Ấn tượng sâu đậm nhất khi chúng tôi ghé thăm nhà cụ Phan Tố Đức (SN 1916) ở xóm Kim Tiến, xã Võ Liệt (Thanh Chương) là những tập báo được xếp ngay ngắn theo thứ tự ngày, tháng. “Tôi được cấp báo Nghệ An theo diện lão thành cách mạng, tờ báo trở thành món ăn tinh thần hàng ngày, giúp nắm bắt được những thông tin quan trọng...” – cụ chia sẻ.
Tạm gấp lại trang báo, cụ Phan Tố Đức bắt đầu kể về cuộc đời mình: “Ngày xưa, vùng đất Võ Liệt này nghèo lắm, lại bị cường hào, phong kiến bóc lột bằng sưu cao, thuế nặng. Gia đình tôi cũng rất nghèo, lại đông anh em, bố mẹ vất vả các con không được học nhiều. Nhưng phải nói là nhờ có một ít chữ nghĩa nên tôi có cơ hội kết giao bạn bè, được tiếp nhận những luồng tư tưởng mới qua sách báo nên sớm được giác ngộ lý tưởng cách mạng”.
Vị lão thành ấy vẫn còn lưu giữ trong ký ức của mình không khí đấu tranh quyết liệt năm 1930 – 1931 với dòng người cuồn cuộn đi dọc sông Lam, cờ búa liềm tung bay phấp phới kéo về phủ đường đấu tranh. Khi ấy, mới 14-15 tuổi nhưng cậu bé Phan Tố Đức đã bắt đầu nhận thấy được sức mạnh của lực lượng quần chúng và vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng, dù chưa được gặp bao giờ.
Lớn thêm một tí, chàng thanh niên đất Võ Liệt được những người cấp tiến lựa chọn và giao việc liên hệ với những thanh niên tiến bộ trong vùng tổ chức đọc sách báo, tuyên truyền đường lối cách mạng cho các tầng lớp nhân dân. Như con cá trong chậu lâu ngày được bơi ra dòng suối mát lành, Phan Tố Đức tích cực hoạt động, tập hợp được khá đông đảo anh em, bạn bè lứa tuổi thanh niên và chia thành ba nhóm để đọc sách, báo, tài liệu, truyền đơn rồi về tận các xóm làng để tuyên truyền đường lối đấu tranh cách mạng.
Công việc này nguy hiểm không kể xiết, vì bọn lý trưởng luôn cho lính túc trực và theo dõi khắp nơi, hễ có khả nghi là báo lên tổng, phủ kéo quân về vây ráp. Được cái bà con nhân dân luôn sẵn lòng bao bọc, che chở, bởi sống kiếp nô lệ với sưu, thuế nặng nề ai cũng muốn có một sự thay đổi, một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Với sự hăng hái, nhiệt tình cùng với lòng trung thành và ý thức trách nhiệm, tháng 8/1940, Phan Tố Đức được đứng vào hàng ngũ của Đảng, tiếp tục được giao phụ trách công tác tuyên truyền. “Buổi lễ kết nạp diễn ra ở bãi sông, xung quanh là cánh đồng ngô bạt ngàn, có đủ thành phần theo quy định, có cờ Đảng và tôi dõng dạc đọc thời thề. Khỏi phải kể hết niềm vui sướng và vinh dự, tự hào nhưng cũng xác định được trọng trách nặng nề, đã gần 80 năm nhưng kỷ niệm còn in đậm trong trí nhớ, đó là những giây phút không bao giờ quên” – cụ Đức tâm sự.
Người đảng viên trẻ ngày càng nhận thấy rõ đường hướng, triển vọng của cách mạng nên càng hăng say và tích cực hoạt động, hòa mình vào phong trào của quần chúng để ngày càng thêm trưởng thành. Từ đó, xúc tiến việc thành lập Chi bộ Đảng ở Võ Liệt, nhằm thúc đẩy phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ hơn ở vùng quê giàu truyền thống yêu nước và đấu tranh này.
Khi phong trào ở Võ Liệt bắt đầu phát triển rầm rộ, đa số quần chúng nhân dân đã hiểu được đường lối và giác ngộ cách mạng, chi bộ Đảng quyết định mở rộng phạm vi tuyên truyền sang các xã khác trong vùng. Đảng viên Phan Tố Đức trong vai người thầy dạy học tìm xuống vùng Quảng Xá (nay là xã Thanh Hà) để tuyên truyền đường lối đấu tranh. Đến đây, cụ nhận dạy kèm cho hai đứa trẻ con của một gia đình tương đối khá giả, mỗi khi có cơ hội là đi khắp xóm làng, vào tận từng nhà để tổ chức đọc sách, báo, vận động bà con đi theo cách mạng.
