bna_mai_hoa_3585620_652019.jpgSáng 6/5, Ban Pháp chế HĐND tỉnh có cuộc làm việc với UBND huyện và Công an huyện Tân Kỳ theo chương trình giám sát công tác xử lý tai nạn giao thông và vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Minh Chi

Theo báo cáo của huyện, trong 2 năm 2017 - 2018 và 3 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn huyện xảy ra 32 vụ tai nạn giao thông; trong đó khởi tố trách nhiệm hình sự 10 vụ, 9 bị can.

Cũng qua tuần tra, kiểm soát của lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý vi phạm hành chính đối với 4.101 trường hợp (thuộc thẩm quyền Công an huyện).

Các vi phạm chủ yếu do người điều khiển phương tiện không đội mũ bảo hiểm; không có giấy phép lái xe; sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông; phương tiện không đảm bảo an toàn kỷ thuật… Điều đáng quan tâm là đối tượng vi phạm ATGT trong độ tuổi vị thành niên có chiều hướng gia tăng.

Công an huyện Tân Kỳ kiểm tra nồng độ cồn của người tham gia giao thông. Ảnh Minh Chi

Theo UBND huyện Tân Kỳ, trên địa bàn hiện có một số điểm đen giao thông thường xuyên xảy ra va chạm giao thông. Đó là 2 điểm trên đường Hồ Chí Minh giao cắt với các tuyến đường dân sinh vào trung tâm xã Nghĩa Bình và giao cắt với đường vào trung tâm hành chính huyện; điểm ngã tư Tâm Đồng; điểm giao cắt giữa Quốc lộ 48E, 48B và tỉnh lộ 545. Địa phương đã nhiều lần kiến nghị với Sở GTVT lắp đặt hệ thống tín hiệu giao thông nhưng đến nay chưa được thực hiện.

Các nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông trên địa bàn Tân Kỳ. Đồ họa: Hữu Quân
Việc giải tỏa vi phạm hành lang ATGT theo Nghị quyết số 56/2016 của HĐND tỉnh triển khai trên địa bàn cũng đang tồn tại những vướng mắc do lịch sử để lại, đó là nhiều trường hợp đất được cấp cho các tổ chức, cá nhân nằm trong hành lang ATGT. Bên cạnh đó, chính quyền một số cơ sở chưa vào cuộc quyết liệt.
Năm 2018, Tân Kỳ đã xử lý trách nhiệm đối với 11 cán bộ, công chức liên quan đến trách nhiệm trong giải tỏa vi phạm hành lang ATGT, trong đó có Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Công an, công chức địa chính xã.

Tại cuộc làm việc, trên cơ sở một số vấn đề mà các thành viên đoàn giám sát nêu, UBND huyện và Công an huyện cũng nêu một số vướng mắc, khó khăn trong việc xử lý các đối tượng vi phạm Luật Giao thông đường bộ.

Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ Hoàng Quốc Việt khẳng định, huyện đã quan tâm triển khai các giải pháp đảm bảo ATGT, gắn với xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu trong lĩnh vực này. Ảnh: Minh Chi
Đó còn là vấn đề xử lý tin báo, tố giác vi phạm về ATGT; xử lý xe “dù”, xe quá khổ, quá tải; vướng mắc trong cấp phép giao thông thủy nội địa…

Kết luận tại cuộc làm việc, Phó trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Thái Thị An Chung đánh giá cao sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương liên quan đến công tác đảm bảo ATGT và xử lý vi phạm hành chính về giao thông.

Tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn đều giảm cả 3 tiêu chí, đặc biệt là không xảy ra tai nạn nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Địa phương cũng đã triển khai quyết liệt các biện pháp đảm bảo ATGT, nhất là công tác giải tỏa vi phạm hành lang ATGT; trong xử lý các vụ TNGT được điều tra kịp thời và đúng quy định pháp luật; công tác xử lý vi phạm hành chính được tăng cường và đảm bảo nghiêm minh.

Công an huyện Tân Kỳ cho rằng, mức xử lý vi phạm hành chính cao nên tình trạng nhiều chủ phương tiện mô tô xe máy không đến giải quyết các phương tiện bị thu giữ. Ảnh Minh Chi

Phó trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh đề nghị UBND huyện và lực lượng Công an cần tăng cường chỉ đạo và phối hợp, nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, nhất là cơ sở liên quan đến công tác đảm bảo ATGT; gắn vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong việc chấp hành pháp luật về ATGT.

Bên cạnh đó chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành của nhân dân, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.