(Baonghean) - Tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo (KNTC) kéo dài, vượt cấp đang có xu hướng tăng, làm xáo trộn tình hình chính trị, an ninh trật tự xã hội. Việc thẳng thắn chỉ rõ nguyên nhân, đề ra hướng giải quyết thấu đáo cần được các cấp chính quyền và cơ quan, ban, ngành quan tâm thực hiện. Những trường hợp sai phạm cần xử lý nghiêm khắc ngay từ cơ sở để hạn chế đến mức thấp nhất việc khiếu nại, tố cáo kéo dài...
 
images1021268_4a.jpgLô đất tại khối Kim Tân, phường Hòa Hiếu, TX Thái Hòa (vị trí rào phên) hiện UBND TX Thái Hòa chưa bàn giao cho gia đình ông Lê Quang Nhung, dẫn đến khiếu kiện.
 
Thành phố Vinh là một trong những địa phương có nhiều đơn thư và đặc biệt là có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp, kéo dài. 6 tháng đầu năm, thành phố tiếp nhận và xử lý 1002 vụ việc với 803 đơn, tăng 3,48% so với cùng kỳ. Trong số đó, có tới 295 vụ việc thuộc quyền giải quyết của Chủ tịch UBND phường, xã.  Nội dung khiếu nại, tố cáo chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đất đai, HTX, thu chi tài chính... Nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân chưa được xử lý triệt để, thỏa đáng dẫn đến tình trạng gửi đơn vượt cấp, khiếu kiện kéo dài. Để xảy ra tình trạng trên, theo ông Trương Xuân Tý, Chánh Thanh tra TP. Vinh thì: Do một số phường, xã chưa quan tâm, nhiệt tình trong công tác xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo; năng lực của cán bộ chuyên môn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, khi gặp vướng mắc không xin ý kiến cấp trên nên đơn thư chưa được giải quyết kịp thời và khi giải quyết thì người dân thấy không thỏa đáng dẫn đến khiếu kiện vượt cấp. Điển hình như vụ việc giải quyết đơn của bà Lê Thị Loan, xóm 7, xã Nghi Phú. Từ năm 2010, gia đình bà Loan có đơn tố cáo gửi đến Thành phố Vinh. Thành phố đã có công văn chỉ đạo nhưng đến tháng 2/2014, UBND xã Nghi Phú vẫn chậm thực hiện nhiệm vụ được giao; UBND thành phố đã phê bình Chủ tịch UBND xã Nghi Phú. Còn bà Nguyễn Thị Loan tiếp tục gửi đơn lên Hội đồng tiếp dân tỉnh do chưa đồng ý với hướng xử lý của chính quyền xã Nghi Phú. 
 
Theo ông Nguyễn Chí Nhâm, Chánh Thanh tra tỉnh thì một trong những nguyên nhân dẫn đến việc đơn thư kéo dài, vượt cấp là do nhận thức của một số người dân về pháp luật còn hạn chế nên có những yêu cầu, đòi hỏi không đúng hoặc vượt quá quy định của pháp luật. Có những vụ việc đã giải quyết đúng pháp luật, có lý, có tình nhưng một số công dân cố tình không hiểu, vẫn tiếp tục gửi đơn yêu cầu được giải quyết, cố tình khiếu kiện dai dẳng, thậm chí có những phản ứng tiêu cực. Bên cạnh đó, có khi đồng thời 1 vụ việc nhưng do công dân gửi đơn đến nhiều nơi yêu cầu được giải quyết, vì vậy, số lượt tiếp dân và số đơn thư thống kê tăng lên. Ví dụ như trường hợp bà Nguyễn Thị Huy, xóm 7B, xã Quỳnh Châu tranh chấp Quyền sử dụng đất với ông Nguyễn Ngọc Các tại xóm 7B, xã Quỳnh Châu đã kéo dài hơn 2 năm nay nhưng đến nay công dân vẫn  gửi đơn kiện khắp nơi.
 
Sau khi nhận đơn của bà Huy, UBND huyện Quỳnh Lưu đã ban hành Quyết định 1603/QĐ-UBND ngày 3/7/2012 xác minh nội dung tranh chấp đất. Ngày 4/9/2012, UBND huyện Quỳnh Lưu ban hành Quyết định số 2331/QĐ-UBND giải quyết tranh chấp đất giữa bà Huy và ông Các, trong đó khẳng định việc tranh chấp đất của bà Huy là không có cơ sở. Không thống nhất quyết định giải quyết tranh chấp của UBND huyện Quỳnh Lưu, bà Huy có đơn gửi UBND tỉnh. UBND tỉnh đã giao Sở TN&MT kiểm tra, xác minh nội dung tranh chấp của bà Huy. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 4864/QĐ-UBND.KT ngày 3/12/2012 về việc giải quyết tranh chấp đất của bà Huy, khẳng định thống nhất với Quyết định giải quyết số 2331/QĐ-UBND ngày 4/9/2012 của Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu nhưng công dân vẫn không đồng tình và tiếp tục có đơn gửi các cơ quan cấp trên.
 
