Phát biểu tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến xoay quanh đến các cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là sau khoảng thời gian bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid – 19.
Cụ thể, theo báo cáo của UBND tỉnh về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ và giải pháp 6 tháng cuối năm 2020 có nêu rõ mục tiêu về việc tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tạo thuận lợi về tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế, bảo hiểm xã hội, lao động… Trong đó, có đề xuất phương án giảm giá thuê đất tại các khu, cụm công nghiệp trên cơ sở giảm khung giá thuê đất của Nhà nước đối với quy hoạch đất công nghiệp để thu hút đầu tư.
Tuy nhiên, theo đại biểu Trương Văn Hùng tại đơn vị bầu cử huyện Thanh Chương, nếu không có một cơ chế mang tính đột phá thì việc cụ thể hóa các chính sách này trong thực tiễn sẽ khó được thực hiện.
Bởi trước đó, dù Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 89/2017/TT-BTC hướng dẫn một số điều của Nghị định 35/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước trong Khu kinh tế, Khu công nghệ cao. Thông tư quy định rõ các nguyên tắc áp dụng miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước... nhưng để doanh nghiệp tiếp cận được với những cơ chế này còn nhiều khó khăn.
Liên quan đến tính khả thi trong huy động nguồn lực cho các công trình trọng điểm của tỉnh, đại biểu Trần Đình Toàn – Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh nêu rõ khó khăn khi nhiều dự án trọng điểm còn thiếu nguồn vốn đầu tư. Cụ thể, đối với dự án Đại lộ Vinh – Cửa Lò còn thiếu 526 tỷ đồng; dự án Đường ven biển Nghi Sơn – Cửa Lò còn thiếu 396 tỷ đồng; dự án đường Mường Xén – Ta Đo – Khe Kiền còn thiếu hơn 562,7 tỷ đồng…
Cùng với đó, tính đến 3/5/2020 còn 2.379 dự án tồn đọng chưa được quyết toán (khối huyện 220 dự án, khối sở, ngành 120 dự án). Đề nghị cần giải trình rõ nguyên nhân, trách nhiệm và tìm ra giải pháp để khắc phục thực trạng trên.
Phát biểu tại phiên thảo luận, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Hoa cho rằng, để thu hút các dự án đầu tư vào Nghệ An, cần xây dựng cơ chế đột phá cho các doanh nghiệp có dự án trọng điểm đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy đồng ý chủ trương. Đặc biệt là các dự án lớn có tác động lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh. Trong đó, việc giảm giá thuê đất là một trong những nội dung quan trọng đang được các doanh nghiệp quan tâm.
Lý do là bởi khung giá đất ở Nghệ An so với các tỉnh lân cận như Hà Tĩnh, Thanh Hóa vẫn còn cao. Đặc biệt, giá thuê đất chưa có sự phân loại cụ thể theo từng vị trí chiến lược. Điều này có thể không ảnh hưởng nhiều đối với các doanh nghiệp nhỏ, lẻ nhưng gây ảnh hưởng nhiều tới các doanh nghiệp lớn, nhất là lĩnh vực đầu tư hạ tầng khu công nghiệp.
Cùng với đó, dù các chỉ số về năng lực cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh Nghệ An trong thời gian qua đã có nhiều bước tiến, nhưng so với nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp thì vẫn còn chậm.
Trên tinh thần dân chủ, thẳng thắn, các đại biểu của tổ 3 còn thảo luận nhiều vấn đề mà cử tri trong tỉnh quan tâm như: bố trí, sắp xếp cán bộ dôi dư và các vấn đề nảy sinh sau sáp nhập xã; công tác bảo đảm an ninh, trật tự tại cơ sở sau khi bố trí công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã; khắc phục tình trạng thiếu nước trong sản xuất; tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào xây dựng mô hình nông nghiệp…
Kết luận phiên thảo luận, đồng chí Nguyễn Hữu Vinh – Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thanh Chương ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến góp ý trách nhiệm, trí tuệ của các đại biểu. Các ý kiến sẽ được tổng hợp để trình HĐND tỉnh.