(Baonghean) - Thời điểm này các năm trước, báo chí trong đó có Báo Nghệ An đã phản ánh tình trạng người dân miền núi vào rừng khai thác mang tính triệt phá cây chua ke, làm ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường rừng bản địa. Và hiện tượng trên đang tái diễn ở xã Châu Hoàn (Quỳ Châu).
Có mặt tại xã Châu Hoàn, chúng tôi thấy trên các đường làng, ngõ bản như ở bản Nật Trên, Nật Dưới, Na Cống phơi đầy thứ lá cây rừng mà người dân bản địa gọi là “cở tờ” - tức lá của cây chua ke. Quả của cây này có vị chua, khi chín hơi ngọt, kết thành từng chùm như quả xoan nhưng bé hơn. Hiện tại giá mỗi cân lá chua ke phơi khô có giá 5.000 đồng. Từ 2 năm nay, tại những xã như Châu Hoàn, Diên Lãm (huyện Quỳ Châu) cũng như nhiều địa bàn miền núi khác, người ta đổ xô vào rừng hái lá chua ke.
Ban đầu người ta chỉ tuốt lấy lá, sau rồi cây chua ke bị đốn hạ. Theo một số dân bản, trên những địa bàn từng xảy ra tình trạng chặt hạ cây chua ke, nếu người ta chỉ chặt cành nhỏ hoặc tuốt lấy lá thì chỉ sau một năm cây lại phục hồi, còn chặt tận gốc thì không biết bao lâu sau mới mọc lại.
“Ở những xã khác thì hàng năm cứ vào mùa này người ta lại đến đặt mua. Riêng ở xã Châu Hoàn thì mới thấy đến đặt mua từ vài ngày nay” - một phụ nữ trú bản Nật Trên cho biết. Theo dân bản, thì 1 người khỏe mạnh mỗi ngày gùi được 40 - 50 kg lá tươi về phơi khô được từ 10 - 15 kg. Ông Vi Văn Xuân, trú bản Nật Dưới thì cho biết những nơi khác người ta còn thu mua lá tươi. Một người đàn ông ở bản Na Cống xưng tên là Vang Văn Hiền đang thu mua lá chua ke nói rằng mỗi ngày thu mua được trên 1 tạ lá tươi. “Bây dừ mới bắt đầu vào mùa thu hái lá chua ke, vì người dân đã làm xong việc nương rẫy nên có thời gian rỗi...” - ông Hiền nói thêm. Khi chúng tôi hỏi người nhờ ông Hiền thu mua lá là ai, ở đâu thì ông tỏ ra lảng tránh: “Người ta nhờ thu mua và trả tiền công cho tôi là tôi làm, chứ có biết họ là ai đâu! Mà cũng chỉ kiếm ngày vài chục nghìn đồng thôi mà”.
Gặp anh Lô Văn Hùng, cán bộ lâm nghiệp xã Châu Hoàn, trao đổi với chúng tôi, anh Hùng khẳng định việc người dân vào rừng khai thác lá chua ke theo kiểu tận thu sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến rừng. Và hoạt động khai thác lá chua ke trên được bàn là chính quyền không cho phép, nhưng khi hỏi thì những người vào rừng gùi lá về đều nói rằng họ hái trên vườn rừng nhà mình. Cái khó là hiện chưa có quy định nào cấm việc khai thác lá chua ke; thứ lá cây này cũng chưa được quy định là lâm sản phụ.
Việc khai thác lá cây chua ke sẽ gây nguy hại đến rừng. Thiết nghĩ, chính quyền huyện, xã sở tại cần lưu ý có biện pháp giải quyết sớm.
Hữu Vinh - Đào Thọ