Tin giả và những hệ lụy
Những ngày qua, nhiều người không khỏi hoang mang, sợ hãi khi nhìn thấy một bức ảnh đang lan truyền trên mạng xã hội chụp cảnh nhiều thi thể bó gọn nằm la liệt trên sàn được chia sẻ là bệnh nhân Covid-19 tử vong tại TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, theo Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam (Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ TT&TT) cho biết, đó là hình ảnh chụp các bệnh nhân Covid-19 ở nước ngoài đã được đăng tải trên mạng từ trước.
Ngày 29/7, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) cảnh báo một số trang web đã lợi dụng tâm lý lo lắng về sức khỏe của người dân để giả mạo thông tin xin trợ cấp tiêm chủng vaccine COVID-19và lừa tiền cứu trợ. Trong đó, có 2 tên miền chính đang được các đối tượng lợi dụng như sau: honapply.vn và miniboon.vn. Tại đây, người dùng được yêu cầu nhập các thông tin cá nhân như họ tên, số CMND, số điện thoại, và đặc biệt là tên và mật khẩu Internet Banking của ngân hàng. Nếu người dùng nhập các thông tin này, họ sẽ đứng trước nguy cơ bị hacker đánh cắp tài khoản ngân hàng và gây thất thoát tài sản. Ngay khi phát hiện các trang web này có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Trung tâm NCSC đã phối hợp xử lý để gỡ bỏ.
Hay mới đây,những tin tức không có căn cứ về số lượng người mắc bệnh, số ca tử vong, nguồn lực y tế cạn kiệt cùng những lời đồn ác ý... xuất hiện vô tội vạ trên mạng xã hội khiến tâm lý của một bộ phận người dân có phần hoang mang, lo lắng.
Theo tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông, qua thực tiễn công tác chỉ đạo, quản lý và giám sát thông tin trên không mạng thời gian qua, tình trạng phát tán tin giả, tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch Covid-19 có dấu hiệu gia tăng, trong đó tập trung chủ yếu vào việc kích động vùng miền, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; tung tin sai sự thật về hiệu quả của các loại vắc - xin Covid-19, xuyên tạc chính sách phân bổ, cung cấp vắc - xin của Chính phủ, việc sử dụng quỹ vắc - xin phòng, chống Covid-19; diễn biến dịch bệnh tại các điểm nóng như Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam; xuyên tạc về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của Chính phủ và các địa phương... Đáng chú ý là nhiều thông tin có nguồn từ các video clip của những người cách ly, người dân trong khu vực bị giãn cách, phong tỏa.
Việc xuất hiện nhiều thông tin xấu độc cùng số lượng lớn các video clip “tự phát” được phát tán tràn lan trên không gian mạng đã làm giảm niềm tin của người dân vào công tác phòng, chống dịch bệnh, gây hoang mang, bức xúc trong dư luận xã hội, nếu không xử lý tốt sẽ dễ phát sinh điểm nóng, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội tại địa phương, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch bệnh của cả nước.
Tính từ đầu năm đến ngày 29/7/2021, Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam đã nhận được 1916 tin báo về thông tin sai sự thật, trong đó có 917 tin có thể kiểm chứng (thông tin rõ ràng đầy đủ nội dung phản ánh, link vi phạm,…), 198 tin phản ánh về tin xấu độc. Trung tâm tin giả của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã xác thực thông tin và công bố 41 tin giả.
Còn trên địa bàn tỉnh Nghệ An, tính đến ngày 30/7/2021, lực lượng Công an tỉnh Nghệ An đã xử lý 16 trường hợp, Sở Thông tin và Truyền thông xử lý 4 trường hợp vi phạm đưa tin sai sự thật, trong đó phần nhiều là thông tin sai sự thật về dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, xử phạt hành chính hàng trăm triệu đồng, đồng thời yêu cầu gỡ bài, viết kiểm điểm.
