(Baonghean) - Từ thất bại nặng nề trên chiến trường miền Nam Việt Nam, để đánh lừa dư luận quốc tế, quốc hội và nhân dân Mỹ, đế quốc Mỹ đã dựng lên cái gọi là “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ” nhằm bịa đặt, vu cáo: Hải quân Việt Nam tấn công tàu Hải quân Mỹ.
 
11h ngày 5/8/1964, Tổng thống Mỹ Giôn - xơn xuất hiện trên Truyền hình Mỹ, ra lệnh cho các lực lượng không quân “tấn công Bắc Việt Nam trả đũa cho tàu Hải quân Mỹ bị tấn công tại Vịnh Bắc Bộ”. Thông tin đó lan nhanh toàn cầu như một tia chớp: cuộc chiến của Mỹ đã leo thang ra miền Bắc Việt Nam.
image_92702.jpgTrận địa pháo 88mm Tiểu đoàn 217 tham gia đánh thắng trận đầu. Ảnh tư liệu.
 
Nắm chắc âm mưu thủ đoạn của kẻ thù, các lực lượng phòng không nhân dân Việt Nam luôn ở tư thế sẵn sàng chiến đấu. Tại Sở chỉ huy Quân khu 4, Đại tá Nam Long - Phó Tư lệnh Quân khu đã triển khai mệnh lệnh của Bộ Tổng tư lệnh, ra lệnh cho các lực lượng vũ trang Quân khu nêu cao quyết tâm, bám sát mục tiêu, nổ súng chính xác, kịp thời trừng trị lũ giặc bay.
 
55 phút sau khi Giôn - xơn ra lệnh, cuộc tiến công xâm lược quy mô lớn đầu tiên của không quan Mỹ vào miền Bắc Việt Nam đã được đặt tên là “Mũi tên xuyên” (FIERCERROW) do 64 chiếc máy bay của Hải quân, Không quân Mỹ thực hiện được bắt đầu, từng tốp giặc bay hung hãn đánh phá vào các khu vực Lạch Trường (Thanh Hoá), Vinh (Nghệ An), Cửa Gianh (Quảng Bình) và Hòn Gai (Quảng Ninh).
 
Ở Vinh, 8 máy bay cường kích (gồm 4 chiếc A D1 và 2 chiếc F8U, 2 chiếc AD6) chia thành 2 tốp, bay thấp trên biển, lẻn vào Cửa Sót (Hà Tĩnh), lợi dụng dãy núi Hồng Lĩnh và Nam Đàn che khuất, tiếp tục bay thấp theo triền Sông Lam đột nhập vào kho dầu Bến Thuỷ từ phía Đông Nam và Tây Nam. Khẩu đội 14,5 ly của Trung đội Phòng không lực lượng vũ trang Thành phố Vinh trên đỉnh núi Quyết là đơn vị đầu tiên nổ súng. Tiếp đó, các Đại đội 138, 139, 317 pháo trung cao 90 mm và các  Đại đội 57 mm, 37 mm đã  đánh trả quyết liệt. Tự vệ Nhà máy Điện Vinh, tự vệ Nhà máy xay lợi dụng tầng cao của nhà máy đặt súng máy, súng trường đánh địch. Dân quân xã Vinh Tân kê súng lên bờ đập để bắn máy bay. 12 giờ 40 phút, một chiếc máy bay A D6 của Mỹ trúng đạn (rơi cách bờ biển Cửa Hội chừng 10km). Chưa đầy 5 phút sau, tàu 187 của Hải quân ở Hòn Ngư đã phối hợp với các trận địa trên bờ bắn rơi chiếc máy bay thứ 2. Đây là 2 chiếc máy bay phản lực hiện đại đầu tiên của đế quốc Mỹ bị bắn rơi tại miền Bắc. Trận chiến kết thúc hồi 12 giờ 55 phút.
 
Cùng thời điểm Cửa Gianh, Cửa Ròn (Quảng Bình), 8 máy bay A D4 đã lao từ biển vào oanh tạc căn cứ Hải quân sông Gianh, cửa Ròn. Dân quân các xã Quảng Thọ, Cảnh Dương, Quảng Phú, Thuận Trạch, Tự vệ Ngư trường Cửa Gianh đã phối hợp chặt chẽ với các tàu Hải quân 161, 167, 173, 175, 177, 181, 525 chiến đấu quyết liệt với lũ giặc bay. Ở xã Cảnh Dương đã xuất hiện gương chiến đấu kiên cường của bố con Trung đội trưởng Trương Văn Thích, con tiếp đạn, cha nổ súng.
 
