(Baonghean) - Sau sự cố môi trường biển miền Trung, hoạt động quan trắc và phân tích môi trường biển được các cấp, ngành và người dân đặc biệt quan tâm. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Hưng – Giám đốc Trung tâm quan trắc Tài nguyên và Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường).
P.V:Hoạt động quan trắc và phân tích môi trường biển được dư luận rất quan tâm. Vậy xin ông cho biết, hoạt động của Trung tâm quan trắc Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) trong thời gian qua?
Ông Lê Văn Hưng: Thời gian qua, Trung tâm quan trắc TN & MT luôn được sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của các cấp, ngành, nhất là của Sở TN&MT, cùng với nỗ lực của tập thể, cán bộ công chức, nhân viên trong đơn vị đã hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Hiện nay, do các quy định của pháp luật về hoạt động quan trắc và phân tích môi trường đã quy định cụ thể, chi tiết và hệ thống quy chế, quy trình làm việc được chuyên môn hóa, sâu sát thực tế các hoạt động của trung tâm, đồng thời đơn vị được trang bị các thiết bị quan trắc, phân tích môi trường nước, không khí... và làm chủ được việc phân tích các thông số môi trường cơ bản đảm bảo có độ chính xác cao, nên hoạt động quan trắc hiện trường ngày càng được cải thiện về chuyên môn và kỹ thuật, đáp ứng được yêu cầu về QA/QC.
Năm 2016, thực hiện chương trình quan trắc môi trường trên địa bàn tỉnh Nghệ An, đơn vị đã hoàn thành 4 đợt quan trắc theo kế hoạch đã được duyệt. Trong đó, đợt 1, 2 và 3 đã trình nộp Sở TN&MT “Báo cáo kết quả quan trắc môi trường chương trình quan trắc môi trường trên địa bàn tỉnh Nghệ An”. Tiếp tục triển khai việc lưu giữ tài liệu, dữ liệu quan trắc đảm bảo tính liên tục. Cùng với đó, thực hiện tốt các hoạt động chuyên môn khác phục vụ quản lý nhà nước như: Giám sát môi trường nước biển ven bờ theo chỉ đạo của UBND tỉnh Nghệ An tại bãi biển du lịch Cửa Lò và Cửa Hội... Kết quả, từ ngày 27/4/2016 - 14/9/2016, đã thực hiện 43 đợt quan trắc với 87 mẫu nước biển ven bờ và 4 mẫu trầm tích biển.
Đơn vị phối hợp kịp thời với các cơ quan hữu quan thực hiện việc quan trắc và phân tích môi trường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh khi có yêu cầu và có kết quả chính xác để các ngành liên quan trả lời, giải quyết. Cụ thể: Phối hợp với Chi cục BVMT xác minh ô nhiễm môi trường tại 28 cơ sở với 42 mẫu nước, 7 mẫu khí, 30 mẫu đất và 1 mẫu bùn thải; Phòng nước, biển và hải đảo lấy mẫu đánh giá chất lượng nước tại 1 cơ sở với 2 mẫu nước; Phối hợp với phòng Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh xác minh ô nhiễm môi trường tại 7 cơ sở với 7 mẫu nước, 1 mẫu khí. Hoàn thiện kế hoạch và dự toán hoạt động giám sát chất lượng nước cấp đầu vào của các nhà máy cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh trình Sở TN&MT, trình Sở Tài chính thẩm định. Triển khai thực hiện kế hoạch quan trắc, xác định cụ thể mức độ và phạm vi ô nhiễm khu vực bãi rác Đông Vinh, hiện đã bàn giao kết quả cho UBND thành phố Vinh. Triển khai lấy mẫu môi trường xung quanh Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên, hiện đã bàn giao báo cáo cho Sở TN&MT.
