Đại học Pomona - top 6 trường Liberal Art College (giáo dục khai phóng) - vừa chấp nhận trao học bổng cho Nguyễn Thị Minh Phương, lớp trưởng lớp 12 Anh 1 trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Ngôi trường hơn 130 tuổi ở tiểu bang California, cùng với Stanford University, California Institute of Technology… được đánh giá là đại học tư thục phi lợi nhuận nổi tiếng thế giới.

“Em khóc òa trong hạnh phúc khi nhận được thư trả lời với hiệu ứng pháo bông và dòng chữ Chúng tôi đồng ý nhận bạn của Đại học Pomona. Mức hỗ trợ tài chính trường cấp cho em là hơn 254.000 USD, tương đương 6 tỷ đồng”, nữ sinh trường Ams nói.

1526301_gady.jpgMinh Phương nhận học bổng 6 tỷ đồng từ Đại học Pomona (Mỹ). Ảnh:NVCC

Ở Pomona, cứ 8 người học sẽ có một giảng viên (theo US news). Minh Phương mường tượng sẽ được tương tác và nhận sự hỗ trợ, quan tâm từ các giáo sư khi lớp học chỉ khoảng 10-15 bạn.

“Giáo dục phải gần gũi như thế mới phát triển được tối đa khả năng của sinh viên. Em thấy hạnh phúc khi được học tại trường mơ ước, lại có không gian tuyệt vời khi gần biển, núi, thời tiết nắng quanh năm”, nữ sinh chia sẻ.

Pomona College là lựa chọn mạo hiểm của Phương bởi đại học này xưa nay ít nhận sinh viên Việt Nam. Tính cả nữ sinh Ams, hiện có 2 người Việt học tập tại ngôi trường đào tạo đa ngành, là niềm ao ước của nhiều học sinh này.

Học chuyên Anh nhưng đam mê Vật lý

Tại Đại học Pomona, Phương dự tính học ngành Vật lý. Đây là lựa chọn khá lạ bởi học sinh chuyên Anh thường chọn ngành Khoa học xã hội. “Em đam mê Vật lý vì có nhiều ứng dụng trong đời sống, giúp tư duy logic, giải quyết được nhiều vấn đề của thực tiễn. Tại nền giáo dục tiến tiến của Mỹ, em muốn được trải nghiệm, khám phá những điều mới mẻ ở ngành học này”, nữ sinh giải thích.

Phương xác định sẽ vất vả và áp lực khi học Vật lý ở đại học Mỹ. Để chuẩn bị trước kiến thức, giúp bản thân không bị bỡ ngỡ, nữ sinh trường Ams theo học AP (Advanced Placement). Chương trình bao gồm các khóa học tương ứng với nội dung đào tạo năm đầu của đại học, cho phép học sinh làm quen, nhập môn. Sắp tới, em sẽ tham dự kỳ thi AP được xây dựng bởi College Board (đơn vị tổ chức các kỳ thi SAT và TOEFL), để lấy trước tín chỉ đại học.

Trước đó, Phương từng thi SAT 2 môn Vật lý và đạt 780/800 điểm. Môn Hóa học, Toán nữ sinh rinh điểm tuyệt đối 800. Dù thi SAT sớm hơn một năm so với phần đông học sinh nộp hồ sơ du học Mỹ, ngay lần đầu tham dự, nữ sinh trường Ams đã đạt 1.560/1600. “Em chủ yếu tự ôn tập, không đặt nặng áp lực điểm số nhưng cố gắng hết sức để bản thân không nuối tiếc”, Phương chia sẻ.

Nữ sinh 18 tuổi chưa chắc chắn sau 2 năm đầu được trải nghiệm các môn học ở Pomona College, em có thay đổi quyết định chọn ngành hay không. Tuy nhiên, em khẳng định ngành được chọn sẽ là lĩnh vực đam mê và cảm thấy hạnh phúc, đảm đương được các áp lực học tập, công việc sau này.