14 giờ 34 phút, 8 chiếc F4U và AD6 cất cánh từ tàu sân bay ở Biển Đông lợi dụng các vật che khuất ở Sầm Sơn lẻn vào công kích các tàu Hải quân của ta ở Lạch Trường (Thanh Hoá). Đại đội 19 ra đa đã sớm phát hiện được đường bay của địch. Khẩu đội súng máy 14,5 mm bảo vệ ra-da do Đinh Trọng Nhưỡng chỉ huy đã kịp thời nổ súng. Hỏa lực cao xạ trên các tàu Hải quân, các trận địa súng máy, súng trường của công an vũ trang, dân quân trên Núi Trường đồng loạt nổ súng tiến công. Dưới làn mưa đạn địch, nữ dân quân Tạ Thị Đào xung phong ra biển cấp cứu người bị thương và là người đầu tiên hiến máu cứu thương binh. Trận chiến đấu kéo dài 20 phút, lại thêm 2 máy bay Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời Quân khu 4.
 
16 giờ 30 phút, 8 máy bay địch lại tiếp tục đánh phá Vinh - Bến Thuỷ và 11 máy bay khác tiếp tục đánh phá Cảng Gianh. Đây là đợt tiến công thứ hai trong ngày. Chúng tiếp tục ném bom vào Kho dầu Bến Thuỷ, căn cứ Hải quân Cửa Hội, Cửa Gianh và “trả đũa” dữ dội vào các trận địa pháo cao xạ của ta.
 
Rút kinh nghiệm kịp thời trận đánh lúc trưa, được sự chỉ đạo chặt chẽ của Bộ Tư lệnh Quân khu 4, Quân chủng Phòng không các lực lượng phòng không của ta tranh thủ thời gian, củng cố trận địa, chuẩn bị pháo đạn. Trung đoàn 280 cùng quân dân TP. Vinh, Hải quân, Phòng không Cửa Gianh đã phát hiện địch từ xa nên chủ động nổ súng tiến công. Tại Vinh, ngay từ đầu, Đại đội 138, Đại đội 171 và các đơn vị khác bắn rơi một máy bay Mỹ khi chúng đánh thẳng vào trận địa. Trận chiến ngày càng ác liệt, Đại đội 138 bị trúng gần 100 quả rốc-két, trận địa Đại đội 71 bị trúng 2 quả bom. Khẩu đội trưởng Phan Đăng Cát 2 lần bị thương vẫn không chịu rời trận địa, đến lần thứ 3 mới chịu giao cờ chỉ huy và ngã xuống trong vòng tay đồng đội. Tổ Tự vệ cảng Bến Thuỷ gồm 3 đồng chí: Phạm Quang Ngô, Nguyễn Quang Chung, Nguyễn Quang Thông chiến đấu vô cùng dũng cảm.
 
Đến 17 giờ ngày 5/8/1964 cuộc chiến mới kết thúc. Thêm 2 máy bay Mỹ phải đền tội trên bầu trời Khu 4, nâng tổng số máy bay Mỹ bị bắn rơi lên 6 chiếc.
 
Mặc dù đã được chuẩn bị kỹ, sử dụng nhiều biện pháp trinh sát và nghi binh, kết hợp giữa kỹ thuật hiện đại và các thủ đoạn chiến thuật cổ điển như: tạo thế bất ngờ, công kích từ nhiều hướng, nhưng 8 máy bay Mỹ đã bị bắn rơi, một số chiếc khác bị trúng đạn, 1 phi công bị bắt sống.
 
Ngày 7/8/1964, tại Hà Nội, Quân uỷ Trung ương và Bộ Quốc phòng tổ chức Lễ Tuyên dương công trạng các đơn vị đã có nhiều thành tích trong đánh thắng trận đầu 5/8/1964. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự, biểu dương các đơn vị địa phương nêu cao truyền thống, lập chiến công đầu. Người ân cần dặn dò: “Các chú đã thu được thắng lợi vẻ vang, nhưng chớ vì thắng lợi mà tự mãn. Chúng ta biết rằng: Đế quốc Mỹ và tay sai “đánh chết nhưng nết không chừa”, chúng còn nhiều âm mưu hung ác”.
 
Ghi sâu lời Bác dạy, lực lượng và thế trận phòng không nhân dân của cả nước bước vào thời kỳ mới, thời kỳ chiến đấu quyết liệt, chiến thắng vẻ vang, đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở miền Nam, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.
 
Đại tá Nguyễn Khắc Thuần