(Baonghean) - Giai đoạn trâu, bò hay bị bệnh tụ huyết trùng nhất là 6 tháng đến 2, 3 năm. Bệnh có thể lây từ trâu, bò sang heo, ngựa và thường xảy ra vào đầu mùa mưa, vùng sau lũ lụt (thường từ tháng 4 đến tháng 10), khi trâu, bò bị lạnh, ẩm ướt, nhốt trong chuồng trại không thích hợp, đói hoặc kiệt sức, với các thể: quá cấp tính, cấp tính và mãn tính.
Đường lây bệnh: Bệnh lây chủ yếu là do thức ăn bị nhiễm mầm bệnh hoặc qua đường hô hấp, da bị sây sát (nhất là nơi mổ thịt gia súc bị bệnh, bán thịt, da, móng...). Ngoài ra, ve cũng có thể truyền bệnh.
Điều trị bệnh: Do bệnh diễn biến nhanh nên chỉ điều trị có hiệu quả cao khi sử dụng khánh sinh sớm, đủ liều, đủ liệu trình và kết hợp với thuốc hạ sốt, trợ sức. Đồng thời phải tăng cường quản lý, chăm sóc và bồi dưỡng tốt cho gia súc bị bệnh.
Phòng bệnh: Thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh như: chăm sóc, cho ăn uống đầy đủ, thường xuyên tiêu độc chuồng trại, không để gia súc ở lầy lội, ẩm ướt. Biện pháp có hiệu quả nhất trong kiểm soát bệnh là tiêm vac-xin 6 tháng/lần cho các đàn gia súc. Chuyển từ nuôi thả sang nuôi chăn dắt, trang trại và phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y trong thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
Chủ động giám sát, phát hiện bệnh sớm để cách ly và điều trị bệnh theo đúng hướng dẫn của cơ quan thú y. Ở các ổ dịch phải cách ly gia súc ốm, không vận chuyển, mổ thịt và tiêu thụ thịt, sản phẩm của trâu, bò chết, mắc bệnh. Toàn bộ trâu, bò chết vì bệnh cần được tiêu hủy triệt để bằng phương pháp đào hố, đốt rồi chôn kỹ. Đồng thời, thường xuyên quét dọn chuồng trại, thu gom phân, rác, ủ phân nhiệt sinh học để tiêu diệt mầm bệnh.