Là học sinh chuyên Anh nhưng Phương quyết định lựa chọn học ngành Vật lý theo đam mê. Ảnh:NVCC

Lớp trưởng tốt tính, chủ tịch năng nổ của nhiều hoạt động ngoại khóa

“Ai trong lớp cũng phải công nhận Phương học rất giỏi. Điểm tổng kết từng môn và trung bình học tập của bạn ấy luôn gần tuyệt đối, khoảng 9,8 và đứng đầu lớp. Nhưng điều em ấn tượng và ngưỡng mộ nhất ở Phương là hoạt động ngoại khóa. Bạn ấy là trưởng ban tổ chức của rất nhiều các sự kiện và cái nào cũng làm tốt, hết mình. Phương là lớp trưởng tốt bụng, được bạn bè quý mến”, Hồ Thu Anh, bạn cùng lớp nói.

Giáo viên chủ nhiệm lớp 12 Anh 1 Lê Thu Thủy bày tỏ niềm tự hào về cô lớp trưởng “giỏi toàn diện trong học tập và hoạt động ngoại khóa”. Phương từng đạt giải nhì học sinh giỏi quốc gia, giải nhất thành phố môn tiếng Anh năm 2018.

Em là trưởng ban tổ chức của Hội chợ hướng nghiệp Bão năm 2017 với đa dạng các gian hàng nghề nghiệp, thu hút hơn 1.000 học sinh, phụ huynh tham gia. Một trong những sự kiện thường niên lớn của trường - Ams Got Talent, Phương cũng giữ vai trò trưởng ban tổ chức.

Minh Phương sẽ nhập học Đại học Pomona vào tháng 8. Ảnh:NVCC

Mang nhiều trăn trở khi từng đọc được nhiều câu chuyện về việc con cái xấu hổ vì cha mẹ làm nghề lao động chân tay, khi học lớp 10, Phương đã cùng bạn sáng lập dự án White and Blue với mong muốn nâng cao nhận thức về việc phân biệt đối xử nghề nghiệp. Nhóm 5 học sinh khi ấy đã đến các trường tiểu học và dạy các em lớp 2-3 nhận thức bước đầu về ngành nghề, lý do cần tôn trọng cả công việc chân tay, trí óc. Một số cuộc hội thảo, triển lãm thể hiện sự cần thiết của hai lĩnh vực nghề nghiệp này cũng được những cô cậu học trò tổ chức.

“Nhiều trẻ em được dạy là không thể để bản thân trở thành người làm nghề lao động chân tay mà không được dạy rằng cần cố gắng hết sức để giúp đỡ những người như thế. Em muốn thay đổi định kiến ấy, bằng cách giúp các em được tiếp cận với cách suy nghĩ đúng đắn”, Phương nói.

Dự án của nhóm học sinh trường Ams sau đó đạt giải quán quân cuộc thi Kiến tạo ảnh hưởng (Dash For Impact) năm 2015 dành cho học sinh THPT toàn thành phố Hà Nội.

Với thành tích học tập và ngoại khóa xuất sắc, việc Phương được học bổng 6 tỷ đồng của trường Pomona College, theo nhiều học sinh, giáo viên trường Ams là “hoàn toàn xứng đáng và không bất ngờ”.

Hiện nữ sinh hoàn thành tốt nhất kỳ thi THPT quốc gia, vai trò trưởng ban nội dung chương trình chia tay thời học sinh - Made in 12. Tháng 8 tới, em sẽ sang Mỹ, trở thành sinh viên trường đại học danh tiếng.

Trích lược thành tích của Nguyễn Thị Minh Phương

- Đỗ đợt ED I vào Pomona College - tốp 6 trường LAC hàng đầu nước Mỹ

- 1.560/1.600 điểm SAT 1

- 800/800 điểm SAT 2 môn Toán, Hóa học; 780/800 môn Vật lý

- Giải nhì học sinh giỏi Quốc gia môn tiếng Anh lớp 12

- Giải nhất học sinh giỏi thành phố môn tiếng Anh lớp 12 và giải nhì lớp 11

- Trưởng ban tổ chức Hội chợ hướng nghiệp Bão 2017

- Trưởng ban tổ chức Ams Got Talent năm học 2016-2017

- Chủ tịch câu lạc bộ Leaders Of The Future Organization

- Trưởng ban nội dung Made in 12

- Trưởng ban Nội dung câu lạc bộ Ams Advisor

- Trưởng ban biên tập Ams Writer’s Guild

- Quán quân cuộc thi Dash For Impact 2015