Ngày 8/4, đại diện Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết chưa nhận được thông tin từ Nhật Bản về việc thu hồi hơn 18.000 chai tương ớt Chin su cũng như nguyên nhân bị thu hồi. Tuy nhiên, qua các cơ quan truyền thông, nguyên nhân thu hồi do trong tương ớt có chất bảo quản axit benzoic. Điều này khiến người tiêu dùng tại Việt Nam hoang mang bởi sản phẩm này đang được hàng triệu gia đình sử dụng.
Bà Trần Việt Nga, Phó cục trưởng An toàn thực phẩm Bộ Y tế, cho biết axit benzoic (INS 210) là phụ gia thực phẩm chống nấm mốc được Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex) cho phép sử dụng với hàm lượng 1g/kg sản phẩm là an toàn với sức khỏe người tiêu dùng. Hiện có 189 nước dùng theo tiêu chuẩn chung của Codex, trong đó có cả Việt Nam và Nhật Bản.
Thông tư 27/2012 hướng dẫn quản lý phụ gia thực phẩm và Thông tư số 8/2015 sửa đổi bổ sung một số quy định của Thông tư 27, cho phép sử dụng axit benzoic với hàm lượng tối đa 1g/kg tương ớt.
Tuy nhiên, theo bà Nga, tùy yêu cầu của công tác quản lý thực phẩm của mỗi quốc gia khác nhau thì quy định khác nhau. Thói quen sử dụng thực phẩm của người dân trong nước, lượng tiêu thụ thực phẩm khác nhau ở mỗi nước, nên có thể cùng là thành viên của Codex nhưng quy định cho phép sử dụng ở các nước khác nhau. Thậm chí, hàm lượng cho phép sử dụng ở các nước khác nhau nhưng nhìn chung không quá quy định của Codex.
"Trong thương mại thế giới, tuân thủ theo Codex thì không cần phải đưa ra bằng chứng khoa học, nếu có sự khác biệt với Codex phải đưa ra bằng chứng khoa học. Các tiêu chuẩn của Codex cũng được lấy làm tiêu chuẩn tham chiếu trong các tranh chấp thương mại. Các quy định về phụ gia thực phẩm hiện nay của Việt Nam phù hợp hoàn toàn với các quy định về phụ gia thực phẩm của Codex", bà Nga nói.
Cổng thông tin điện tử thành phố Osaka (Nhật Bản) cuối tuần qua thông báo thu hồi 18.168 chai tương ớt nhãn hiệu Chin-su nguồn gốc từ Việt Nam vì vi phạm Luật Vệ sinh thực phẩm và Luật Nhãn thực phẩm. Phân tích của Hiệp hội Vệ sinh thực phẩm Tokyo, hàm lượng axit benzoic trong tương ớt Chin-su bị thu hồi lần lượt là 0,41 g/kg, 0,44 g/kg và 0,45 g/kg. Trong khi, điều 11 khoản 2 Luật vệ sinh thực phẩm Nhật Bản cấm sử dụng axit benzoic trong tương ớt.
Theo biên bản của Hội nghị chuyên gia về phụ gia thực phẩm giữa Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), lượng axit benzoic tối đa được dung nạp vào cơ thể mỗi ngày là 0,005 g/kg thể trọng.
Từ căn cứ trên, Nhật Bản khẳng định axit benzoic có trong ương ớt ở mức 0,45 g/kg không ảnh hưởng đến sức khỏe, kể cả khi một người nặng 50 kg ăn 0,56 kg tương ớt mỗi ngày (tương đương 2,2 chai 250 ml) hoặc người nặng 30 kg ăn 0,33 kg (tương đương 1,3 chai một ngày).
Nhật Bản vẫn sử dụng axit benzoic để bảo quản các sản phẩm như trứng cá muối (tiêu chuẩn 2,5 g/kg), bơ thực vật (1 g/kg), nước ngọt, siro, nước tương (1 g/kg)... Như vậy, theo bà Nga, Nhật không cấm chất này trong thực phẩm nói chung, mà chỉ cấm trong tương ớt vì có tiêu chuẩn riêng.