Tiếp tục miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh
Năm 2021, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên sản xuất kinh doanh nói chung và các doanh nghiệp, hộ kinh doanh nói riêng tiếp tục gặp khó khăn. Không những vậy, so với năm 2021, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp, hộ tiểu thương còn gặp khó khăn hơn do tác động dịch sâu vào đời sống khiến nhiều hoạt động giao thương bị gián đoạn, thậm chí ngừng trên quy mô toàn quốc.
Chính vì thế, so với năm 2020, các hỗ trợ về miễn giảm thuếđều có đối tượng rộng hơn. Điều này được thể hiện tại Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH ngày 19/10/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và điều 1 Nghị định số 92/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 của Chính phủ về miễn giảm thuế.
Theo đó, đối tượng được miễn, giảm không chỉ là doanh nghiệp được thành lập theo quy định pháp luật Việt Nam mà còn có thêm HTX, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam có hoạt động sản xuất kinh doanh có thu nhập. Các đối tượng trên được giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 đối với trường hợp người nộp thuế theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp có doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng và doanh thu năm 2021 giảm so với năm 2019. Không áp dụng tiêu chí doanh thu năm 2021 giảm so với doanh thu năm 2019 đối với trường hợp người nộp thuế mới thành lập, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách trong kỳ tính thuế năm 2020, năm 2021.
Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng ghi rõ là miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV năm 2021 đối với hộ, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các địa bàn cấp huyện chịu tác động của dịch Covid - 19 trong năm 2021 do Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định; không miễn thuế đối với các khoản thu nhập, doanh thu từ cung cấp sản phẩm và dịch vụ phần mềm; sản phẩm và dịch vụ nội dung thông tin số về giải trí, trò chơi điện tử, nhạc, phim số…
Do lĩnh vực vận tải, du lịch ăn uống chịu tác động của dịch Covid-19 nên Quốc hội giảm thuế giá trị gia tăng kể từ ngày 01/11/2021 đến hết ngày 31/12/2021 đối với các hàng hóa, dịch vụ như dịch vụ vận tải đường sắt, đường thủy, hàng không, đường bộ khác; các dịch vụ lưu trú, ăn uống, đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tour du lịch; các sản phẩm và dịch vụ xuất bản; dịch vụ điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; tác phẩm nghệ thuật và dịch vụ sáng tác, nghệ thuật, giải trí; dịch vụ của thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác; dịch vụ thể thao, vui chơi và giải trí. Hàng hóa, dịch vụ trên không bao gồm phần mềm xuất bản và các hàng hóa, dịch vụ sản xuất, kinh doanh theo hình thức trực tuyến.
Để được hưởng chính sách hỗ trợ về miễn giảm thuế theo tinh thần Nghị quyết 406 cần 2 điều kiện, trong đó điều kiện cần là doanh thu trong kỳ tính thuế năm 2021 không quá 200 tỷ đồng (ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh, HTX quy mô nhỏ và vừa) và điều kiện đủ là doanh thu trong kỳ tính thuế năm 2021 giảm so với doanh thu trong kỳ tính thuế năm 2019 là thời điểm trước khi có dịch Covid-19.
Tích cực đối thoại gỡ vướng để doanh nghiệp dễ tiếp cận
Mặc dù quy định của UB Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã khá rõ nhưng để áp dụng vào thực tiễn là không hề đơn giản. Tại buổi đối thoại trực tuyến đầu tiên về miễn giảm thuế do Covid-19 tại Chi cục Thuế Sông Lam II khu vực Hưng Nguyên, Nam Đàn, có hàng chục ý kiến trong tổng số gần 200 doanh nghiệp, hộ kinh doanh tham gia đối thoại. Các ý kiến tập trung vào các tình huống thực tiễn về xuất hàng, ghi hóa đơn, doanh thu tạm tính năm 2021, các lĩnh vực sản xuất kinh doanh nào sẽ được miễn, giảm thuế...
Giải đáp các thắc mắc trên, đại diện Cục thuế tỉnh đã trả lời theo tinh thần Nghị quyết 406 và Nghị định 92/CP miễn giảm thuế. Đó là doanh thu phát sinh trong kỳ bao gồm hóa đơn, chứng từ bán, xuất hàng chứng minh doanh thu thực tế phát sinh trong năm 2021; hóa đơn, chứng từ phải ghi hợp lệ, hợp lý, không được đối phó hay “né” chuyển hóa đơn doanh thu qua năm sau…
Bên cạnh thắc mắc về số doanh thu, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cùng có nhiều câu hỏi băn khoăn vì sao một số doanh nghiệp cũng bị khó khăn, ảnh hưởng bởi Covid-19 nhưng không được miễn giảm thuế.
Do dịch Covid-19 nên 2 tháng doanh thu của DN bị sụt giảm. Ban đầu nghe được miễn giảm thuế nên cũng làm hồ sơ nhưng sau đó được biết là DN không được hỗ trợ, hơi buồn nhưng cũng không sao vì nhiều doanh nghiệp còn khó khăn hơn.
Đại diện ngành Thuế tỉnh cho biết: tình hình doanh nghiệp vận tải và lữ hành du lịch Nghệ An bị ảnh hưởng rất rõ. Mục tiêu của chính sách là hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề do Covid-19, quy mô vừa và nhỏ. Ngược lại một số hoạt động mua bán trực tuyến online, kinh doanh, sửa chữa thiết bị điện tử, viễn thông, phần mềm… vẫn hoạt động tốt và thậm chí có lợi nhuận nên không thể hỗ trợ.
Tại buổi đối thoại, ông Hà Lê Dũng – Phó Cục trưởng Cục thuế Nghệ An cho biết: hiện ngành đang hướng dẫn tiếp nhận hồ sơ và dự kiến sẽ có hàng ngàn bộ hồ sơ và số tiền miễn giảm lên tới hàng trăm tỷ đồng. Việc áp dụng miễn giảm thuế đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, HTX khó khăn do Covid-19 phải căn cứ Nghị định 92/CP của Chính phủ hướng dẫn. Từ nay đến cuối năm, Cục thuế tỉnh sẽ chỉ đạo các Chi cục Thuế tăng cường đối thoại trực tuyến với doanh nghiệp, hộ kinh doanh; đồng thời giải đáp trực tiếp trên các diễn đàn website của Cục thuế để đối tượng hiểu rõ và làm hồ sơ tiếp cận./.