(Baonghean) - Đến cuối tháng 5, huyện Tân Kỳ đã thu hoạch xong lúa xuân, bà con nông dân đang gieo mạ, cày ải đất chuẩn bị sản xuất vụ mùa. Thế nhưng, hiện tại có tới 20% số hồ đập trên địa bàn huyện đã cạn kiệt nước, dự báo khoảng 30% diện tích đất sản xuất lúa vụ mùa sớm của huyện sẽ thiếu nước sản xuất.
Xã Kỳ Tân hiện có 2 con đập đang trong tình trạng không còn khả năng cung cấp nước tưới trong thời gian tới. Đó là đập Nhơm và đập Cây Khế. Đập Nhơm cung cấp nước tưới cho gần 50 ha, đập Cây Khế tưới cho hơn 20 ha đất sản xuất. Có mặt tại đập Cây Khế trong những ngày nắng nóng cực điểm này, chúng tôi thấy mực nước trong lòng đập đã xuống đến quá mực điểm chết, không còn khả năng cung cấp nước tưới. Người dân cho biết, cách đây nửa tháng, nước gần như khô đáy, nhưng mấy hôm trước có ít mưa, nên nước dâng lên chút ít, đục ngầu, nhưng chỉ dành cho trâu đằm mà thôi. Bởi thế, dưới đáy đập bây giờ, người dân địa phương đào đắp nhiều mương rãnh, sử dụng máy bơm để bơm nước vào cửa cống, lấy nước gieo mạ. Thế nhưng cống dẫn nước qua bờ đập và hệ thống mương dẫn nước đầu nguồn của đập Cây Khế nhiều chỗ bị sập, hư hỏng, nên lượng nước chảy rất yếu. Tình trạng này xẩy ra từ khá lâu, nhưng các cấp, ngành chưa có giải pháp khắc phục.
Đập Cây Khế của xã Kỳ Tân cạn nước, cống dẫn bị hỏng
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp huyện, thời điểm này Tân Kỳ có 20% công trình thủy lợi đang trong tình trạng cạn kiệt nước. Trong đó những công trình mực nước không còn khả năng tưới, như: đập Đồng Đảng (Nghĩa Hành), đập Hòa Bình (Nghĩa Phúc)… và 2 con đập ở Kỳ Tân nói trên. Nguyên nhân, do nắng nóng kéo dài, tỷ lệ bốc hơi bề mặt nước cao, và nước rò rỉ, thẩm thấu qua thân đập.
Do thiếu chủ động nguồn nước tưới, nhiều diện tích đất sản xuất chấp nhận chuyển sang mùa muộn, vì phải chờ khi trời mưa to mới có nước cấy. Kế hoạch của Tân Kỳ vụ mùa này gieo cấy 3.300 ha, trong đó cơ cấu 60% lúa lai, còn lại là các giống lúa thuần. Hiện nay, các đơn vị cung ứng giống và vật tư nông nghiệp trên địa bàn huyện đã chuẩn bị đủ số lượng, kịp thời cung ứng cho nông dân. Nhưng theo dự báo của huyện, có khoảng 30% diện tích sẽ thiếu nước dưỡng sau khi cấy. Do đó, bà con nông dân chủ động thay đổi sang gieo cấy giống lúa bao thai. Mặc dù huyện không cơ cấu gieo cấy giống lúa này, nhưng do giống lúa bao thai chịu hạn tốt, nên bà con đưa vào gieo cấy.
Trước thực trạng thời tiết đang nắng nóng kéo dài, UBND huyện Tân Kỳ chỉ đạo các địa phương chuẩn bị phương án tận dụng nguồn nước tối đa tại các hồ đập, như sử dụng máy bơm để bơm chuyền từ lòng đập lên cửa cống. Huyện cũng đang sử dụng nguồn kinh phí từ thủy lợi phí và các nguồn khác để tu sửa kênh mương, cống rãnh để sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả.