(Baonghean) - "Hỗ trợ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình cho người dân dễ bị tổn thương trong thiên tai" là chủ đề của Ngày dân số thế giới năm 2015. Tại Nghệ An, người dân phải chịu ảnh hưởng nhiều thiên tai, lũ lụt, hạn hán thực sự là một vấn đề cần được chú trọng và đòi hỏi nhiều giải pháp đồng bộ, tích cực.

Cơn lũ bất ngờ ập xuống Thị xã Hoàng Mai cách đây hai năm vẫn còn là nỗi ám ảnh lớn với bà con nơi đây. Chị Nguyễn Thị Thủy, khối Sỹ Tân, phường Quỳnh Dị không sao quên được lần chuyển dạ lúc 11 giờ đêm ngày 1/10,  đúng vào lúc cơn lũ tràn về. Lúc đó, trời mưa to, nước ngập tràn, cả xã chìm trong bóng đêm vì mất điện. Hốt hoảng, chẳng biết làm thế nào gia đình đành gọi điện cho bác sỹ Nguyễn Thị Phượng, Trạm trưởng Trạm Y tế Quỳnh Dỵ. Nhận được tin, dù hai con đang còn nhỏ nhưng giữa mưa to bão lớn, bất chấp nguy hiểm, chị Phượng cùng với y tá Hồ Sỹ Trung đem theo dụng cụ, chèo thuyền đến tận nhà giúp chị Thủy “mẹ tròn con vuông”…Với chị Phượng, hơn 15 năm là bác sỹ nhưng đây có lẽ là trường hợp hiếm gặp. Và khi đó, nếu như các chị không có sự chuẩn bị từ trước, nếu như không thường xuyên thăm khám và chăm sóc sức khỏe cho các thai phụ thì liệu có vượt cạn an toàn?…
 
images1189622_2__6_.jpgKhám sức khỏe cho người dân vùng rốn lũ xã Hưng Nhân (Hưng Nguyên).
 
Hầu hết người dân vùng thiên tai bất an về vấn đề sức khỏe mỗi khi mùa mưa bão về. Ở xã Hưng Nhân, với đặc thù nằm sát sông Lam nên hầu như năm nào người dân trong xã cũng phải sống chung với cảnh ngập lụt. “Sống quen với lũ” nên nhà nào cũng xây thêm một cái chạn để có thể cất giữ gạo thóc hoặc trú bão mỗi khi mùa mưa về, xây nhà cộng đồng chống lũ. Người dân cũng được trang bị những kiến thức tối thiểu để chống chọi và ứng phó với thiên tai như thường xuyên theo dõi các thông tin về dự báo thời tiết, sử dụng các đồ dùng thiết yếu như lương thực, thuốc men, nước uống, gia cố nhà cửa trước khi mưa bão về… Nhiều trường hợp chị em phải chèo thuyền “vượt cạn” giữa mùa mưa lũ là “chuyện thường” như chị Lê Thị Hiền xóm 5, chị Trần Thị Quyên xóm 8. Vì là xã đặc biệt khó khăn nên từ nhiều năm nay, Hưng Nhân luôn được chính quyền địa phương quan tâm, trong đó có  ưu tiên về vấn đề  y tế, dân số. Hầu như năm nào cũng vậy, mỗi năm một lần người dân được tổ chức thăm khám sức khỏe. Riêng với phụ nữ, thông qua chiến dịch dân số mỗi năm hai lần được thăm khám, chăm sóc và thụ hưởng các dịch vụ về kế hoạch hóa gia đình hoặc cấp phát thuốc miễn phí…
 
Qua nhiều năm theo dõi sức khỏe cho người dân vùng lũ, bác sỹ Cao Văn Tiến, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hưng Nhân cho biết: Mùa mưa bão không chỉ ảnh hưởng đến an toàn cho người dân mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh, đặc biệt là với phụ nữ và trẻ  em gái như các bệnh về da, nấm tay chân, bệnh hô hấp, dịch sốt xuất huyết tiêu chảy hoặc các bệnh phụ khoa ở phụ nữ.
 
