(Baonghean) - Với mục tiêu làm thủy lợi, giao thông nội đồng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả tưới tiêu của hệ thống công trình thủy lợi, tạo điều kiện cho việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, giảm bớt ngân sách nhà nước, những ngày này, nhiều địa phương đang tích cực nạo vét kênh mương, tu sửa bờ vùng bờ thửa, chuẩn bị cho vụ lúa xuân.
Thời điểm này, nông dân huyện Anh Sơn đang tích cực tập trung nhân lực để nạo vét các trục tưới, kênh chính, cải tạo các điểm sạt lở bờ kênh, nâng cấp bờ vùng bờ thửa để phục vụ công tác tưới tiêu, chống hạn cho vụ xuân. Trời đứng bóng nhưng trên cánh đồng ở xã Lĩnh Sơn (Anh Sơn) bà con đang tích cực nạo vét kênh mương.
Ông Trần Lâm xóm 14, xã Lĩnh Sơn chia sẻ: Diện tích đất lúa của xóm 14 chủ yếu nằm ở vùng cuối kênh, vì vậy phải nạo vét thông thoáng từ đầu vụ mới đảm bảo được nước tưới. Theo quy định mỗi người nạo vét từ 1-1,2 m3 bùn đất, tuy nhiên, do bùn bồi lắng nhiều bà con chúng tôi sẵn sàng làm vượt khối lượng.
Ông Phạm Văn Quý - Chủ tịch UBND xã Lĩnh Sơn cho biết thêm: Xã Lĩnh Sơn có trên 310 ha lúa, hệ thống kênh mương nhiều tuyến xuống cấp, vì vậy, nạo vét thông thoáng kênh mương là yếu tố quyết định đến thắng lợi mùa vụ. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, 10/10 thôn của xã đã huy động nhân lực, máy xúc làm giao thông, thủy lợi nội đồng theo phương châm làm đến đâu gọn gàng đến đó, sau đó cán bộ kỹ thuật nghiệm thu xác định đạt tiêu chuẩn mới di chuyển sang các tuyến kênh mương phụ nội đồng.
Công ty TNHH MTV thủy lợi Tây Nam hiện cũng đang phối hợp tốt với các địa phương để làm thủy lợi hiệu quả. Ông Lê Văn Đàn - Giám đốc Công ty TNHH MTV thủy lợi Tây Nam cho hay: Xí nghiệp thủy lợi Anh Sơn quản lý 11 công trình phục vụ tưới tiêu trên địa bàn, trong đó có 5 hồ đập lớn và 6 trạm bơm điện. Công ty đã tổ chức ra quân làm thủy lợi, cùng kết hợp với nhân dân tổ chức nạo vét được nhiều tuyến kênh ở các xã Tường Sơn, duy tu xong kênh Đồng Trương (xã Hội Sơn), kênh Thạch Sơn và đang tiến hành nạo vét kênh hồ Khe Nậy, Đức Sơn, hồ Ruộng Xối (xã Vĩnh Sơn). Công ty cử kỹ thuật tư vấn xây dựng kiên cố hóa kênh mương cho các xã và hướng dẫn kỹ thuật làm thủy lợi. Tính đến giữa tháng 12, công ty đã đắp bờ vùng bờ thửa được 6.177 m3, nạo vét kênh 3.711m3, phát dọn kênh mương được gần 100.000 m2.
So với trước, năm nay huyện Nghi Lộc đổi mới trong phát động ra quân làm thuỷ lợi. Theo đó, UBND các xã, thị trấn thành lập ban chỉ đạo, phân công các thành viên, cán bộ phụ trách từng xóm cắm mốc, giao khối lượng cụ thể cho từng khối phố, xóm, từng tổ chức đoàn thể thực hiện. Mỗi địa phương chọn 1 đến 2 công trình trọng điểm giao cho tổ chức Đoàn thanh niên làm để phong trào được nhân rộng.
Năm nay, huyện Nghi Lộc phấn đấu huy động 61.500 ngày công để đào, nạo vét 22.000m3 đất, đắp 12.000m3 đất bờ vùng, bờ thửa, đường giao thông và phát quang, vớt bèo, vệ sinh 33.800m2 kênh mương các loại. UBND huyện cũng đã thành lập ban chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho các phòng ngành liên quan tổ chức thực hiện hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra. Ông Nguyễn Xuân Quang - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nghi Lộc cho biết: "Huyện tập trung chỉ đạo việc duy tu các công trình thủy lợi, trong đó ưu tiên nạo vét, khơi thông các trục tiêu chính, nhất là vùng có nhiều ao nuôi trồng thủy sản và các cửa ra để đảm bảo thông dòng, tiêu thoát lũ nhanh, nạo vét các kênh tiêu nội đồng để nhanh chóng tiêu úng cho cây vụ đông, nạo vét bể hút, kênh dẫn các trạm bơm".
Phong trào toàn dân ra quân làm thủy lợi cũng được Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc hưởng ứng tích cực. Hiện nay công ty và các xí nghiệp thủy lợi đang phối hợp với chính quyền địa phương trong vùng hưởng lợi như Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu... tích cực làm thủy lợi. Công ty còn lồng ghép tiến hành tu sửa, nâng cấp một số tuyến kênh mương và hồ đập bảo đảm phục vụ tốt nguồn nước cho sản xuất và an toàn trong mùa mưa bão.
Ông Nguyễn Sỹ Hưng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Đợt ra quân này phải đạt được các mục tiêu: Đảm bảo khả năng cung cấp nước tối đa của các đầu mối công trình thuỷ lợi gồm hồ chứa, trạm bơm, cống lấy nước để phục vụ sản xuất. Đảm bảo đưa dẫn nước tưới, tiêu nhanh chóng kịp thời, tiết kiệm nước, tiết kiệm chi phí sản xuất. Nâng cao khả năng phòng, chống thiên tai, hạn hán, mưa lũ của công trình đảm bảo an toàn công trình và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai và biến đổi khí hậu. Kiên cố, hiện đại hoá từng bước hệ thống công trình thuỷ lợi. Nạo vét các hệ thống tiêu thoát nước ở các phường, xã, tổ dân cư, thôn xóm, vệ sinh môi trường sạch sẽ. Các địa phương và các ngành cũng xử lý nghiêm tình trạng công trình xây dựng xâm lấn, ảnh hưởng đến hệ thống tiêu thoát nước, chấn chỉnh công tác cấp phép xây dựng, quản lý việc các công trình xây dựng xả thải và đảm bảo hành lang an toàn cho các hệ thống công trình tiêu thoát nước trên địa bàn thành phố...
Để công trình thủy lợi phát huy được hiệu quả theo đúng năng lực thiết kế, bổ sung công trình cho phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở từng vùng.
Phong trào “Toàn dân ra quân làm thủy lợi” thời gian qua được người dân, các cơ quan liên quan hưởng ứng nhiệt tình và đem lại kết quả tốt ở các địa phương. Tuy nhiên, để phong trào này hiệu quả hơn nữa, cần sự vào cuộc quyết liệt hơn, sự gương mẫu đồng hành của cán bộ địa phương, cơ sở.
Văn Trường