Talkshow “Những kẻ lắm lời” tự sản xuất và phát tán trên Youtube với nội dung đả kích nghệ sĩ nổi tiếng đang nhận được nhiều chỉ trích từ phía dư luận.
 
Talkshow “Bitches in town” hay còn được biết với tên gọi “Những kẻ lắm lời” khiến dư luận xôn xao và tranh cãi trong thời gian vừa qua. Chương trình do công ty Monday Morning sản xuất, dưới sự dẫn dắt của MC Thùy Minh, blogger Nguyễn Ngọc Thạch và stylist Lê Minh Ngọc. Xuyên suốt chương trình là những câu chuyện phiếm, những lời tán dóc của bộ 3 MC xoay quanh các scandal, nghệ sĩ của làng giải trí Việt.
images1413827_5.jpgBộ 3 MC của chương trình.
Trong những tập gần đây, “Những kẻ lắm lời” liên tiếp “công kích” những người nổi tiếng bằng phát ngôn gây sốc, những lời nói tiêu cực. Ví dụ, trong tập 20 của chương trình, ba MC động chạm đến nhiều ca sĩ như Thủy Tiên, Đông Nhi, Yumi Dương, Vân Hugo, Lý Nhã Kỳ.
 
Nguyễn Ngọc Thạch nói: "Đông Nhi mặc đồ nhìn già như bà ngoại Ông Cao Thắng chứ không phải người yêu" hay “Hồ Vĩnh Khoa chỉ nên lột đồ cho người ta nhìn thôi, không nên đi hát”. Họ cũng chủ quan chê thẳng thừng Lý Nhã Kỳ, Mỹ Tâm có gu mặc xấu mà "vẫn tự tin mặc xấu". Với Tóc Tiên, các MC cho rằng cô sở hữu giọng hát khỏe nhưng không cảm xúc. MC hải ngoại Kỳ Duyên cũng được Thùy Minh đánh giá: “Nói chung chị (Kỳ Duyên) hơi hèn hèn”. Ba MC còn bình luận về vụ việc Hồ Ngọc Hà "giật chồng" với nhiều chi tiết không được kiểm chứng.
 
Sau những lời chỉ “nói cho vui”, bộ 3 MC còn cười lên khoái trá. Không chỉ nghệ sĩ mà dư luận cũng cảm thấy trước cách gây cười thô thiển. Nhất là khi, nhiều câu nói mang tính xúc phạm cá nhân, vi phạm thuần phong mỹ tục, nhiều chi tiết không thật được dựng lên thành câu chuyện có thể gây ảnh hưởng không nhỏ tới các nghệ sĩ.
Bộ trang phục bị chê xấu của Đông Nhi.
Trên các trang mạng xã hội, các nghệ sĩ liên tiếp đăng tải những dòng trạng thái bày tỏ bức xúc và phẫn nộ khi tên tuổi của mình bị đem ra làm trò cười. Ca sĩ Đông Nhi cho biết, cô sẽ kiện BTC và nhờ sự can thiệp của các cơ quan có thẩm quyền nếu chương trình tiếp tục đi quá xa. Hoa hậu Đặng Thu Thảo chia sẻ: "Xin hãy dừng show này lại. Đừng làm tổn thương người khác bằng thứ ngôn ngữ quá tệ hại như thế này".
 
Siêu mẫu Hà Anh cho biết: "Tôi cho rằng, chat show của những người ngồi tán phét vô thưởng vô phạt về ai mặc gì xấu, ai yêu ai, ai bỏ ai… không thể được coi là một chương trình văn hoá. Khi ngồi nói chuyện trước hàng triệu người, bản thân bạn cần có sự chuẩn mực về mặt ngôn ngữ. Chương trình. không mang lại bất kỳ giá trị tích cực nào cho cuộc sống hiện đại, ngoài việc giúp một số thành phần cảm thấy được giải trí, cảm thấy mình có vẻ tốt đẹp hơn, khi có thể cười nhạo người khác".
 
Lỗ hổng văn hóa phải xử lý như thế nào?
 
Dù có nhiều nghệ sĩ bức xúc song vẫn chưa có cơ quan chức năng nào chính thức vào cuộc, xử lý một chương trình được cho là thuộc về lĩnh vực văn hóa. Bởi “Những kẻ lắm lời” đã lách luật bằng việc phát tán chương trình trên Youtube.
 
Youtube là trang mạng chia sẻ video trực tuyến lớn nhất thế giới đặt máy chủ ở nước ngoài, đơn vị quản lý không chịu trách nhiệm về việc người dùng đăng tải video lên mạng của họ. Người dùng sẽ tự quyết định gỡ bỏ “Những kẻ lắm lời” nếu nội dung phản cảm bằng cách báo cáo sai phạm.
 
Về phía các đơn vị quản lý nội dung văn hóa trên Youtube, ông Hoàng Vĩnh Bảo, Cục trưởng Cục Phát thanh – Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin Truyền thông) thừa nhận rằng: “Vấn đề quản lý các sản phẩm văn hóa do Việt Nam sản xuất đăng trên Youtube vẫn có nhiều hạn chế và thiếu sót. Chúng tôi không có đủ nguồn lực để kiểm soát và chỉ xử lý được khi phát hiện sai phạm”.
 
Song, kể cả khi có phát hiện được sai phạm thì xử lý như thế nào vẫn còn là một câu hỏi khó. Bởi theo ông Hoàng Vĩnh Bảo: “Thực tế, hiện nay có một số quy định về mức xử phạt nhưng chưa đủ mạnh để có tính răn đe, nhất là đối với lĩnh vực liên quan tới nội dung số và môi trường Internet. Tuy nhiên, vấn đề khó đặt ra với các nhà quản lý là áp hình thức xử phạt theo nghị định nào đối với các sản phẩm vi phạm thuần phong mỹ tục trên Internet?”.
 
Khó để xử phạm sản phẩm vi phạm, các đơn vị quản lý chỉ có thể quy trách nhiệm cho người phát tán nội dung vi phạm lên Youtube: “Người cung cấp, phát tán thông tin trên mạng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật Việt Nam về nội dung đăng tải nếu họ đang sinh sống, hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Một số trường hợp phát tán clip lên YouTube trước đây có nội dung vi phạm pháp luật, trái với thuần phong mỹ tục, dù là tự quay hay lấy clip của người khác để đưa lên thì khi bị cơ quan chức năng điều tra ra, người phát tán nội dung vẫn bị xử phạt theo pháp luật” – ông Hoàng Vĩnh Bảo nói.
 
Trước đó, việc những kẽ hở bày ra trong việc phát tán nội dung số trên Internet cũng đã được đưa ra bàn luận nhân vụ việc nhạc tục tĩu của nhóm Yanbi, Mr.T cùng “Căn hộ số 69” gắn mác 18+ được đăng tải tràn lan trên Youtube. Việc xử phạt các trường hợp này theo luật nào, quy định nào và quy trách nhiệm cho cơ quan quản lý nào cũng tốn nhiều giấy mực của báo chí.
 
Ở thời điểm đó, phía Cục Phát thanh – Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin Truyền thông) đang thảo luận sửa đổi Nghị định 72 về các dịch vụ cung cấp và chia sẻ sản phẩm văn hóa tại Việt Nam trên môi trường Internet như một cách để ngăn chặn các lỗ hổng này. Song, đến giờ vẫn chưa có văn bản hoặc nghị định nào được đưa ra để siết chặt vấn đề quản lý nội dung văn hóa trên Internet./.
 
Theo VOV.VN