Ông Thái Viết Dũng, Chánh Thanh tra huyện Nghi Lộc cho rằng: “Hầu hết đơn thư đã vượt cấp ngay từ đầu, bởi ở đề mục kính gửi người dân đã một lúc gửi tới nhiều địa chỉ, từ xã, huyện, tỉnh đến tận Trung ương. Về việc này, người dân cho rằng gửi như thế để các cấp, ngành cùng quan tâm giải quyết, nhất là cấp trên sẽ chỉ đạo, tạo áp lực cho cấp dưới giải quyết nhanh hơn... Ngoài ra, theo ông Dũng, nguyên nhân để tình trạng đơn thư kéo dài, vượt cấp còn bởi trong quá trình giải quyết đơn thư khiếu nại, nhiều địa phương ngại đối thoại, giải quyết không thấu tình, đạt lý. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở còn vi phạm về thời hạn, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật, có vụ việc người có thẩm quyền không tổ chức đối thoại với công dân. Các căn cứ, chứng cứ để kết luận vụ việc thiếu tính thuyết phục, có vụ giải quyết không hết nội dung, hồ sơ các vụ việc thiết lập không đầy đủ. Vì vậy, công dân bức xúc, thiếu thông tin hướng dẫn nên phát sinh đơn thư vượt cấp.
 
Thực tế cho thấy sự thiếu trách nhiệm của người đứng đầu một số địa phương, đơn vị trong chỉ đạo và trực tiếp giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo nên đã xảy ra tình trạng giải quyết các khiếu nại của công dân chưa đảm bảo về trình tự thủ tục, một số vụ việc giải quyết còn chậm, vi phạm thời gian. Mặt khác, trong quá trình xem xét giải quyết, các cấp, ngành vẫn chưa thoát khỏi tính hành chính, không đi sâu tìm hiểu nguyên nhân phát sinh vụ việc. Điều này trở nên phức tạp hơn khi những bất cập trong cơ chế, chính sách liên quan đến quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng, các lĩnh vực nhạy cảm khác chưa được điều chỉnh và sự tham gia của một số lực lượng hiểu biết pháp luật nhưng có tư tưởng trục lợi… Có những vấn đề phát sinh từ cơ sở nhưng không được quan tâm, giải quyết dứt điểm, kịp thời dẫn đến khiếu nại, tố cáo kéo dài.  Đơn cử như trường hợp của ông Lê Quang Nhung, công tác tại UBND huyện Nghĩa Đàn và vợ là Nguyễn Thị Lan hiện ở tại xóm Nghĩa Dũng, xã Nghĩa Mỹ, TX. Thái Hòa.
 
Năm 1994, ông Nhung được UBND huyện Nghĩa Đàn (cũ) bán cho một lô đất và đã nộp tiền đầy đủ, nhưng mãi đến nay vẫn chưa được giao đất. Gia đình ông đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền, năm 2010, Thanh tra tỉnh thanh tra đất đai tại Thị xã Thái Hòa có mời ông lên làm việc và ông đã xuất trình đầy đủ chứng từ nộp tiền, trong kết luận thanh tra đã giao cho UBND thị xã giải quyết giao đất cho gia đình ông, nhưng sự việc đến nay vẫn chưa được UBND Thị xã Thái Hòa giải quyết... Ông Lê Quang Nhung, cho rằng: Phải chăng UBND Thị xã Thái Hòa coi thường ý kiến, kết luận của cấp trên, và các phòng tham mưu không thực hiện ý kiến của Chủ tịch cũng như các quy định của Nhà nước và không tôn trọng ý kiến của người dân?
 
Để hạn chế tình trạng KNTC tràn lan, kéo dài, ngoài việc thực hiện công tác tuyên truyền, vận động hay đối thoại, giải thích, nâng cao nhận thức của người dân thì việc xây dựng chế tài, quy định cụ thể, chặt chẽ hơn để ràng buộc trách nhiệm đối với người tham gia KNTC. Cùng với đó là tăng cường công tác giám sát công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu của các cơ quan, tổ chức trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở. Có như vậy, tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp mới được giảm xuống và người dân ngày càng tin tưởng hơn vào các cơ quan chức năng. 
 
Tính trong 6 tháng đầu năm 2014, tổng số đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, tranh chấp đất đai phát sinh trên địa bàn toàn tỉnh là 3.461 đơn, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, đơn thư được gửi đến cấp tỉnh là 759 đơn, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2013. Tuy tổng số đơn tăng nhưng số vụ việc khiếu nại, tố cáo lại giảm so với cùng kỳ năm 2013. Khoảng 70% số đơn thư khiếu nại, tố cáo là sai và trong đó thì nguyên nhân chính là thuộc về nhận thức của người dân và sự giải quyết chưa thấu đáo của chính quyền cơ sở.
 
Đặng Cường - Phạm Văn