Trung bình mỗi năm, các thầy thuốc ở Bệnh viện Nhi Nghệ An có 20-25 đề tài, công trình nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, 1-2 đề tài cấp ngành và cấp tỉnh, là một trong những đơn vị tiêu biểu của ngành trong phong trào nghiên cứu khoa học. Từ những trăn trở trong công việc thường ngày, bằng tâm huyết, trách nhiệm "những người áo trắng" ấy đã lặng lẽ góp nên những kinh nghiệm quý báu của cá nhân mình vào sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ cho trẻ em.
Trăn trở từ thực tiễn
Vào thời điểm năm 2007, có nhiều bệnh nhân nhi, chủ yếu ở lứa tuổi giống nhau đến khám tại Bệnh viện Nhi Nghệ An vì bị lệch vai (biến dạng cơ, xương bả vai và lồng ngực). Đầu tiên, căn bệnh " lạ" này xuất hiện nhiều ở Nghi Xuân- Hà Tĩnh. Bác sỹ Dương Công Hoạt (Giám đốc Bệnh viện) và nhiều y, bác sỹ khác không khỏi trăn trở. Ông lục tìm trong y văn, hỏi han rất kỹ từng bệnh nhân và thấy rằng, từ những năm 60 đã có các báo cáo về bệnh này ở một số ít quốc gia trên thế giới, như: Nhật Bản, Đài Loan, Ấn Độ. Bệnh có đặc điểm phân theo địa dư khá rõ rệt.
Trong sách giáo khoa của các trường y cũng không thấy đưa bệnh này vào giảng dạy. Vì vậy, phần lớn các thầy thuốc đều không biết về bệnh này. Còn ở Việt Nam, theo báo cáo của ngành y tế thì con số mắc bệnh này tính đến tháng 6-2006 là 10.539 trường hợp. Có những vùng mắc tỷ lệ khá cao: chỉ 3 xã ở Hà Tĩnh, nơi mà Bệnh viện Nhi Trung ương nghiên cứu, tỷ lệ mắc là trên 20%. Còn tại Nghệ An, bệnh được phát hiện và điều trị từ tháng 3-2006, chủ yếu ở lứa tuổi 7-15 tuổi với điều tra ban đầu lên tới 2000 ca cần phải phẫu thuật.
Bác sỹ Hoạt cũng nhận thấy có thể vào một thời điểm nào đó, các bệnh nhân này đã từng bị bệnh dịch và cùng phải tiêm thuốc kháng sinh vào bắp tay. Đây có thể là một nguyên nhân khiến căn bệnh này xuất hiện đồng loạt ở các bệnh nhân cùng độ tuổi. Cho đến cuối năm 2007, phần lớn các ca bị xơ hóa cơ delta tại Nghệ An đã được phẫu thuật hoặc hướng dẫn phục hồi chức năng song kết quả điều trị cũng chưa có báo cáo đánh giá, nguyên nhân gây bệnh và phương pháp điều trị cũng còn nhiều bàn cãi.
Chính vì vậy, ông đã quyết định thực hiện đề tài: "Nghiên cứu và điều trị xơ hóa cơ Delta tại Nghệ An" nhằm mục tiêu xác định rõ tỷ lệ, yếu tố nguy cơ gây bệnh, đánh giá kết quả điều trị phẫu thuật và phục hồi chức năng, đề xuất và khuyến cáo phương pháp điều trị, dự phòng xơ hóa cơ Delta. Đề tài này được thực hiện khá công phu với rất nhiều tâm huyết của người bác sỹ bao nhiêu năm gắn bó với trẻ em. Chính nhờ giá trị thực tiễn của đề tài mà bác sỹ Hoạt đã được tôn vinh trong lễ trao giải thưởng khoa học công nghệ của tỉnh lần thứ 11 được tổ chức tháng 1 vừa qua.
Cũng với những quan sát, những trăn trở ấy, bác sỹ Phan Văn Tư - Phó Giám đốc Bệnh viện đã đi sâu tìm hiểu về bệnh xuất huyết não ở trẻ 1-2 tháng tuổi để có những phân tích xác đáng về triệu chứng, cách phát hiện sớm và cách đề phòng. Đề tài này của bác sỹ Tư cũng đạt giải thưởng khoa học cấp tỉnh năm 2009 và có tính ứng dụng cao trong phát hiện, điều trị, chăm sóc bệnh nhân bị viêm não tại Bệnh viện Nhi.