Chấn chỉnh tình trạng tin giả, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19
Để triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ tại Nghị quyết 78/NQ-CP; để kịp thời chấn chỉnh tình trạng nêu trên, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19, Bộ TT&TT đã ban hành Công văn số 2765/BTTTT-PTTH&TTĐT ngày 23/7/2021 đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao liên quan đến công tác phòng, chống, dịch bệnh chủ động triển khai thực hiện các nội dung sau:
Thực hiện nghiêm túc quy định về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; cử người phát ngôn, chủ động cung cấp thông tin, trong mọi tình huống bảo đảm thông tin được cung cấp nhanh nhất, không bị động, bất ngờ; tuân thủ kỷ luật phát ngôn, thống nhất đầu mối phát ngôn, tránh tình trạng cùng một sự việc nhưng các ngành, địa phương lại phát ngôn không thống nhất dẫn tới việc bị suy diễn, xuyên tạc; trong trường hợp bộ, ngành, địa phương phát sinh việc đột xuất, sự cố bất thường thì chậm nhất sau 02 giờ, kể từ khi phát sinh sự việc nên cung cấp thông tin ban đầu cho báo chí, trong đó nêu rõ quan điểm chỉ đạo và giải pháp xử lý bước đầu sự việc (nếu có); thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin, nhất là thông tin trên không gian mạng về công tác phòng, chống dịch tại bộ, ngành, địa phương để xử lý, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, bức xúc của người dân, doanh nghiệp.
Tăng cường rà quét, phát hiện kịp thời tin giả, tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch tại bộ, ngành, địa phương. Khi phát hiện tin giả, tin sai sự thật, cần chỉ đạo lực lượng công an, các lực lượng có liên quan kịp thời xác minh đối tượng phát tán tin giả, phối hợp với đơn vị chức năng của Bộ TT&TT để thẩm định nguồn tin, công bố, cảnh báo tin giả, tin sai sự thật; chủ động xử lý nghiêm các đối tượng phát tán thông tin vi phạm pháp luật trên địa bàn. Trong trường hợp không xác định được danh tính, nhân thân của đối tượng vi phạm, đề nghị phối hợp với Bộ TT&TT, Bộ Công an để có biện pháp ngăn chặn nội dung vi phạm trên không gian mạng.
Kịp thời phản bác luận điệu xuyên tạc, chủ động cung cấp thông tin cho người dân. Theo đó, Các bộ, ngành, các tỉnh, thành cũng chỉ đạo lực lượng báo chí, truyền thông trực thuộc bám sát chỉ đạo, định hướng tuyên truyền, làm nổi bật mục tiêu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết; nắm bắt dư luận truyền thông nước ngoài để phối hợp với đơn vị chức năng của Bộ TT&TT và lực lượng báo chí cả nước kịp thời phản bác luận điệu xuyên tạc, chủ động cung cấp thông tin cho người dân.
Bên cạnh đó, các Sở TT&TT căn cứ thẩm quyền được giao xử lý nghiêm các cơ quan báo chí, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội đăng tải, phát tán tin giả, tin sai sự thật, gây hoang mang, hiểu lầm về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch tại địa phương. Các lực lượng trực thuộc tham gia phòng, chống dịch thực hiện nghiêm và đúng các quy định của cấp có thẩm quyền, có thái độ đúng mực với người dân, tránh gây bức xúc, bất bình, làm nóng vấn đề, phát tán các thông tin bất lợi lên mạng xã hội, ảnh hưởng đến quá trình thực thi các biện pháp phòng chống dịch.
Về phía người dùng Internet nên lựa chọn và tìm đọc các nguồn tin chính thống để đảm bảo thông tin được chính xác. Đồng thời, cần nâng cao cảnh giác, đề phòng cao độ để bảo vệ mình và người thân trước những nguy cơ lừa đảo, một số thủ đoạn lừa đảo mới trên không gian mạng như giả mạo thông tin của tổ chức y tế, giả mạo trang web liên quan đến Covid-19, lừa đảo liên quan đến nhu yếu phẩm thiết yếu bán lẻ, đến hoạt động từ thiện, hoạt động đầu tư,…
Những ngày này chúng ta đang phải trải qua một giai đoạn hết sức khó khăn trong phòng, chống dịch Covid-19 khi biến thể Delta đang lây lan dịch với tốc độ nhanh và rất nguy hiểm. Do đó, hơn lúc nào hết, công tác phòng, chống dịch bệnh cần phải quyết liệt, rốt ráo, và đồng bộ từ Trung ương tới địa phương. Người dân cần tỉnh táo, cảnh giác trước những tin tức sai sự thật, xấu độc; cần tìm kiếm các nguồn thông tin chính thống, không để bản thân bị dẫn dắt, lợi dụng. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc, xử lý nghiêm những người cố tình phát tán những thông tin sai sự thật, xấu độc, gây hoang mang dư luận.