(Baonghean.vn) - Cử tri Nghệ An kiến nghị Quốc hội tăng cường hoạt động giám sát các vấn đề về nợ công, bội chi ngân sách nhà nước để làm rõ nguyên nhân, xác định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan. Từ đó kịp thời đề ra các giải pháp điều chỉnh, khắc phục, tránh để xảy ra tình trạng mất cân đối, gây vỡ nợ, làm ảnh hưởng xấu tới tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và đời sống của nhân dân.

Vấn đề này (tại Công văn số 393/UBTCNS14) Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội trả lời như sau:

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH), các cơ quan của Quốc hội đã triển khai tích cực các hoạt động giám sát, trong đó đặc biệt chú trọng tới các nội dung giám sát trong lĩnh vực tài chính, ngân sách, bao gồm cả các vấn đề về nợ công, bội chi ngân sách nhà nước, các dự án sử dụng nguồn vốn ODA.

images1917223_1_209237.jpgĐoàn đại biểu quốc hội tỉnh Nghệ An tại kỳ họp Quốc hội. Ảnh tư liệu

Năm 2016, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã tổ chức đoàn giám sát tại một số bộ ngành và địa phương về tình hình huy động, phân bổ, sử dụng vốn vay, trả nợ và quản lý nợ công. Thông qua hoạt động giám sát, Ủy ban TCNS đã chỉ rõ các tồn tại, hạn chế trong huy động, quản lý, sử dụng nợ công, quản lý các dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn vay và đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV khi thẩm tra báo cáo của Chính phủ về mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020.

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020 trong đó xác định rõ các chỉ tiêu giới hạn nợ công như: nợ công hằng năm không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 54% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP…

Theo chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh, dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) sẽ được Quốc hội khóa XIV xem xét cho ý kiến tại kỳ họp thứ ba và thông qua vào kỳ họp thứ tư.

Trên cơ sở tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Luật quản lý nợ công và kết quả giám sát trong thời gian qua, hiện nay, Ủy ban TCNS đang phối hợp với cơ quan soạn thảo tổ chức hội thảo, lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân về Dự án luật này nhằm khắc phục những hạn chế của Luật quản lý nợ công hiện hành, đảm bảo xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan trong việc vay, phân bổ và sử dụng vốn vay, đảm bảo quản lý nợ công hiệu quả, minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế, góp phần an toàn, lành mạnh nền tài chính quốc gia.

Tiếp thu ý kiến của cử tri, trong thời gian tới, Ủy ban TCNS sẽ tiếp tục tăng cường giám sát, đề xuất để Quốc hội, UBTVQH tổ chức các đoàn giám sát về nợ công, giám sát các dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA, đảm bảo thực hiện nghiêm các Nghị quyết của Quốc hội, kịp thời phát hiện các sai phạm, vướng mắc để đề xuất giải pháp tháo gỡ, góp phần nâng cao kỷ cương, kỷ luật tài chính, ổn định kinh tế vĩ mô.

Gia Huy

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN