(Baonghean) - Trong thời gian qua, mạng lưới các cơ sở hành nghề dược tư nhân trên địa bàn tỉnh phát triển nhanh. Hiện toàn tỉnh có 1.400 cơ sở hành nghề dược (gồm 69 công ty TNHH và chi nhánh dược; 165 nhà thuốc; 1.176 quầy thuốc và đại lý), tăng 115 cơ sở so với năm 2013. Hoạt động hành nghề y dược tư nhân đã tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, nhất là tại các vùng nông thôn, miền núi. Tuy nhiên tình trạng vi phạm như bán thuốc không theo đơn, không niêm yết giá, không giấy phép... vẫn khá phổ biến.
Còn nhiều vi phạm
Thuốc tân dược là loại hàng hóa đặc biệt nên việc mua, bán loại hàng hóa này đã được ngành chức năng quy định cụ thể. Thế nhưng, khảo sát thực tế tại một số quầy thuốc tân dược trên đường Nguyễn Sỹ Sách, Tôn Thất Tùng, Tuệ Tĩnh… (TP. Vinh) cho thấy, tình trạng mua bán mà không cần đơn thuốc của bác sỹ diễn ra khá phổ biến. Việc mua, bán thuốc không theo đơn một phần xuất phát từ thói quen của nhiều người dân khi mắc các bệnh thông thường vẫn tự đi mua thuốc mà không cần đi khám, theo chỉ định của bác sỹ.
Ông Lê Đức (ở khối Tân Tiến - phường Hưng Dũng) cho biết: “Tôi mắc bệnh viêm xoang mãn tính nên mỗi khi trái gió trở trời là cái mũi lại giở chứng. Do đã quen với bệnh nên mỗi lần như vậy tôi chỉ cần tới hiệu thuốc quen mua thuốc, chứ đi khám lại mất thêm tiền khám”. Một số bà mẹ trẻ khi con ốm cũng tự đi mua kháng sinh. Chính thói quen tự mua thuốc khiến tình trạng bán thuốc không cần kê đơn đã thành “căn bệnh khó chữa”.
Theo Quyết định 04/2008/BYT của Bộ Y tế về “Quy chế kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú”, danh mục thuốc phải bán theo đơn gồm: Thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần, thuốc điều trị bệnh gút, thuốc kháng sinh, thuốc điều trị lao, sốt rét, hen... Những loại thuốc này chỉ được phép bán khi người bệnh có đơn thuốc của bác sỹ. Quy định là vậy, song trên thực tế nhiều loại thuốc nằm trong danh mục buộc phải kê đơn vẫn đang được mua, bán một cách dễ dàng, không có đơn của bác sỹ.
Một trong những vi phạm khá phổ biến của các cơ sở hành nghề dược tư nhân nữa là thuốc không niêm yết giá hoặc không tuân thủ quy định niêm yết giá. Được kỳ vọng như một biện pháp giúp người bệnh mua được thuốc đúng giá, nhưng sau nhiều năm triển khai, quy định niêm yết giá bán lẻ trở thành “có cũng như không”. Thông tư liên tịch số 50/2011/TTLT-BYT-BTC-BCT quy định các cơ sở bán lẻ thuốc phải thực hiện việc niêm yết giá bán lẻ từng loại thuốc bằng cách in, ghi hoặc dán giá bán lẻ trên bao bì chứa đựng thuốc hoặc bao bì ngoài của thuốc, bảo đảm không che khuất nội dung của nhãn gốc và không được bán cao hơn giá đã niêm yết. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế rất nhiều nhà thuốc, quầy thuốc, đại lý bán lẻ vẫn không thực hiện quy định trên, giá thuốc tăng liên tục và giá mỗi nơi lại khác nhau.
Thuốc tây là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, người bán phải có bằng cấp chuyên môn và chỉ được phép kinh doanh, mua bán dưới sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, thực tế đang diễn ra ở một số chợ vùng nông thôn, nhiều quầy hàng ngang nhiên buôn bán các loại thuốc tây chữa bệnh như các mặt hàng tiêu dùng thông thường. Vào thời điểm cuối tháng 6, chúng tôi có mặt tại chợ Đò (xã Nam Cường - Nam Đàn), có đến 3 quầy thuốc đang hoạt động. Đủ các loại thuốc tây được bày trên những chiếc bàn gỗ, khay nhựa... Khi chúng tôi đến một hàng bán thuốc hỏi mua thuốc cho trẻ em bị ho, sốt cao, chị bán hàng nhanh tay gói cho 3 liều dùng gồm các loại thuốc ho bổ phế Bảo Thanh, Amoxixilin 250g, Hapacol và lấy 42.000 đồng mà không dặn dò gì thêm. Khi được hỏi nên uống thuốc lúc nào, chị bán hàng nói gọn lỏn: “Uống trước hay sau bữa ăn đều được”. Với những người dân ở vùng quê này vẫn thường chọn mua thuốc rẻ nên không mấy quan tâm đến chất lượng có đảm bảo.
