Bảo thủ, táo bạo và linh hoạt
Đó là những gì có thể nói về tân Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin. Ông Yassin được biết đến là một chính trị gia bảo thủ với quan điểm “Người Mã Lai trên hết” trong một xã hội đa sắc tộc. Sinh ra trong một gia đình trí thức Hồi giáo, Muhyiddin Yassin gia nhập đảng Tổ chức Quốc gia Malaysia (UMNO) theo chủ nghĩa dân tộc Malay ở bang Pagoh từ năm 1971 sau khi tốt nghiệp chuyên ngành kinh tế và nghiên cứu tiếng Malay. Kể từ đó, ông được coi là một nhân tố chủ chốt trong phe nhóm bảo thủ của UMNO. Chẳng bao lâu ông vươn lên giành vị trí phó chủ tịch của đảng.
Trong vòng 15 năm, ông đã đi từ một thành viên hội đồng điều hành bang đến Thủ hiến bang Johor và giữ chức vụ này từ năm 1986 - 1995. Sau đó ông đảm đương nhiều cương vị bộ trưởng trong các chính phủ tiền nhiệm suốt thời kỳ 1995 - 2015. Đó là Bộ trưởng Bộ Thanh niên và Thể thao, Bộ trưởng Bộ Thương mại và Tiêu dùng trong nước, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục.
Ông Muhyiddin Yassin cũng là nhân tố quan trọng giúp cựu Thủ tướng Najib Razak giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2008. Chính vì điều này giúp ông trở thành cánh tay đắc lực cho ông Najib với vai trò Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Ở giai đoạn này cả ông Najib và Muhyiddin Yassin đều nhận được sự ủng hộ của cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad cũng là thành viên kỳ cựu của Đảng UMNO.
Tuy nhiên, với quan điểm bảo thủ và tính nguyên tắc, ông Muhyiddin Yassin từng đi ngược lại bất cứ chính sách nào mà ông cho là không phù hợp. Đơn cử như khi đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Muhyiddin đã không ngần ngại dỡ bỏ chính sách từng được ca ngợi dưới thời ông Mahathir những năm 1990, về việc dạy Khoa học và Toán học bằng Tiếng Anh tại các trường công. Muhyiddin ra quy định dạy tiếng Mã Lai như ngôn ngữ chính trong tất cả các môn học với lý do đây là điều mà các bậc cha mẹ bảo thủ đều mong muốn.
Khi loạt vụ bê bối quỹ 1MDB đổ vỡ vào năm 2015, ông Muhyiddin cũng đứng ra công khai kêu gọi xem xét kỹ hơn về sự dính líu của Najib, trái ngược với hầu hết đồng nghiệp trong nội các đã chọn cách bảo vệ Najib. Theo Channel New Asia, sự bất đồng này khiến ông bị UMNO khai trừ, sau đó, chính trị gia này đã tham gia Bersatu và trở thành Chủ tịch điều hành của đảng do ông Mahathir Mohamad sáng lập. Sau khi Bersatu liên kết với đảng Công lý Nhân dân (PKR), Hành động Dân chủ (DAP) và Amanah để thành lập PH, ông được bầu là Phó Chủ tịch liên minh. Ông Muhyiddin giữ chức Bộ trưởng Nội vụ trong chính quyền của Thủ tướng Mahathir Mohamad cho tới khi ông Mahathir từ chức ngày 24/2 vừa qua.
Các nhà quan sát cho rằng, không phải ngẫu nhiên ông Muhyiddin được chỉ định làm Thủ tướng trong bối cảnh chính trị rối ren ở Malaysia. Một người có kinh nghiệm dày dặn và khả năng ứng biến linh hoạt như ông Muhyiddin được kỳ vọng “hàn gắn” những rạn nứt sâu sắc đang bao trùm trên chính trường Malaysia hiện nay. Song đây chắc chắn là thách thức lớn nhất trong sự nghiệp của vị chính khách này.
Chặng đường khó khăn
Báo chí khu vực gọi ông Muhyiddin là người thắng cuộc trong cuộc đấu giữa ông Mahathir Mohamad và Anwar Ibrahim. Thế nhưng vẫn còn quá sớm để biết được chiến thắng này có mang lại “trái ngọt”.
Ông Muhyiddin Yassin được chọn làm Thủ tướng mới của Malaysia nhưng chưa có gì để đảm bảo là ông giành được sự ủng hộ của đa số dân biểu trong quốc hội. Ngay trước lễ nhậm chức khoảng 1 giờ, người sáng lập đảng Bersatu nhà lãnh đạo Mahathir Mohamad đã tuyên bố ông Muhyiddin không phải là “Thủ tướng hợp pháp” vì không có được sự ủng hộ cần thiết từ các nghị sỹ.
Trước đó, ông Mahathir Mohamad cho biết đã có tổng cộng 114 nghị sỹ (trong số 222 nghị sỹ) để đề cử ông tiếp tục giữ chức thủ tướng. Điều này rất có thể sẽ dẫn đến những lộn xộn trong những ngày tới khi lực lượng ủng hộ cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad cho rằng ông mới là người có đủ số ghế cần thiết tại hạ viện (tối thiểu là 112/222 ghế) để có quyền lên làm thủ tướng. Có khả năng lực lượng này sẽ thúc đẩy một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại hạ viện. Dự kiến, Hạ viện Malaysia sẽ bắt đầu họp từ ngày 9/3. Đây sẽ là “mặt trận” đấu tranh tiếp theo giữa các phe phái ủng hộ các nhân vật khác nhau trên chính trường.
Kể cả khi ông có thể vượt qua “cuộc đấu” ở Hạ viện thì vẫn còn nhiều thách thức phía trước, trong đó có việc phân bổ các vị trí lãnh đạo trong đảng sẽ được tiến hành như thế nào, khi UMNO đang là lực lượng chiếm số ghế nhiều nhất?
Trong cuộc bầu cử cách đây 2 năm, liên minh PH gồm Bersatu lên nắm quyền một phần do cử tri mong muốn “hạ bệ” những chính trị gia UMNO từng bị cáo buộc là “tham nhũng và chuyên quyền”. Nay ông Muhyiddin sẽ phải đưa lãnh đạo của các phe phái, trong đó UMNO, vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt trong chính phủ mới, điều chắc chắn gây phản ứng trong cử tri Malaysia và là lý do để phe phản đối Muhyiddin công kích.
Như vậy có lẽ, tình trạng mất ổn định và bất định về chính trị quyền lực này sẽ kéo dài bao lâu và tác động tiêu cực đến đâu phụ thuộc vào quãng thời gian ngắn hay dài mà vị thủ tướng mới cần để có được sự ủng hộ của đa số dân biểu trong nghị viện.
Về phía người dân Malaysia, nhiều ý kiến mong muốn chính phủ quan tâm đến quyền lợi của họ, đưa đất nước thoát ra khỏi những khó khăn về kinh tế thay vì các chính đảng lao vào “cuộc chiến phe phái”. Bên cạnh đó, vấn đề kinh tế cũng đặt ra thách thức. Ông Muhyiddin lên nắm quyền trong bối cảnh bất ổn về chính trị đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình kinh tế-xã hội của đất nước, cộng thêm khó khăn do sự bùng phát dịch bệnh Covid-19 cũng như những tác động của tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu những năm qua. Do đó, mục tiêu duy trì ổn định của nền kinh tế vĩ mô được coi là ưu tiên cao nhất của tân Thủ tướng Muhyiddin và cũng là thách thức lớn để ông giành được sự tín nhiệm của người dân.