Nói về công tác hỗ trợ cho người dân trong những vùng bị tổn thương do thiên tai, ông Nguyễn Kim Bảng, Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Hưng Nguyên chia sẻ: Hưng Nguyên là “rốn” của vùng chiêm trũng, có 10/23 xã dọc sông Lam, đặc biệt xã Hưng Nhân nằm hoàn toàn trong sông Lam. Do điều kiện đặc thù như vậy nên người dân ở đây luôn đứng trước nguy cơ dễ tổn thương trong thiên tai, đặc biệt là các bà mẹ và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Thực tế hiện nay ở huyện có  trên 30% phụ nữ sống ở các vùng sông nước, vùng khó khăn bị mắc bệnh phụ khoa do phải tiếp xúc trong môi trường nguồn nước ô nhiễm, điều kiện vệ sinh không đảm bảo. Thời gian qua, để hạn chế tình trạng này huyện chú trọng đến công tác tuyên truyền giúp người dân nâng cao nhận thức để tự bảo vệ mình. Bên cạnh đó, thường xuyên hỗ trợ thuốc, các phương tiện để thực hiện việc chăm sóc sức khỏe sinh sản hoặc hỗ trợ, ưu tiên kinh phí và nhân lực để thực hiện các chiến dịch dân số truyền thông sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình…
 
Nghệ An là một trong những địa phương được đánh giá là có thời tiết khắc nghiệt nhất trong cả nước và  hiện vẫn còn rất nhiều hộ dân sống tại những nơi luôn bị đe dọa bởi mưa bão, ngập lụt trong mùa mưa bão. Đối mặt với thiên tai, chịu thiệt thòi nhất là phụ nữ và trẻ em gái. Thực tế cho thấy, thời gian qua riêng trên lĩnh vực dân số công tác hỗ trợ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình cho người dân ở những vùng bị thiên tai luôn được quan tâm. Cụ thể, ở những xã miền núi có nguy cơ bị sạt lở lũ lụt hàng năm đều được thụ hưởng các chương trình đề án về dân số hoặc các chương trình mục tiêu quốc gia và 100% các xã thuộc diện khó khăn được cấp ngân sách để thực hiện chiến dịch dân số về sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình.
 
Ở vùng biển, từ cuối năm 2009, với việc thực hiện Đề án Kiểm soát dân số vùng biển, đảo và ven biển người dân ở đây đã đã được thường xuyên cung cấp các dịch vụ kỹ thuật có chất lượng cao trong công tác khám, sàng lọc và điều trị các bệnh viêm nhiễm đường sinh sản, chăm sóc sức khoẻ  bà mẹ mang thai, hỗ trợ trước sinh và sau sinh, tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân. Đồng thời qua đó, mạng lưới trạm y tế vùng biển được quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, bổ sung trang thiết bị y tế. Đội ngũ cán bộ chuyên trách, cộng tác viên các xã vùng biển được củng cố kiện toàn, đào tạo tập huấn nâng cao trình độ và được quan tâm chế độ chính sách kịp thời. 
 
Chia sẻ về chủ đề của ngày dân số thế giới năm nay, bà Lê Thị Hoài Chung - Chi cục trưởng Chi cục Dân số/KHHGĐ tỉnh cho rằng: “Hỗ trợ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình cho người dân dễ bị tổn thương trong thiên tai" là một chủ đề rất nhân văn, phản ánh một vấn đề lớn của cộng đồng toàn cầu, trong đó có việc đáp ứng nhu cầu về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục đối với nhóm dễ tổn thương, nhất là phụ nữ, trẻ em gái. Chủ đề Ngày Dân số Thế giới năm nay rất phù hợp với đặc thù tỉnh Nghệ An - một địa phương thường xuyên phải hứng chịu ảnh hưởng to lớn từ biến đổi khí hậu như: lũ lụt, hạn hán, giông lốc, sạt lở,... Vì vậy, hưởng ứng thực hiện tốt chủ đề cũng tạo điều kiện cho người dân tỉnh nhà nâng cao năng lực chuẩn bị, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai; có cơ hội được tiếp cận, cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản-KHHGĐ trước, trong và sau thiên tai nhằm giảm rủi ro về bệnh tật và các hệ lụy không mong muốn khác. Nếu chúng ta cùng hợp sức hành động, thực hiện thắng lợi chủ đề năm nay, điều đó đồng nghĩa với việc các bà mẹ, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sẽ được quan tâm, chăm sóc tốt hơn về sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hóa gia đình. 
 
Mỹ Hà