Tạo đồng thuận trong nhân dân
Xã Nghĩa Đồng và xã Tân Phú là những địa phương “cán đích” NTM đầu tiên của huyện Tân Kỳ, ngày một rõ lên diện mạo nông thôn mới: Những hàng cây trồng mới hai bên giúp cảnh quan đường làng, ngõ xóm thêm xanh - sạch - đẹp, góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.
Những nhà văn hóa được xây dựng khang trang, sạch đẹp, thu hút các tầng lớp nhân dân tập luyện văn nghệ, thể dục thể thao. Đời sống tinh thần, vật chất của người dân không ngừng được cả thiện.
Hiến đất làm đường Nông thôn mới ở Kỳ Tân - Tân Kỳ. Ảnh: Tư liệu Ông Nguyễn Công Trung - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tân Kỳ cho biết: Khi bắt tay thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, Tân Kỳ xuất phát điểm thấp. Bởi vậy, ngay từ đầu huyện xác định, để xây dựng NTM đích thực, hiệu quả, bền vững, các địa phương trong huyện đã không chạy theo thành tích, phong trào, mà cái cốt yếu nhất là phải tạo ra được sự đồng thuận cao trong nhân dân.
Cần phải hiểu người dân muốn gì, cần gì chứ không áp đặt chủ trương, chính sách máy móc, gây lãng phí tiền của, công sức của nhân dân, thậm chí dẫn đến gây bất bình trong cộng đồng xã hội.
Hàng năm, huyện Tân Kỳ đều đẩy mạnh công tác tuyên truyền về xây dựng NTM; tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, trong đó chú trọng công tác hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao; huy động mọi nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn...
Huyện Tân Kỳ huy động mọi nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Ảnh: Tư liệu Từ đó, trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo. Điển hình như mô hình chăn nuôi dê, trâu, bò ở các xã Nghĩa Bình, Nghĩa Đồng, Nghĩa Hợp, Tân Phú… mô hình trồng cây có múi ở các xã Tân An, Tân Phú, Nghĩa Hoàn…
Nhiều công trình hạ tầng nông thôn được đầu tư xây mới, nâng cấp từng bước đáp ứng được nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân; chất lượng giáo dục, y tế, công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân được nâng lên rõ rệt; đời sống văn hóa tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, các hoạt động văn hóa, thể thao được duy trì và phát triển.
Trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng NTM đã xuất hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo, phát huy được sức mạnh to lớn của nhân dân trong xây dựng NTM.
Nói về những kết quả trong xây dựng NTM ở huyện Tân Kỳ, nổi bật là hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn ngày càng hoàn thiện, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. 100% các xã có đường giao thông đến trung tâm xã được rải nhựa và bê tông hóa; 100% thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm thôn, bản; 100% xã có trạm y tế; trường học được kiên cố hóa, hệ thống nhà văn hóa tại các thôn, xóm đã và đang được đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu hội họp, vui chơi của người dân.
Trong xây dựng NTM, các địa phương trên địa bàn huyện Tân Kỳ đã chú trọng đầu tư xây dựng trường học đạt chuẩn. Ảnh: Xuân Hoàng Cùng đó, công tác an sinh xã hội và nâng cao đời sống vật chất - tinh thần cho người dân cũng được quan tâm, thông qua các chương trình đào tạo nghề, xuất khẩu lao động, hỗ trợ tạo việc làm, hỗ trợ vay tín dụng... Hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng được củng cố; tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững và ổn định, dân chủ cơ sở được phát huy... Nhờ đó, đến nay huyện Tân Kỳ đã có 12/21 xã đạt chuẩn NTM, riêng năm 2019 có 4 xã được UBND tỉnh ký quyết định đạt chuẩn NTM; bình quân gần 16 tiêu chí/xã và có 21 thôn, bản đạt chuẩn NTM.
Một điểm nhấn nữa trong xây dựng NTM ở huyện miền núi này, đó là việc phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, gắn với tiêu thụ sản phẩm và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất. Việc bố trí cơ cấu cây trồng, vật nuôi có lợi thế, nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh vùng miền, đã và đang có được những chuyển biến bước đầu. Từ các nguồn vốn được phân bổ của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM và lồng ghép các chương trình dự án khác, huyện Tân Kỳ đã triển khai nhiều mô hình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, thu hút hàng nghìn lượt hộ dân tham gia.
Tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền
Như đã đề cập, huyện Tân Kỳ có xuất phát điểm về kinh tế thấp so với mặt bằng chung toàn tỉnh. Trong đó, sản xuất tuy có bước phát triển nhưng chưa thực sự bền vững, thị trường tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn. Nhận thức, trình độ, năng lực của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân về chương trình xây dựng NTM còn hạn chế.
Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng với yêu cầu CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Nhu cầu vốn để triển khai thực hiện theo quy hoạch NTM là quá lớn so với tiềm năng và các nguồn lực của địa phương. Ngoài ra, công tác xóa đói, giảm nghèo ở một số nơi chưa bền vững… tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước vẫn còn tồn tại trong một bộ phận người dân; vấn đề vệ sinh môi trường nông thôn nhiều nơi chưa được chú trọng đúng mức.
Một góc thị trấn Tân Kỳ. Ảnh: Sách Nguyễn
Vì vậy, để tiếp tục thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, với phương châm “Xây dựng NTM là nhiệm vụ thường xuyên và liên tục, có điểm khởi đầu mà không có kết thúc”, thì bên cạnh sự nỗ lực của các cấp, các ngành, rất cần sự chung sức, đồng lòng của người dân để chương trình NTM của địa phương đi vào thực chất, bền vững.
Trong năm 2020 và những năm tiếp theo, huyện Tân Kỳ xác định tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về xây dựng NTM; phát triển sản xuất theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; xây dựng các mô hình phát triển sản xuất; duy trì và nâng cao tiêu chí xã đã đạt chuẩn NTM.
Trong năm 2019, tổng số vốn huyện Tân Kỳ huy động đầu tư vào Chương trình MTQG xây dựng NTM hơn 814 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương gần 29 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 116 tỷ đồng, ngân sách huyện 55 tỷ đồng, ngân sách xã 32 tỷ đồng, vốn lồng ghép 10 tỷ đồng, vốn tín dụng 520 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp 8,5 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 35,5 tỷ đồng. Năm 2020, huyện Tân Kỳ phấn đấu huy động trên 810 tỷ đồng đầu tư thực hiện xây dựng NTM.