Dự án thể hiện tình cảm mà Nguyễn Diệu Huyền, Mai Ngọc Như -Trường THCS Nguyễn Trãi, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị “tri ân” đến những những người lính Gạc Ma nhân kỷ niệm 30 năm trận hải chiến Gạc Ma (14/3/1988 - 14/3/2018).
Dự án của Huyền và Như cũng là một trong ít dự án đề cập về đề tài lịch sử dù lĩnh vực Khoa học xã hội và hành vi là lĩnh vực có số lượng dự án dự thi đông nhất. Lựa chọn đề tài này, Huyền và Như cũng không nghĩ dự án của mình sẽ đi đến vòng thi quốc gia, xuất sắc giành giải Nhì bởi so với những dự án khác, công trình của các em nhỏ gọn và không quá đồ sộ. Tuy nhiên, chính tình cảm mà các tác giả gửi vào dự án đã chinh phục ban giám khảo.
Với “Giáo dục tình yêu biển đảo qua việc sáng tạo ra truyện tranh Gạc Ma”, người xem ấn tượng bởi những bức họa được vẽ màu tỷ mỉ, cẩn thận và sinh động. Xen vào đó là những câu chuyện, những trận đánh xung quanh trận hải chiến Gạc Ma diễn ra vào 30 năm trước.
Nói thêm về dự án này, Nguyễn Diệu Huyền cho biết: Nhiều học sinh vẫn hay “ngán”, “sợ” môn Lịch sử vì những sự kiện và con số khô khan. Mục đích của chúng em khi làm những cuốn sách sử bằng truyện tranh là để học sinh tiếp cận lịch sử một cách dễ dàng, giảm bớt sự nặng nề về trí nhớ và giúp mỗi người có thể thấu cảm và khơi dậy được tình yêu, lòng tự hào với lịch sử dân tộc.
Để thực hiện dự án này, Huyền và Như đã tìm gặp rất nhiều nhân chứng tham gia trận chiến Gạc Ma ở Thành phố Đông Hà. Các em chia sẻ: "Lần đầu chúng em đến gặp bác Trần Thiên Phụng - một nhân chứng “sống”. Sau đó, biết chúng em thực hiện đề tài, bác mừng lắm, điện thoại cho tất cả các đồng đội Gạc Ma của mình ở TP Đông Hà, Quảng Trị và mời các bác ấy đến nhà để cung cấp thêm cho chúng em tư liệu".
Có một điều thú vị nữa là giáo viên hướng dẫn Diệu Huyền và Ngọc Như không phải là cô giáo dạy Lịch sử hay Ngữ văn mà cô giáo bộ môn Sinh học. “Dù không thuộc lĩnh vực mà tôi giảng dạy, nhưng bản thân tôi cũng là người yêu thích, đam mê Lịch sử. Ý tưởng của 2 em khiến tôi rất hứng thú nên tôi nhận nhiệm vụ hỗ trợ 2 em thực hiện dự án này” - cô giáo Trần Thị Thanh Ước nói.
Cuốn sách ngay sau khi hoàn thành cũng đã nhận được sự quan tâm và hưởng ứng với đông đảo học sinh trong nhà trường. Riêng với các nhân chứng, cầm cuốn sách trên tay, họ được thấy lại một thời tuổi trẻ của mình, thấy được một quá khứ dẫu còn nhiều mất mát, đau thương nhưng vẫn rất đỗi hào hùng.
Đây cũng là lý do mà trong tác phẩm tham dự Cuộc thi KHKT cấp quốc gia có thêm phần “phụ lục” nằm ngoài dự án, ghi lại những cảm xúc của các nhân chứng:
“Hôm nay, khi các cháu đến đây, mang cho bác xem tập truyện mà các cháu đã vẽ, bác rất bất ngờ và xúc động. Các cháu đã làm được những điều thật quý báu.
Bấy lâu, chúng ta chỉ nghe kể hoặc đọc những thông tin trên báo đài, bác cũng lo không biết thế hệ trẻ sau này có biến về trận chiến Gạc Ma năm 1988 hay không. Nhưng bác tin, với tập truyện rất sinh động này, nếu đến với các bạn nhỏ thì tuổi trẻ như các cháu sẽ biết nhiều hơn, rõ hơn về sự hi sinh, mất mát của cha ông trong cuộc chiến đấu bảo vệ đảo Gạc Ma nói riêng và biển đảo Việt Nam nói chung.
Vậy là 30 năm đã qua, những người đồng chí, đồng đội của bác đã được các cháu xây một tượng đài rất đẹp, cảm ơn các cháu”! (trích bức thư bác Trần Thiên Phụng gửi tới tác giả).
Những tình cảm mà các em gửi gắm cũng đã được đông đảo người xem và ban giám khảo cuộc thi đón nhận. Đây cũng là phần thưởng lớn nhất mà các em nhận được ở cuộc thi này - phần thưởng cho những thanh niên biết yêu, biết trân trọng và tự hào về lịch sử anh hùng của dân tộc.