Tình trạng các cơ sở dược tư nhân vi phạm các quy định về hành nghề đã và đang diễn ra khá phổ biến thời gian qua. Năm 2014, Thanh tra Sở Y tế đã tiến hành kiểm tra 540 cơ sở dược tư nhân, phát hiện 39 cơ sở vi phạm không có giấy đủ điều kiện kinh doanh thuốc, 37 cơ sở bị xử phạt hành chính; 5 tháng đầu năm 2015 kiểm tra 229 cơ sở, có 37 cơ sở bị xử phạt hành chính. Gần đây nhất, vào ngày 9/6/2015, đoàn kiểm tra liên ngành hành nghề y dược Thành phố Vinh đã tiến hành kiểm tra và phát hiện 3 cơ sở kinh doanh thuốc tây chưa có chứng chỉ hành nghề, chưa được Sở Y tế cấp phép hoạt động, chưa có giấy phép kinh doanh và chủ quầy thuốc vắng mặt. Đoàn kiểm tra liên ngành hành nghề y dược tư nhân Thành phố Vinh đã lập biên bản và yêu cầu đóng cửa đối với nhà thuốc Lương Thắng ở 134B, đường Nguyễn Thiếp; quầy thuốc Nguyễn Ngọc Hoa, 280 đường Trần Phú và quầy thuốc ở 309 đường Lê Duẩn, nằm trên địa bàn phường Trung Đô.
Thực tế hiện nay, các cơ sở dược tư nhân vi phạm các “lỗi” chủ yếu như: không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc và không có chứng chỉ hành nghề (hoặc đã hết thời hạn hiệu lực); không thực hiện việc niêm yết giá hoặc niêm yết giá thuốc không đầy đủ; bán thuốc không theo đơn; kinh doanh thuốc không có biển hiệu theo quy định…
Khó chấn chỉnh
Thực tế vi phạm thì dễ thấy nhưng để chấn chỉnh các cơ sở hành nghề đi vào hoạt động theo đúng khuôn khổ vẫn đang là là bài toán nan giải. Bà Phạm Thị Hải, Trưởng phòng Y tế huyện Nam Đàn thừa nhận, mặc dù chính quyền địa phương và ngành chức năng thường xuyên tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, hàng năm phòng thành lập đoàn liên ngành, kiểm tra nhưng tình trạng vi phạm vẫn diễn ra khá phổ biến. Hiện toàn huyện Nam Đàn có 143 cơ sở hành nghề kinh doanh dược, bốc thuốc Bắc và y học cổ truyền thì vẫn còn 72 cơ sở không có giấy phép kinh doanh. Khó khăn ở chỗ, chủ các cơ sở hành nghề dược vẫn thường đối phó, lực lượng thanh tra đến là các cửa hàng đóng cửa, quầy thuốc ở chợ nhanh chóng thu dọn, đoàn kiểm tra đi khỏi thì họ lại tiếp tục bày bán. Ngoài ra, bất cập khác là các quầy thuốc tư nhân ở nông thôn chủ yếu bán nhỏ lẻ nên khi ra quyết định xử phạt rồi thì các cơ sở này cũng không có tiền nộp phạt. Đó cũng là khó khăn chung đang tồn tại ở nhiều địa phương.
Theo ông Lê Hồng Lĩnh, Trưởng Phòng quản lý hành nghề Y dược tư nhân, Sở Y tế tỉnh, về vấn đề quản lý các cơ sở hành nghề dược vẫn tồn tại nhiều bất cập: nhiều địa phương chưa vào cuộc mà coi việc quản lý hành nghề y, dược là trách nhiệm của ngành y tế. Ý thức của người hành nghề chưa cao và chưa cập nhật kiến thức chuyên môn thường xuyên. Nguồn nhân lực Cao đẳng, Trung cấp Y - Dược hàng năm tốt nghiệp nhiều, sau khi tốt nghiệp, không xin được việc làm tại các cơ sở y tế còn nhiều và tự mở cơ sở hành nghề để sinh sống, nhưng không đủ điều kiện để được cấp phép hành nghề theo quy định, dẫn đến hành nghề không hợp pháp. Địa bàn rộng, nhân lực thanh tra, quản lý hành nghề của ngành còn thiếu..
Trao đổi về hướng chấn chỉnh tình trạng cơ sở hành nghề dược sai quy định, ông Lê Hồng Lĩnh cho biết thêm, ngành sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động tập huấn hàng năm cho các cơ sở hành nghề trên địa bàn tỉnh, đồng thời cấp chứng chỉ, cấp giấy phép hành nghề y, dược đúng theo quy định của pháp luật. Mặt khác, tăng cường công tác thanh, kiểm tra hoạt động này, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Ngành cũng đang tham mưu cho UBND tỉnh ban hành chỉ thị tăng cường quản lý hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Nghệ An (để gắn trách nhiệm quản lý về hoạt động hành nghề y, dược tư nhân cho UBND cấp huyện và các ngành liên quan).
Một giải pháp nữa là cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao hiểu biết cho người dân, đặc biệt là đồng bào ở vùng sâu, vùng xa về chăm sóc sức khoẻ, nhận biết và sử dụng thuốc đúng cách, lựa chọn được cơ sở, dịch vụ khám, chữa bệnh đúng quy định, đảm bảo hiệu quả, an toàn cao.
Ngọc Anh - Đinh Nguyệt
Theo Nghị định 176/2013 của Chính phủ, mức xử phạt đối với cơ sở hành nghề không có giấy phép đủ điều kiện hoạt động từ 50 - 70 triệu đồng, người hành nghề không có chứng chỉ hành nghề phạt từ 30 - 40 triệu đồng; các cơ sở bán lẻ thuốc nếu để quá hạn sử dụng (dù 1 viên hay 10 viên) mức phạt từ 10 - 20 triệu đồng, nếu là cơ sở bán buôn thì mức phạt từ 40 - 50 triệu đồng. |