Zelensky tuyên bố Ukraine sẽ giành lại Crimea

7511850.jpgTổng thống mới đắc cử của Ukraine Vladimir Zelensky. Ảnh: Sputnik

Tổng thống mới đắc cử của Ukraina Vladimir Zelensky bày tỏ sự tin tưởng rằng Ukraina sẽ lấy lại Crimea. "Tôi tin rằng chúng ta sẽ giải phóng quê hương của người Tatar ở Crimea khỏi sự chiếm đóng. Cho dù con đường trở về Crimea có thể kéo dài bao lâu, chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua cùng với kyrymly (người Tatar ở Crimea). Chúng ta sẽ làm điều đó. Đừng quên rằng ngay cả đêm tối dài nhất cũng kết thúc bằng bình minh" - Zelensky viết trên Facebook.

Trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, đại diện của 20 dân tộc, bao gồm Hy Lạp, Armenia, Đức, Bulgari đã bị trục xuất khỏi Crimea vì bị tình nghi hoặc bị buộc tội phản quốc. Người Tatar ở Crimea phải chịu tổn thất nhiều nhất, khi đó hơn 183.000 người phải đi khỏi bán đảo. Cuộc trục xuất của họ bắt đầu vào ngày 18 tháng 5 năm 1944. Sau cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 3 năm 2014, Crimea trở thành một phần của Liên bang Nga và vào tháng 4 năm đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh về các biện pháp phục hồi cho người Tatar và các dân tộc khác của Crimea.

Mỹ cảnh báo các hãng hàng không khi bay qua vùng Vịnh

Các máy bay Mỹ làm nhiệm vụ ở vùng Vịnh. Ảnh: RFL

Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) vừa cảnh báo, các hãng hàng không cẩn trọng khi thực hiện các lộ trình bay qua vùng Vịnh vì lý do "các hoạt động quân sự đang được đẩy cao và căng thẳng chính trị gia tăng tại khu vực."

Cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Iran đang leo thang, bao gồm cả vùng không phận qua vịnh Oman. Nội dung cảnh báo được FAA công bố hôm 16/5 nêu rõ căng thẳng leo thang trong khu vực làm gia tăng nguy cơ các hoạt động hàng không dân dụng của Mỹ phải đối mặt với những sự cố được cho là sơ ý, như "nhầm mục tiêu" hay "tính toán sai". FAA cũng cảnh báo các chuyến bay trong khu vực này có thể gặp những sự cố "gián đoạn định vị GPS không chủ ý", "tắc nghẽn liên lạc" mà không được cảnh báo hoặc cảnh báo không đáng kể. 

EU gia hạn trừng phạt chính quyền Syria thêm 1 năm

EU gia hạn trừng phạt chính quyền Syria thêm 1 năm.

Liên minh châu Âu (EU) vừa quyết định gia hạn lệnh trừng phạt đối với chính quyền Tổng thống Syria Basha al-Assad thêm 1 năm.

Lý do dẫn tới quyết định này là do vẫn "tiếp diễn tình trạng đàn áp đối với người dân thường Syria”. Như vậy, danh sách trừng phạt mà Liên minh châu Âu áp đặt đối với Syria bao gồm 270 cá nhân và 70 tổ chức bị áp đặt lệnh cấm đi lại, cũng như bị đóng băng tài sản, kéo dài cho đến ngày 1/6/2020. Ngoài ra, Liên minh châu Âu cũng áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Syria, đồng thời cấm các thiết bị và công nghệ có thể được sử dụng để phục vụ cho mục đích đàn áp nội bộ.

Đánh bom ở Afghanistan khiến gần 20 người thương vong

Đánh bom ở Afghanistan khiến gần 20 người thương vong. Ảnh: Reuters

Ít nhất 4 dân thường thiệt mạng và 14 người khác bị thương trong vụ đánh bom tại huyện Obe, tỉnh Heart, miền Tây Afghanistan ngày 18/5. Vụ tấn công xảy ra gần văn phòng hành chính huyện Obe, sau khi 1 chiếc xe gắn máy có gắn bom phát nổ đúng thời điểm chiếc xe chở người đứng đầu huyện này đi ngang qua. Những người bị thương nhanh chóng được đưa tới bệnh viện gần nhất để điều trị. Trong số đó có một số người bị thương nghiêm trọng.

Vụ nổ với sức công phá lớn đã phá hủy 1 xe dân sự cùng xe chở người đứng đầu huyện này, khiến ông này và một số người khác trong xe bị thương. Đến nay chưa có cá nhân hay tổ chức nào đứng ra nhận thực hiện vụ đánh bom này. Giới chức địa phương nghi ngờ các tay súng Taliban là thủ phạm chính đứng đằng sau vụ việc. 

Phó Thủ tướng Áo từ chức sau bê bối video quay lén

Phó Thủ tướng Áo Heinz-Christian Strache. Ảnh: Reuters

Phó Thủ tướng Áo Heinz-Christian Strache ngày 18/5 trong một thông báo trên truyền hình cho biết, ông đã nộp đơn xin từ chức và được Thủ tướng Sebastian Kurz chấp thuận. Quyết định của Strache được đưa ra sau khi truyền thông Đức ngày 17/5 đăng video quay lén cho thấy ông đang thảo luận với một phụ nữ mà họ cho là cháu gái một tỷ phú Nga về việc đầu tư vào Áo. Cuộc gặp diễn ra tại một biệt thự trên đảo nghỉ dưỡng Ibiza, Tây Ban Nha, chỉ vài tháng trước cuộc bầu cử Quốc hội Áo năm 2017. Strache đã đề nghị dành những hợp đồng chính phủ cho một công ty Nga để đổi lấy sự ủng hộ về tài chính và chính trị.

Lãnh đạo đảng Tự do Áo cho rằng, ông là nạn nhân của một "âm mưu chính trị" nhằm phá vỡ liên minh cầm quyền. Strache khẳng định nếu được phát đầy đủ, đoạn video sẽ cho thấy ông không làm điều gì sai trái.