Thời gian qua, hoạt động bảo đảm chất lượng và quản lý chất lượng, quản lý kỹ thuật trong quan trắc môi trường tại trung tâm đạt kết quả khả quan. Đơn vị được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt Quyết định về việc điều chỉnh nội dung Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường theo Nghị định 127/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014. Áp dụng ISO/IEC 17025:2005 đối với hoạt động quan trắc hiện trường và đã được Văn phòng Công nhận chất lượng - Bộ KH&CN phê duyệt tại Quyết định số 400.2016 ngày 01/9/2016 với số hiệu VILAS 951. Được Văn phòng Công nhận chất lượng - Bộ KH&CN công nhận phòng thí nghiệm đáp ứng được các yêu cầu về duy trì công nhận theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2005 tại Công văn số 1786/VPCNCL ngày 31/8/2016. Tham gia 2 lượt so sánh liên phòng với VINALAB-PT và Trung tâm Quan trắc môi trường - Tổng cục Môi trường các kết quả đều đạt yêu cầu. Chính vì vậy, hoạt động quan trắc hiện trường và phân tích tại phòng thí nghiệm ngày càng chính xác, tin cậy.
Năm 2016, đơn vị rất quan tâm và tập trung vào hoạt động nghiên cứu đề tài BVMT và Khoa học - Công nghệ, nên đã hoàn thiện đề án “Điều tra, khảo sát chất lượng nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Nghệ An” và đề án “Đánh giá hiện trạng ô nhiễm trầm tích tại một số vùng nước mặt trên địa bàn tỉnh Nghệ An”. Thực hiện cải tiến kỹ thuật trong phân tích thử nghiệm nhằm giảm thiểu lượng hóa chất đối với thông số NO3-, NH4+...
Thực hiện “Đề án chuyển đổi đơn vị tự chủ khoa học và công nghệ theo Nghị định 115/2005/NĐ-CP” và để đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới, thời gian qua, trung tâm quan tâm, đầu tư phát triển dịch vụ quan trắc môi trường, tư vấn bảo vệ môi trường. Năm 2016, thực hiện quan trắc giám sát chất lượng môi trường định kỳ tại 43 cơ sở SXKD trên địa bàn Nghệ An. Ký kết các hợp đồng QTGS và tư vấn BVMT cho các cơ sở SXKD. Ký kết 46 hợp đồng QTGS, lấy 1.239 mẫu phân tích và 8 hồ sơ tư vấn...
P.V:Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về hoạt động quan trắc TN&MT, trong thời gian tới trung tâm sẽ triển khai công việc như thế nào?
Ông Lê Văn Hưng:Thuận lợi cho hoạt động quan trắc môi trường là Chương trình quan trắc môi trường trên địa bàn tỉnh Nghệ An theo chương trình quan trắc giai đoạn 2016 - 2020 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đây là điều kiện tốt để trung tâm nâng cao hoạt động. Tuy nhiên, vấn đề bất cập hiện nay là do năng lực phân tích một số thông số (thuốc BVTV) còn hạn chế, phải thuê nhà thầu phụ, do đó trung tâm chưa chủ động được về mặt thời gian bàn giao sản phẩm, hơn nữa, kinh phí phục vụ cho hoạt động quan trắc mạng cao, nhưng việc cấp ứng còn chậm. Việc duy trì hệ thống quản lý chất lượng và quản lý kỹ thuật theo ISO/IEC 17025:2005 và Vimcert 005 gặp nhiều khó khăn do hiện tại các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh chưa chú trọng nhiều đến công tác bảo vệ môi trường.
Để thực hiện tốt hoạt động quan trắc môi trường theo Chương trình quan trắc môi trường trên địa bàn tỉnh Nghệ An, trung tâm đã lập kế hoạch, dự toán thực hiện năm 2017 trình Sở TN&MT, Sở Tài chính và triển khai quan trắc môi trường 4 đợt theo đúng kế hoạch, hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng. Tiếp tục cập nhật dữ liệu mạng quan trắc đảm bảo tính liên tục. Tiếp tục thực hiện tốt các hoạt động chuyên môn phục vụ quản lý nhà nước. Nâng cao chất lượng áp dụng hoạt động bảo đảm chất lượng và quản lý chất lượng trong hoạt động quan trắc môi trường. Tiếp tục nâng cao việc áp dụng ISO/IEC 17025:2005 đối với hoạt động quan trắc môi trường. Chú trọng hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường, tư vấn BVMT và hoạt động nghiên cứu đề án, đề tài BVMT, Khoa học và Công nghệ...
Hoạt động quan trắc TN&MT trong thời gian tới là rất nặng nề, vì vậy rất cần sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời về mọi mặt của các cấp, ngành chức năng.
P.V: Cảm ơn ông!
Hoàng Vĩnh
(Thực hiện)