Sự thật không thể phủ nhận
Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Việt Nam đã có những quyết sách chiến lược, chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo từ Trung ương tới cơ sở, có sự quyết tâm và đồng thuận của các cấp ủy đảng, của Chính phủ, các Bộ, Ban, ngành, địa phương và toàn thể nhân dân. Có thể khẳng định Việt Nam đã phòng, chống dịch Covid-19 bằng sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ và các cấp chính quyền.
Bằng nhiều biện pháp phòng, chống quyết liệt Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần cùng các quốc gia trên thế giới kiểm soát, ngăn chặn, đẩy lùi, giảm thiểu những thiệt hại do đại dịch Covid-19 gây ra. So với các nước trên thế giới, số người mắc và tử vong do đại dịch Covid-19 ở Việt Nam là khá thấp; số người được chữa khỏi bệnh cao.
Trong khi ở nhiều quốc gia trên thế giới số người nhiễm dịch gia tăng nhanh hằng ngày, nhưng Việt Nam vẫn kiểm soát được tình hình, hạn chế thấp nhất số lượng người lây nhiễm trong cộng đồng… Không phải ngẫu nhiên mà Tổ chức Y tế thế giới và cộng đồng quốc tế đánh giá Việt Nam là một trong số ít các quốc gia có hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả nhất thế giới trong bối cảnh là nước có thu nhập trung bình thấp, nguồn lực đầu tư cho y tế còn hạn chế. Đây là thực tế mà không ai có thể phủ nhận.
Tin giả, hậu quả thật
Thế nhưng trái ngược lại tinh thần, khí thế quyết tâm ấy, một số phần tử phản động, cơ hội, bất mãn chính trị và kẻ xấu đã móc nối, cấu kết với một số tổ chức phản động lưu vong lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do internet, khai thác ưu thế của không gian mạng, đặc biệt là mạng xã hội để tuyên truyền, bóp méo, xuyên tạc về quan điểm, chủ trương, chính sách, các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam; xuyên tạc, phủ nhận những kết quả mà chúng ta đã đạt được trong công tác phòng, chống đại dịch.
Nguy hiểm hơn, ngay trong chính nội bộ ta xuất hiện những trường hợp bị bên ngoài móc nối, lôi kéo lợi dụng diễn biến tình hình dịch lên mạng xã hội “té nước theo mưa” tung tin giả, tin xấu độc liên quan đến đại dịch Covid-19 nhằm chống phá. Kèm theo đó là một số người thiếu nhạy bén chính trị, nhận thức và trách nhiệm hạn chế đã cóp nhặt, xào xáo thông tin chưa được kiểm chứng đăng phát lên mạng xã hội; tham gia bình luận, chia sẻ, phát tán những thông tin thất thiệt, không đúng sự thật về tình hình dịch và công tác phòng, chống của Đảng, Chính phủ và nhân dân ta. Sự xuất hiện tràn lan những thông tin giả, thông tin xấu độc ngay từ chính nội bộ ta chẳng khác nào tiếp tay cho các thế lực thù địch, phản động phá hoại đất nước.
Hậu quả mà những tin giả, “tin vịt”gây ra là rất rõ ràng. Trên bình diện quốc tế những thông tin bóp méo, xuyên tạc, sai sự thật ít nhiều đã khiến thế giới hoài nghi, hiểu chưa đúng, chưa đầy đủ về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, quyết tâm và kết quả phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam; gây ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ đối ngoại của Việt Nam với các nước trong khu vực và thế giới. Thông tin giả, bóp méo, xuyên tạc làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng, kích động người dân chống phá Đảng và Nhà nước. Không chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực đến các tập thể, cá nhân, tin giả còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt là làm nhiễu loạn thông tin, gây tâm lý hoang mang, lo sợ trong dư luận, tạo ra những bất ổn trong xã hội; gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam.
