Xin được giới thiệu với bạn đọc bài viết ngắn của Tòa soạn tuần báo “Bình luận quân sự độc lập”(Nga) với tiêu đề và phụ đề trên để tham khảo nhận định của tuần báo quân sự uy tín này về quan hệ hợp tác kỹ thuật quân sự Nga - Việt. Bài đăng trên báo này ngày 26/10/2018.
Việt Nam có kế hoạch mua thêm một số tàu đa năng dự án 11661E “Gepard-3.9” trang bị tổ hợp tên lửa hiện đại “Calibr-NK”.
Các khinh hạm hộ vệ (tàu hộ vệ) dự án 11661 (E) đã được bắt đầu đóng từ những năm 1990 tại nhà máy đóng tàu Zelenodolsk mang tên A.M. Gorki tại (cộng hòa) Tatarstan- một nhà máy thành viên của Tập đoàn “Ak Bars”.
Những tàu dự án 11661 có chức năng sục sạo, tìm và tiêu diệt các mục tiêu dưới mặt nước (tàu ngầm), trên mặt nước (tàu nổi) và trên không, tuần tiễu, tiến hành các chiến dịch hộ tống đoàn tàu chở hàng và bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế.
Hợp đồng đầu tiên cung cấp cho Hải quân Việt Nam 2 tàu hộ vệ dự án 11661E trị giá 350 triệu đôla đã được “Rosoboronexport” (Cơ quan xuất khẩu vũ khí Nga-ND) ký với phía Việt Nam vào năm 2006. Lễ khởi công đóng các tàu này được tiến hành vào các ngày 10/7 và 28/11 năm 2007.
Chiếc tàu đầu tiên “Đinh Tiên Hoàng (phiên hiệu 011- HQ-011) - số nhà máy 954) được đưa vào trang bị (trực chiến) cho Hải quân Việt Nam ngày 5/3/2011, chiếc tàu thứ hai – Lý Thái Tổ (phiên hiêu 012, số nhà máy 955) – vào ngày 22/8 cùng năm.
Các tướng lĩnh Việt Nam đánh giá tốt những tàu này- chúng đã chứng minh được độ tin cậy rất cao trong việc đảm bảo an ninh quốc gia nên đã quyết định đặt mua thêm 2 tàu “Gepard” và đã ký với Tập đoàn “Rosoboronexport” một hợp đồng nhà nước ngày 17/10/2012.
Tiếp sau đó, năm 2013, Tập đoàn “Rosoboronexport” (thuộc Tập đoàn nhà nước Nga “Rostekh”) đã ký hợp đồng nhà nước với Tập đoàn “Zelenodolski Zavod mang tên A.M. Gorki” đóng tiếp 2 tàu 11661E “Gepard-3.9” tăng cường thêm các vũ khí chống ngầm mạnh hơn (so với các tàu trước-ND),- lễ khởi công đóng 2 tàu này cho Việt Nam đã được tiến hành ngày 24/9/2013.
Nhưng trong thời gian đóng đôi tàu thứ hai này, nhà máy “Zelenodolski Zavod” đã gặp một số trục trặc vì những vấn đề chính trị và do Ucraine từ chối cung cấp động cơ tàu, vì thế nên tiến độ đóng tàu đã phải điều chỉnh - do phía Tổ hợp Khoa học- sản xuất chế tạo turbin khí “Zoria”- “Moshproekt” của Ucraine chậm bàn giao các động cơ turbin khí M44E và vì phía Nga phải thỏa thuận quy trình thủ tục cung cấp các động cơ nói trên cho các tàu với phía Ucraine thông qua đại diện SRV.
Lễ hạ thủy chiếc tàu thứ ba Trần Hưng Đạo (phiên hiệu 015, số nhà máy 956 - và chiếc thứ tư – Quang Trung (phiên hiệu 016 ), số nhà máy 957) được tiến hành vào các ngày 27/4 và 26/5/2016.
Trong tháng 9 và tháng 10 năm 2016, các tàu này đã di chuyển theo tuyến đường nội thủy từ Zelenodolsk ven bờ sống Volga (Tatarstan) đến Novorossisk (trên bờ Biển Đen- đi theo sông Volga ra Biển Đen-ND) để tiến hành các thử nghiệm trên biển và huấn luyện các kíp thủy thủ Việt Nam.