Người tìm đến nghe cụ nói chuyện, đọc sách báo ngày một đông, có những đêm mọi người tập trung đến 2 giờ sáng để được nghe giảng về con đường đấu tranh cách mạng được nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc đã vạch ra. Việc làm ấy bị bọn hào lý phát hiện và báo cấp trên, cụ Phan Tố Đức bị theo dõi từng đường đi, nước bước. Một hôm vào tháng 7/1940, đang ăn cơm trưa cùng gia đình chủ nhà, tên lý trưởng Quảng Xá bất chợt ghé vào hỏi han những câu bâng quơ, rồi bọn lính từ đâu ập vào giải cụ Đức lên huyện đường.
Từ huyện đường Thanh Chương, chúng giải cụ Phan Tố Đức lên đồn Rạng (nay là xã Thanh Phong) để tra tấn và khai thác thông tin về tổ chức. Ở đây, cụ phải oằn mình hứng chịu ba trận đòn roi vô cùng dã man và vô nhân tính, kẻ thù đã dùng búa và gậy sắt nện vào đầu, lưng, và tay chân của người cộng sản kiên trung.
Trận đòn thứ ba, chiếc gậy sắt phang ngang lưng khiến cụ Đức khuỵu xuống, sống lưng bị rạn, đau đớn đến cực cùng. Không khai thác được gì, chúng chuyển cụ về nhà lao Vinh và tiếp tục hứng chịu đòn roi tàn bạo của kẻ thù. Đau đớn và tủi cực, nhưng người con đất Võ Liệt nhất mực không khai lấy một lời, chỉ nói đúng một câu: “Tôi làm nghề dạy học, không biết ai là cộng sản”.
Trong nhà lao Vinh, Phan Tố Đức đã được gặp những chiến sỹ cách mạng kiên trung của quê hương như Trần Văn Quang (sau này là Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) Lê Nam Thắng (sau này là Thiếu tướng, Tư lệnh Quân khu 4). Đó là những người bạn, người đồng chí, anh em thực sự xuất chúng, giỏi về cả lý luận và kinh nghiệm thực tiễn đấu tranh, chính họ đã góp phần giúp cụ Đức vượt qua những giờ phút đau đớn nhất để niềm tin vào ngày mai luôn vững bền.
Sau 6 tháng giam giữ, cụ Phan Tố Đức bị tòa án của thực dân Pháp kết án 12 năm tù giam và đày vào nhà đày Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) – nơi được dùng để giam giữ, đày ải tù nhân chính trị và nổi tiếng bởi đòn roi tra tấn tàn bạo. Dẫu bị tra tấn và kìm kẹp đến nghẹt thở, chiếc cùm sắt không mấy khi rời khỏi đôi chân gầy guộc, rồi những đêm lạnh thấu xương không đủ áo quần và chăn chiếu, những bữa ăn toàn gạo mốc và cá thối, cụ Đức và những người đồng chí của mình vẫn tiếp tục cuộc đấu tranh.
Lớp học văn hóa, tuyên truyền lý luận cách mạng vẫn được mở ra, sách báo được bí mật đưa vào, các cuộc đấu tranh đòi cải thiện bữa ăn, ốm đau được chữa trị liên tiếp nổ ra, buộc kẻ thù phải nhượng bộ. Trong những ngày bị đày ải nơi cao nguyên nắng cháy, cụ Phan Tố Đức có dịp hội ngộ với người đồng hương thuộc thế hệ đàn anh, bị đày vào đây từ mấy năm trước.
Người tù đồng hương đã chép tặng bài thơ viết năm 1931 của một người tù cộng sản bị giam ở ngọc Kon Tum, nay cụ Đức còn nhớ và ghi vào cuốn sổ tay nhỏ. Bài thơ viết về cuộc đấu tranh trong tù ngục, cổ vũ tinh thần đấu tranh, có đoạn: “Trước cái chết cùng nhau đứng dậy/Quyết hy sinh chống tụi dã man/Bất bằng chịu vậy sao an/Vạch mặt đế quốc, moi gan quan trường/Quyết phản đối làm đường Đắc-pét/Dẫu xương tan, thịt nát quản chi...”.
Những ngày cuối tháng 8/1945, cả nước sục sôi trong phong trào tổng khởi nghĩa giành chính quyền, nhà đày Buôn Ma Thuột được giải phóng, niềm vui vỡ òa. “Lúc ấy, anh em chúng tôi ôm chầm lấy nhau mà khóc, khóc vì sung sướng và hạnh phúc. Lại nhận được tin ở quê nhà đã giành được chính quyền, bà con đang vô cùng phấn khởi, tôi càng thấy tự hào hơn...” – cụ Phan Tố Đức chia sẻ.
Cách mạng thành công, cụ Phan Tố Đức trở về quê hương và đảm trách công tác tuyên truyền của tỉnh cho đến ngày nghỉ hưu. Giờ tuổi đã cao, con cháu đều đã thành đạt, nhiều người có học vị tiến sỹ và thạc sỹ, niềm vui hàng ngày là đọc báo để cập nhật thông tin về sự đổi thay và khởi sắc của quê hương, đất nước.