức giá tăng xấp xỉ 5% này sẽ tác động nhiều vòng lên lạm phát và con số ước tính khoảng 3,69% lạm phát tăng thêm.

Tuy nhiên, mọi việc không dừng lại ở đó, với lộ trình giá thị trường đã được khẳng định đẩy mạnh, cộng với áp lực thua lỗ và thiếu điện... khả năng tăng giá điện có thể còn tiếp tục trong năm 2012. Điều đó càng trở nên đáng ngại hơn khi 2011, Chính phủ đã đồng ý hai lần tăng giá điện.

Thực tế, Bộ Công thương cũng đã từng cho biết, giá điện sẽ phải điều chỉnh. Vấn đề chỉ còn là cân nhắc thời điểm phù hợp.

Trong khi đó, đề xuất mới đây của ngành than về tăng giá cũng đã nhận được sự đồng tình của các cơ quan chức năng trên quan điểm đi theo giá thị trường và chấm dứt bù chéo.

Vì thế, trong đề xuất mới nhất của mình, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam cho rằng, từ 1/3/2011, giá điện đã tăng 15,28%, trong khi giá than cho điện mới tăng 5%. Như vậy, mức giá hiện nay mới bằng 51 - 55% giá than thương phẩm tùy theo từng chủng loại. Do vậy, năm 2010 số tiền ngành than bù cho giá điện là 3.000 tỷ đồng và năm 2011 là 5.000 tỷ đồng. Vì vậy, Tập đoàn đã có văn bản đề nghị điều chỉnh giá than theo lộ trình đảm bảo giá năm 2012 bằng giá thành, dần tiến tới giá thị trường.  Mức điều chỉnh dự kiến có thể lên đến 10%.

Trong bố cảnh các nguyên liệu đầu vào tăng và dự báo sẽ còn tăng thì việc lên giá của các mặt hàng: Sữa 3 - 10%, Mỹ phẩm 5 - 10%, áp lực tăng giá từ cúm gia cầm, biến đổi thời tiết... đã làm cho người dân như cảm nhận gần hơn một làn sóng tăng giá đang ập đến khi lạm phát vẫn chưa qua. Tình hình có vẻ bi đát hơn cho người dân khi các dịch vụ y tế cũng đã bắt đầu sẽ tăng từ tháng tới.

Thách thức 1 con số

Lạm phát tháng 2/2012 so với cùng kỳ mới chỉ kéo được xuống con số 16,4% và vẫn còn khá rủi ro. Tuy nhiên, với xu hướng tăng giá hiện nay càng khiến cho nền kinh tế vốn chưa thoát khỏi những khó khăn kéo dài lại phải gánh thêm những áp lực mới

Không thể phủ nhận, loạt tăng giá vừa quan của  giá xăng, dầu, khí và điện sẽ tác động mạnh đến chỉ số lạm phát, vốn mới được kéo từ đỉnh cao 18,5% (năm ngoái) xuống 16,4% (so với cùng kỳ) vào cuối tháng 2/2012.

Chưa nói đến việc điện có thể tăng giá bất cứ lúc nào trong thời gian tới khi mà Bộ Công thương đã bật đèn xanh, việc xăng dầu tăng giá với mức cao 10% vào lúc này sẽ thực sự một áp lực lớn đối với kiềm chế lạm phát.

Hiện tại chưa có tính toán nào cho thấy xăng dầu tăng giá lần này sẽ tác động bao nhiều phần trăm lên chỉ số CPI. Mặc dù vậy, con số này chắc chắn là không nhỏ bởi tác động cộng hưởng của nó.

773821_small_72200.jpgMỗi lần tăng giá xăng, thị trường rung động, người dân run sợ. (Ảnh Hoàng Lộc)
Trong lần tăng giá cách đây gần tròn 1 năm (ngày 29/3/2011), Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) tính toán, với mức tăng 2.000 đồng đối với xăng (từ 19.300 lên 21.300 đồng/lít) và 2.800 đồng đối với dầu diesel (lên 21.100 đồng) khi đó sẽ tác động trực tiếp và làm tăng CPI lên thêm khoảng 0,4%.  Đây là mức tác động được "tính ra" sau vòng quay đầu tiên đồng tiền (tức là chưa tính tới các các tác động tăng giá kèm theo).

Đáng ngại hơn, xăng dầu luôn là khởi điểm cho mọi chiêu trò, tác động tâm lý để tăng giá bên cạnh vai trò của một nhiên liệu đầu vào quan trọng, chi phối toàn bộ nền kinh tế của nó.

Trong khi đó, theo ông Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học thị trường giá cả, Bộ Tài chính, cho biết, CPI tháng 2 tăng 1,37% vẫn là mức cao. Bởi lẽ năm nay mục tiêu kiềm chế lạm phát là dưới một con số.

Đây là một khuyến cáo rất đáng chú ý bởi ngay trong tháng 3 này (2012) vẫn có nhiều yếu tố gây sức ép tăng giá. Cụ thể, dịch cúm gia cầm bùng phát sẽ tác động đến nguồn cung và gây sức ép tăng giá đối với nhóm thực phẩm khác. Áp lực tăng giá xăng dầu, dự kiến tăng giá bán than tăng... gây áp lực đầu vào cho những ngành phân bón, giấy, xi măng...

Trong khi đó, giá điện được cảnh báo sẽ còn tăng tiếp và tăng ngay trong năm nay. Vấn đề chỉ còn là thời gian. Được biết với mức tăng 5% thì đã tác động đến 0,36% CPI và nếu tăng tiếp thì CPI sẽ về đâu.

Trong hai tháng vừa qua, lạm phát đã là 2,36% như vậy, cả nước phải kiềm chế lạm phát ở mức 6,64% trong 10 tháng còn lại của năm. Đây là một điều quá khó khi mà xăng dầu, than, gas... tăng mạnh như vậy và điện lại có thể tăng tiếp.

Trong khi đó, một nhân tố mới được hé lộ cho biết, thời gian vừa qua NHNN đã bơm ra thị trường một lượng tiền rất lớn thông qua việc mua một lượng lớn ngoại tệ. Dự trữ ngoại hối trong 2 tháng đầu năm đã tăng tới 20% (so với cuối 2011). Giả sử số dư dự trữ ngoại tệ kỳ trước là 15 tỷ USD thì số tiền mà NHNN đã bơm ra trong 2 tháng qua là 3 tỷ USD quy ra tiền Việt.

Trong khi đó, lãi suất ngân hàng cũng được chỉ đạo phải giảm. Dù chưa thể nói là nới lỏng nhưng khi một lượng tiền mới được bơm ra thì luôn là nhân tố gây khó khăn cho kiềm chế lạm phát. Với dư địa còn hơn 6% cho 10 tháng còn lại nhưng thực sự là một thách thức cho mục tiêu một con số.Thực tế, các chuyên gia tài chính cũng bày tỏ lo ngại, năm 2012 Chính phủ đặt ra hai mục tiêu quan trọng, một mặt theo cơ chế thị trường, mặt khác chỉ tiêu lạm phát dưới hai con số. Hai mục tiêu này gần như trái ngược nhau, không gian chính sách và dư địa để cho doanh nghiệp phấn đấu là rất khó khăn. Với thực tế, tăng giá điện, xăng: giữ lạm phát dưới 10% là một thách thức quá lớn.

Theo VEF.VN