Ngày 27/10/2017, tàu Trần Hưng Đạo đã được tàu vận tải Rolldock Star đưa về căn cứ hải quân Cam Ranh của Việt Nam. Chiếc tàu hộ vệ thứ tư Quang Trung về đến cảng Cam Ranh vào đầu năm nay và vào ngày 6/2/2018, lễ thượng cờ đưa các tàu “Gepard” vào thành phần tác chiến (biên chế) của Hải quân Việt Nam đã được cử hành trọng thể.
Các tàu hộ vệ dự án 11661 có lượng giãn nước gần 2.000 tấn và được trang bị vũ khí tên lửa, vũ khí tên lửa phòng không và pháo phòng không. Vũ khí chủ yếu của các tàu cung cấp cho Việt Nam là tổ hợp tên lửa chống hạm “Uran-E” cùng tên lửa Kh-35E. Kiểu tổ hợp vũ khí tên lửa tấn công tương tự như vậy cũng có trên tàu “Tatarstan” – chiếc tàu đầu tiên kiểu này được đóng và đang có trong trang bị của Hải quân Nga.
Tuy nhiên, chiếc tàu thứ hai, “Daghestan” (của Hải quân Nga) đã trở thành chiếc tàu chiến nổi Nga đầu tiên được trang bị tổ hợp tên lửa giờ đã trở thành nổi tiếng trên toàn thế giới là “Kalibr-NK”- tổ hợp “Calibr-NK” này có thể phóng nhiều kiểu tên lửa chính xác cao khác nhau. Chính những tên lửa này vào tháng 10/2015 đã thực hiện đòn tấn công thành công vào các trận địa của quân khủng bố (tại Syria) từ mặt nước Biển nội địa Caspian.
Sau khi nghiên cứu đánh giá kết quả hoạt động của các tàu chiến Nga tại Syria, Việt Nam tỏ ý muốn trang bị cho các “Gepard” mới phiên bản xuất khẩu của tổ hợp “Kalibr-NK” thay thế các tổ hợp “Uran” để tăng khả năng tác chiến cho những tàu này.
Việt Nam từ rất lâu đã là đối tác của Nga trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự. Matxcova hiện đang là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Việt Nam – đến 90% (tổng số vũ khí nhập khẩu của Việt Nam).
Trong những năm gần đây, Hà Nội ưu tiên phát triển lực lượng Hải quân và Không quân do tình hình quanh các đảo tranh chấp trên Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) ngày càng căng thẳng và do quan ngại những tham vọng thống trị khu vực của Bắc Kinh.
Không loại trừ cả nguy cơ là các mối đe dọa khủng bộ đang tồn tại tại Syria, có thể sẽ lan sang các khu vực khác trên thế giới. Để đối phó với các mối đe dọa, Việt Nam đặc biệt quan tâm phát triển và tăng cường sức mạnh tác chiến cho Hải quân, và kết quả là đã mua của Nga các tàu tên lửa dự án 12418 “Molnia” cùng giấy phép sản xuất tàu kiểu tàu này, 6 tàu ngầm điện- diesel dự án 636.1”Varshavianka”, các khinh hạm (tàu hộ vệ) dự án 11661E “Gepard-3.9” và các máy bay tiêm kích đa năng Su-30MK2.
Các quân nhân Nga luôn sẵn sàng chia sẻ với các đồng nghiệp Việt Nam những kinh nghiệm thử nghiệm các phương tiện kỹ thuật quân sự trong những điều kiện tác chiến thực tế. Để cùng huấn luyện- đào tạo cán bộ, trong năm 2018 này (Nga) đã dành cho Việt Nam 176 chỉ tiêu đào tạo các quân nhân Việt Nam tại (các trường quân sự) Nga hoàn toàn miễn phí.
Hai bên đã ký “lộ trình” phát triển quan hệ hợp tác quân sự song phương giai đoạn 2018-2020. Việt Nam tham gia vào Hội thao quân sự quốc tế “Armi-Games -2018” (từ 28/7 đến 11/8/2018-ND) và Diễn đàn kỹ thuật quân sự quốc tế “Armi-2018 (từ 21-26/8/2018 tại Nga-ND).
Tại cuộc hội đàm vào tháng 4 năm 2018 với Bộ trưởng Quốc phòng Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Đại tướng Xergey Shoigu đã nhấn mạnh: “Việt Nam- đó là đối tác lâu đời và đã qua thử thách của chúng tôi.
Chúng ta (Nga và Việt Nam) gắn kết với nhau bằng các mối quan hệ tin cậy được xây dựng trên tình hữu nghị và hợp tác cùng có lợi”. Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Nga còn nói thêm: “Đối với chúng tôi- Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng nhất trong việc đảm bảo an ninh trong khu vực Châu Á- Thái Bình Dương”.