Theo bác sỹ Dương Công Hoạt, phần lớn các đề tài nghiên cứu khoa học của cán bộ, nhân viên ngành Y tế, đặc biệt ở cơ sở như các anh chủ yếu bắt nguồn từ những quan sát, đúc rút từ thực tế công việc hàng ngày. Giá trị của các đề tài này cũng không thể tính được bằng tiền. Đôi khi, nó bắt đầu từ những việc rất nhỏ nhoi, cụ thể: ví như trẻ em bị viêm ruột thừa rất khó xác định vì diễn biến bệnh lí khác hẳn so với người lớn. Các bác sỹ của viện đã nghiên cứu trên 100 ca trẻ nhập viện vì bệnh này để phân tích, phát triển thành một đề tài, từ đó có những lời khuyên đối với cộng đồng, đồng thời có những khuyến cáo đối với chính các thầy thuốc không nên bỏ sót bất kì một triệu chứng nhỏ nào để phát hiện và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra
Đến phong trào nghiên cứu khoa học
Chính vì nhận thức được tầm quan trọng của công tác nghiên cứu khoa học, của những đề tài có tính thực tiễn mang lại hiệu quả trong công tác khám chữa bệnh mà trong những năm qua, Bệnh viện Nhi đã có nhiều quan tâm, khuyến khích cán bộ, nhân viên tham gia nghiên cứu khoa học, tạo nên một phong trào nền nếp của Viện. Công tác này được xem là một trong 7 công tác trọng tâm của Bệnh viện, với chỉ tiêu thi đua được đặt ra cụ thể, có kinh phí hỗ trợ, có giải thưởng khuyến khích.
Với tiêu chí đặt ra cho các đề tài, công trình là phải có tính công phu, tính thực tiễn, tránh bệnh hình thức, Bệnh viện đã thành lập một hội đồng khoa học xét duyệt kĩ càng từ đề cương, nghiệm thu tiến độ thực hiện và nghiệm thu chính thức để phân loại, bỏ phiếu. Khi đề tài đã được chấp nhận rồi mới được ứng dụng vào thực tế.
Từ phong trào này, rất nhiều các bác sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên của Bệnh viện, không chỉ giỏi trong chăm sóc, chữa trị cho bệnh nhân mà đã biết tìm hiểu, khái quát vấn đề qua những công trình nghiên cứu riêng, không chịu dừng lại ở mức độ kinh nghiệm của cá nhân nữa. Các thầy thuốc trẻ mới vào nghề, cũng nhờ vậy, tạo cho mình thói quen quan sát, rút ra những bài học và hào hứng hơn trong công việc.
Mặc dù Bệnh viện Nhi Nghệ An luôn trong tình trạng quá tải với xấp xỉ 500 bệnh nhân mỗi ngày, bệnh nhân điều trị nội trú luôn trên 300 (trên chỉ tiêu 260 giường bệnh), công việc của các thầy thuốc ở đây là hết sức căng thẳng, nhưng không vì thế mà công tác nghiên cứu khoa học bị coi nhẹ. Mỗi đề tài được nghiệm thu được xem như một chiến công thầm lặng của người thầy thuốc. Con số 20-25 đề tài mỗi năm được nghiệm thu ở cấp cơ sở đã phần nào nói lên được những tâm huyết đó. Bệnh viện cũng là một trong những đơn vị của ngành có nhiều đề tài nghiên cứu cấp tỉnh nhất.
Điều đáng mừng hơn là tỷ lệ đề tài khoa học của đội ngũ điều dưỡng viên ngày càng tăng. Năm 2011, toàn viện có 24 đề tài đăng kí thì có tới 8 đề tài của điều dưỡng viên. Tại Hội nghị điều dưỡng nhi khoa toàn quốc vừa được tổ chức tháng 3 vừa qua, trong số 20 đề tài báo cáo thì Bệnh viện Nhi Nghệ An có 2 đề tài của một điều dưỡng viên và một kỹ thuật viên.
Hàng ngày, gắn bó với tiếng khóc, cười của trẻ, chứng kiến nỗi đau đớn, sợ hãi, mặc cảm của các em, nhói lòng khi thấy mình bất lực, mong ước được sẻ chia với những nỗi đau và được truyền đạt lại cho đồng nghiệp đi sau mình những kinh nghiệm quý, ấy chính là những lý do khiến cho những người thầy thuốc ở Bệnh viện Nhi Nghệ An đã lặng lẽ hàng đêm với các đề tài, các công trình nghiên cứu khoa học sau bộn bề công việc ngày thường.
Hỏi về những khó khăn, hạn chế trong việc thực hiện công tác nghiên cứu khoa học tại Viện, chúng tôi được bác sỹ Hoạt cho biết: Chủ yếu các đề tài mới dừng lại ở việc đúc rút kinh nghiệm, chưa có nghiên cứu, đột phá mới; giá trị khoa học thực tiễn chưa thực sự cao, chưa xứng với tiềm năng của Bệnh viện và năng lực của cán bộ; sản phẩm đề tài mới dừng lại ở báo cáo, chưa được nhân rộng, phổ biến.
Trong năm 2011, Bệnh viện tập trung đầu tư cho 2 đề tài cấp tỉnh có tính thực tiễn cao, bám sát nhu cầu khám, điều trị của Bệnh viện là: " Nghiên cứu thực trạng và xây dựng mô hình vận chuyển cấp cứu nhi khoa, triển khai ứng dụng trên địa bàn Nghệ An" và " Khảo sát và đánh giá bệnh tự kỉ ở trẻ em tỉnh Nghệ An". Bên cạnh đó, tiếp tục có chính sách khuyến khích cán bộ tham gia nghiên cứu khoa học, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh để xứng đáng là bệnh viện tình thương của trẻ em.