Qua câu chuyện kể về mẹ đầy xúc động của thầy Nguyễn Sỹ Hùng, giáo viên trường THPT Anh Sơn 2, tôi đến tận nhà thầy tại thôn 8, xã Lĩnh Sơn, Huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An để được gặp cụ bà Nguyễn Thị Hợi - người vừa được nhận huy hiệu 70 năm tuổi Đảng vào dịp tháng 11/2017 vừa qua.
Năm nay đã 90 tuổi, mái tóc bạc trắng nhưng phong thái, thần sắc cụ Nguyễn Thị Hợi còn rất nhanh nhẹn. Lúc nào cụ cũng nở nụ cười thật hiền và có một lối sống tích cực, hòa đồng với bà con lối xóm.
Lần theo cuốn gia phả gia đình, cụ bà Nguyễn Thị Hợi bí danh là Hồng Nhân, sinh ngày 25/7/1927. Cụ hoạt động cách mạng từ năm 18 tuổi, từ năm 1945 cụ đã tham gia cướp chính quyền và vào hội Phụ nữ Cứu quốc, làm cán sự trưởng làng Phú Lĩnh. Vào năm 1948, cụ được bầu vào Ban chấp hành Phụ nữ Cứu quốc xã Lạng Sơn (Anh Sơn). Vào ngày 11/10/1948, cụ được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Từ năm 1949 - 1953, cụ là Chi ủy viên Hội trưởng Phụ nữ xã Lạng Sơn, Ủy viên BCH Hội LHPN huyện Anh Sơn. Năm 1954, cụ làm đội phó đi giảm tô đợt 4 ở xã Hà Trung (Thanh Hóa), đi giảm tô đợt 5 ở Nông Cống (Thanh Hóa). Tháng 8/ 1954, cụ tham gia tiếp quản vùng giải phóng thị xã Đồng Hới (Quảng Bình). Năm 1955, cụ tiếp tục làm đội phó đi giảm tô ở Sơn Trạch, Bố Trạch (Quảng Bình). Năm 1956, làm đội trưởng tham gia cải cách ở Quảng Bình và xây dựng cơ sở ở Cửa Tùng, Vĩnh Linh. Năm 1957, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, cụ xin về địa phương và được bổ sung vào Ban chấp hành Phụ nữ Xã Lĩnh Sơn với vai trò Phó chủ tịch hội. Năm 1959, cụ được bầu vào Hội đồng Nhân dân, Ủy viên ủy ban xã cho đến năm 1966, cụ giữ chức Chủ tịch Hội LHPN xã Lĩnh Sơn.
Không những thế, cụ Nguyễn Thị Hợi còn là vợ liệt sĩ Nguyễn Sỹ Thanh (SN 1925), người chiến sĩ dũng cảm từng chiến đấu ở nhiều chiến trường: Thanh Hóa, Vĩnh Linh, Lào … và từng giữ chức vụ Tham mưu phó BCH Quân sự tỉnh Bến Tre. Cụ Nguyễn Sỹ Thanh hy sinh anh dũng vào năm 1971. Theo lời của cụ Hợi, tính ra hơn hai mươi năm lấy nhau nhưng thời gian sống chung với nhau chỉ có ba tháng mấy ngày. Đến năm 1977 cụ mới nhận được giấy báo tử của chồng.
Biến đau thương thành hành động cách mạng, cụ Hợi ngậm ngùi nuốt nước mắt vào trong, lao vào công việc, nuôi dạy hai đứa con thơ nên người. Cụ say sưa làm như thế để quên đi nỗi đau thương, mất mát, từ đảm nhiệm tốt công tác đồng áng đến công tác phụ nữ ở Ban chấp hành hội phụ nữ huyện Anh Sơn. Từ năm 1980 đến năm 1986, cụ Hợi đượcc bầu vào Ban chấp hành Đảng bộ, phụ trách hội phụ nữ và Ban kiểm soát Hợp tác xã Vĩnh Phú. Năm 1987 đến năm 1995 cụ làm ba khóa bí thư chi bộ. Đến năm 1996, mới xin nghỉ. Cụ kể lại: Có lúc đi họp, cụ phải kẹp cả hai con theo, một tay bồng đứa bé, lưng thì cõng đứa lớn. Không phụ sự vất vả, lo toan và tình thương của mẹ, con trai của cụ là Nguyễn Sỹ Hùng luôn nỗ lực học tập. Sau khi hết cấp 3 đỗ vào Trường ĐHSP Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Hiện thầy Hùng đang công tác tại trường THPT Anh Sơn 2.
Những nỗ lực, cố gắng của cụ Hợi được Đảng và Nhà nước ghi nhận, tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, huân chương vì sự nghiệp Giải phóng Phụ nữ, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng,...
Giờ đây, khi chiến tranh đã lùi xa, hễ có thời gian cụ Hợi lại đắm mình trong ký ức về những năm tháng hoạt động, cống hiến miệt mài trên các chiến trường vào Nam, ra Bắc hoặc ở địa phương. Đặc biệt cụ còn ghi chép lại trong cuốn gia phả của dòng họ, gia đình về truyền thống yêu nước của cha ông và của chính vợ chồng cụ. Tình yêu đất nước, gia đình, quê hương và lý tưởng sống cao đẹp của một đảng viên tràn đầy nhiệt huyết, say mê chính là động lực lớn nhất để cụ vượt qua mọi chông gai thử thách, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng và Nhân dân đã giao phó. Cuộc đời của cụ - một người phụ nữ kiên trung, bất khuất, đảm đang, anh hùng là tấm gương sáng cho bao thế hệ sau noi gương và phấn đấu.