(Baonghean) - Với diện tích 5.000 ha mía, huyện Tân Kỳ được xếp vào tốp những địa phương có diện tích mía lớn ở tỉnh ta. Hiệu quả của cây mía đã rõ, nhưng hạn chế của người dân là chưa mạnh dạn đầu tư chiều sâu để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng và đặc biệt là còn xem nhẹ việc áp dụng tiến bộ KH- KT, nhất là các biện pháp phòng chống dịch bệnh, nên "chồi cỏ" lây lan trên diện tích hơn 1.700 ha.

Tân Kỳ hiện ổn định diện tích mía đứng từ 4.500 - 5.000 ha, đủ nguyên liệu phục vụ hoạt động cho Công ty CP Mía đường Sông Con (công suất 2.600 tấn mía/ngày). Song doanh nghiệp canh cánh nỗi lo đói mía, bởi năng suất, chất lượng của cây mía ngày càng giảm sút. Năm nay, năng suất mía bình quân chỉ 57,5 tấn/ha, giảm so với vụ trước 1,5 tấn. Nếu nhân rộng ra diện tích cả huyện cho thấy mức độ thiệt hạikhông nhỏ chút nào. Thủ phạm gây nên tình trạng này chính là bệnh "chồi cỏ".

773128_small_71415.jpg

Người dân Tân Kỳ chăm sóc diện tích mía mới trồng


Năm 2008 - 2009 người trồng mía Tân Kỳ lao đao vì bệnh "chồi cỏ". Vụ ép 2010 - 2011, người dân Tân Kỳ lại "đau đầu" vì bệnh "chồi cỏ" trên cây mía. Tuy nhiên, do thiếu sự quản lý, chỉ đạo chặt chẽ của chính quyền địa phương nên người dân thực hiện chưa triệt để và rút cuộc dịch bệnh "chồi cỏ" lại bùng phát trở lại trên diện tích bị nhiễm nhẹ mà trước đây người dân xử lý bằng cách đào bỏ gốc, trồng dặm lại. Cuối tháng 11/2011, thời kỳ mía bắt đầu chín và chuẩn bị thu hoạch thì diện tích mía bị bệnh lây lan lên đến hơn 1.734 ha (diện tích bị nhiễm nặng và trung bình là hơn 1.386,70 ha, nhiễm trung bình 629,35 ha và nhiễm nhẹ 347,47 ha). Điều này chứng tỏ rằng, bệnh "chồi cỏ" nếu không được xử lý triệt để thì mức độ nguy hại càng tăng.

Trước tình trạng "chồi cỏ" ngày càng diễn biến phức tạp, huyện Tân Kỳ đã xây dựng kế hoạch xử lý kịp thời. Theo đó, các cơ quan, ngành chức năng đều vào cuộc tích cực và công việc được triển khai từ cuối tháng 12/2011, kéo dài đến hết tháng 2/2012 với mục tiêu: Thu hoạch mía đến đâu tiến hành xử lý triệt để bệnh đến đó. Kiên quyết thực hiện đúng kế hoạch, trên diện tích bị nhiễm trung bình và nặng thì phá bỏ và luân canh cây trồng khác từ 1-2 năm. Đối với diện tích nhẹ, sau khi mía phát triển, nếu phát hiện bệnh thì tổ chức đào bỏ, nếu xẩy ra trên diện tích lớn thì sử dụng thuốc hóa học có hoạt chất Glyphosate để xử lý.

Ông Nguyễn Bá Thức - Trưởng phòng NN&PTNT Tân Kỳ cho biết: "Đến nay, trên địa bàn huyện đã tiến hành thu hoạch trên 2.800 ha mía và qua kiểm tra, theo dõi người dân đã chấp hành tốt lịch thu hoạch và các biện pháp xử lý bệnh chồi cỏ hại mía. Xử lý đến đâu tiến hành trồng mới mía đến đó. Quyết tâm hoàn thành kế hoạch trồng mới 1.800 ha trong thời gian sớm nhất".


Một vấn đề được người dân quan tâm hiện nay là việc thực hiện Quyết định số 45/2011 UBND tỉnh Nghệ An về cơ chế, chính sách hỗ trợ cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiên tai, dịch bệnh cần kịp thời hơn. Trong đó, kinh phí hỗ trợ cho diện tích bị nhiễm "chồi cỏ" phải cày phá trồng lại là 2 triệu đồng/ha.

Để cùng chia sẻ khó khăn với người nông dân, Công ty CP Mía đường Sông Con đã chuẩn bị đủ nguồn giống tốt, sạch bệnh, cung ứng vật tư, phân bón, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con trồng mới, trồng lại, trồng dặm đúng thời vụ. Phân công cán bộ kỹ thuật tham gia cùng bà con tiến hành việc xử lý bệnh chồi cỏ hại mía, cùng với đó ban hành chính sách đầu tư, hỗ trợ kịp thời cho người dân như: Trên diện tích bị nhiễm bệnh trung bình và nặng 30% số khóm, cày phá trồng lại được hỗ trợ 2.000 kg phân bón và 500 kg vôi/ha; cho vay trước phân bón, giống mía sạch bệnh; những diện tích nhiễm nhẹ (đào bỏ khóm bệnh, gốc bệnh) chi trả 300 đồng/gốc...

Tuy nỗ lực để cùng đồng hành với người trồng mía trong việc chống lại dịch bệnh, nhưng có thể thấy rằng, rất khó loại trừ nguy cơ tái diễn bệnh "chồi cỏ". Chính vì vậy, ngoài sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của các cấp, ngành thì ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc phòng chống bệnh có vai trò quyết định.


Hoàng Vĩnh