Ngày 9/9/2014, BTV Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị 22-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng. Theo đó, BTV Tỉnh ủy yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở tổ chức thực hiện tốt những nhiệm vụ sau:
 
1. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Kết luận số 21-KL/TƯ ngày 25/5/2012 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí"; Chỉ thị số 33-CT/TƯ ngày 3/1/2014 của Bộ Chính trị “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản"; Nghị quyết số 63/2013/QH13 ngày 27/11/2013 của Quốc hội "về tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm"; các quy định của Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2012; Nghị định 78/2013/NĐ-CP ngày 17/7/2013 của Chính phủ về minh bạch tài sản thu nhập; Quyết định 5355/QĐ-UBND ngày 20/10/2009 của UBND tỉnh về "kế hoạch thực hiện chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 của tỉnh Nghệ An"; Kế hoạch số 264/KH-UBND ngày 21/5/2012 của UBND tỉnh về thực hiện giai đoạn II (2012 - 2016) chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng; nhanh chóng triển khai và thực hiện có hiệu quả các nội dung Quyết định số 217-QĐ/TƯ ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị "về việc ban hành quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội"; Quyết định số 218-QĐ/TƯ ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị "Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền".
 
2. Đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống tham nhũng gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", Chỉ thị số 03-CT/TƯ ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị "về tiếp tục đẩy mạnh việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác phòng, chống tham nhũng, tạo sự thống nhất, tự giác, quyết tâm cao trong hành động. Thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 12/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đào tạo (cấp trung học phổ thông trở lên) trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục triển khai và nhân rộng các mô hình tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng theo Kế hoạch số 1886-KH/UBND-NC ngày 31/5/2012 của UBND tỉnh.
Các cơ quan truyền thông cần đăng tin, bài định hướng đúng đắn dư luận xã hội để thấy rõ kết quả tích cực cũng như những hạn chế, yếu kém, những khó khăn, phức tạp của công tác phòng, chống tham nhũng; lên án, đấu tranh với người có hành vi tham nhũng, biểu dương tinh thần và những việc làm tích cực trong phòng, chống tham nhũng; khẳng định rõ quyết tâm của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị trong việc ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng.
 
3. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng thuộc trách nhiệm của các cấp ủy đảng. Do đó, đồng chí bí thư cấp ủy phải xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm để đưa vào kiểm điểm, đánh giá trong sinh hoạt cấp ủy gắn với việc thực hiện kiểm điểm đảng viên hàng năm, từ đó có sự chỉ đạo cụ thể, hiệu quả trong phòng, chống tham nhũng.
 
Trong lãnh đạo, chỉ đạo phải phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác phòng, chống tham nhũng, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, công tác kiểm tra của cấp ủy đảng, công tác thanh tra của Nhà nước; công tác giám sát, phản biện của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể.
 
4. Phát huy trách nhiệm của người đứng đầu (cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan nhà nước...); lấy hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng là một trong những tiêu chí quan trọng đánh giá năng lực, kết quả công tác.
 
Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về tình hình tham nhũng trong phạm vi địa bàn, lĩnh vực phụ trách. Các cấp, các ngành đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là các thủ tục hành chính, thực hiện việc công khai, minh bạch các quy định của Nhà nước và quá trình giải quyết các yêu cầu của người dân, doanh nghiệp. Thực hiện tốt. các yêu cầu về công khai, dân chủ trong quản lý tài chính; tuyển dụng, đề bạt, phân công công tác cán bộ; giải quyết các chế độ, chính sách và hoàn thiện các quy chế quản lý nội bộ, tạo điều kiện để cán bộ, nhân dân giám sát chặt chẽ các công việc của tập thể, của người đứng đầu.
 
5. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, công tác thanh tra Nhà nước trên các lĩnh vực nhạy cảm dễ xẩy ra tham nhũng như: quy hoạch và quản lý, sử dựng đất đai; quản lý tài nguyên, khoáng sản; các dự án đầu tư xây dựng cơ bản có nguồn vốn từ Ngân sách Nhà nước; việc chấp hành pháp luật về thuế; công tác cấp phát Ngân sách Nhà nước, mua sắm tài sản, công tác cán bộ, tiếp nhận, tuyển dụng công chức, viên chức, thực hiện chính sách xã hội công tác điều tra, truy tố, xét xử.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng các cấp, các ngành trong việc chấp hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng, gắn với thanh tra việc thực hiện chức trách công vụ của cán bộ, công chức. Quan tâm chi đạo xử lý sau thanh tra, kiểm tra, nhất là việc thu hồi tiền, tài sản bị thất thoát và xử lý người vi phạm.
 
6. Các cơ quan thanh tra Nhà nước và ủy ban kiểm tra Đảng các cấp tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xử lý nghiêm, đồng bộ cả về kỷ luật đảng và xử lý hành chính, kỷ luật cán bộ, công chức đối với người vi phạm liên quan đến tham nhũng, những vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì khẩn trương chuyển hồ sơ cho cơ quan chức năng khởi tố điều tra; ngăn chặn, loại trừ hiện tượng "chạy án".
 
Cơ quan công an, viện kiểm sát, toà án nhân dân các cấp phải phối hợp xử lý tốt các khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết các vụ án; nâng cao hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, không để kéo dài; xét xử phải nghiêm minh, nhất là các vụ án mà dư luận xã hội quan tâm, hạn chế áp dụng án treo đối với các bị cáo trong các vụ án tham nhũng theo quy định của pháp luật, tăng cường xét xử lưu động nhằm răn đe, ngăn ngừa tham nhũng.
 
Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố và xét xử, các cơ quan chức năng cần phát hiện những sơ hở trong công tác quản lý và cơ chế, chính sách để có kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung kịp thời các quy định của pháp luật, các quy chế chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành nhằm làm tốt công tác phòng ngừa tham nhũng.
 
7. Tổ chức thực hiện.
 
- Trên cơ sở Chỉ thị này, các huyện, thành, thị ủy, các Đảng ủy trực thuộc, các ban cán sự Đảng, Đảng đoàn xây dựng, bổ sung chương trình hành động và triển khai thực hiện có hiệu quả.
 
- Hội đồng nhân dân các cấp xây dựng kế hoạch giám sát chuyên đề về thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng tại các sở, ban, ngành từ tỉnh đến cơ sở.
 
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tổ chức triển khai có hiệu quả các quy định của Đảng về giám sát cán bộ, đảng viên; giám sát và phản biện xã hội nhằm ngăn ngừa tham nhũng; vận động nhân dân tham gia tích cực phát hiện, tố cáo tiêu cực, tham nhũng. 
 
- Hàng năm, giao Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra giám sát công tác phòng, chống tham nhũng; theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị này và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
 
Chỉ thị này phổ biến đến chi bộ.
 
BTV Tỉnh ủy