Tỉnh táo để không tiếp tay cho kẻ xấu
Lẽ tất nhiên, người đưa thông tin sai sự thật, tin thất thiệt sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo tính chất, mức độ sai phạm. Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát cho tới nay, trên cả nước đã có rất nhiều trường hợp bị xử phạt nặng về hành vi đăng tải, phát tán, bình luận, chia sẻ những thông tin xấu độc, thất thiệt, sai sự thật. Đặc biệt trong dịp tết Nguyên đán Tân Sửu vừa qua, ngành Công an đã phối hợp với cơ quan chức năng xử lý hàng chục trường hợp lợi dụng mạng xã hội thông tin sai sự thật, thổi phồng, làm nóng diễn biến tình hình dịch; Bóp méo, xuyên tạc, thông tin sai sự thật về những hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các bộ, ban, ngành và chính quyền các địa phương liên quan đến đại dịch Covid-19.
Trong khi tình hình dịch ở nhiều quốc gia trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế, thì Việt Nam vẫn được đánh giá là một trong những nước phòng, chống đại dịch Covid-19 có hiệu quả. Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã thành công trong thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội và đang tiếp tục phát huy những kết quả, kinh nghiệm ấy trong tình hình mới. Tuy nhiên, tình trạng một số người nhận thức hạn chế, thiếu trách nhiệm, lợi dụng tình hình dịch để tung tin giả, tin xấu đã gióng lên hồi chuông về trách nhiệm và đạo đức công dân đối với công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Tăng cường các biện pháp kiểm soát, phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp đưa tin sai sự thật về diễn biến, tình hình dịch bệnh là cần thiết nhưng đó chỉ là giải pháp tình thế, giải pháp cuối cùng. Căn cơ, lâu dài vẫn phải là phát huy vai trò của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng, đặc biệt là các cơ quan báo chí, truyền thông trong đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, kiến thức về dịch Covid-19 cho nhân dân. Khi nhận thức đúng, có đủ kiến thức cần thiết người dân sẽ bình tĩnh, không cả tin, hoang mang trước những thông tin chưa được kiểm chứng trên mạng xã hội. Mặt khác, thông qua tuyên truyền, giáo dục giúp cho người dân có kiến thức về pháp luật, nắm rõ về các chế tài xử lý đối với hành vi tung tin giả, tin thất thiệt và những biểu hiện lơ là, chủ quan, thực hiện không nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.
Công tác tuyên truyền, giáo dục của tổ chức là rất quan trọng, nhưng quyết định vẫn là yếu tố chủ quan của mỗi người. Chúng ta cần thống nhất nhận thức rằng không gian mạng cũng giống như môi trường sống vậy. Ô nhiễm môi trường sống gây ra những hậu quả hết sức nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng con người. Chung tay bảo vệ môi trường sống là trách nhiệm của cả cộng đồng. Tương tự không gian mạng, môi trường mạng xã hội nếu không trong lành, ô nhiễm bởi sự xuất hiện tràn lan của những thông tin xấu độc thì hậu quả gây ra cũng vô cùng nặng nề và nghiêm trọng. Vì vậy, để giữ cho không gian mạng, môi trường mạng xã hội được an toàn, lành mạnh, thân thiện, đáng sống đòi hỏi sự chung tay của cả cộng đồng. Người dân khi tham gia vào môi trường mạng cần có sự tỉnh táo, bằng kiến thức và hiểu biết để suy xét thận trọng, kỹ lưỡng trước lượng thông tin khổng lồ hằng ngày, hằng giờ được đăng tải. Đừng vì nhẹ dạ, cả tin hay những bức xúc nhất thời mà bình luận, chia sẻ những thông tin sai lệch, chưa được kiểm chứng. Những hành động như vậy chẳng những làm xói mòn niềm tin vào Đảng và chính quyền, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 mà còn làm hủy hoại cuộc sống của cá nhân và cộng đồng, tự biến mình thành kẻ tiếp tay cho các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị chống phá đất nước.