(Baonghean) - Cùng với cán bộ của Chi cục Phát triển nông thôn huyện Quế Phong, chúng tôi về Nậm Giải, một xã vùng biên giới của huyện Quế Phong.
Tháng 10/2007, sau trận lũ quét lịch sử, chúng tôi có mặt ở Nậm Giải để chứng kiến cảnh tàn phá của trận đại hồng thủy đã cướp đi sinh mạng hàng chục người dân bản Pục, bản Méo, san phẳng cánh đồng màu mỡ là đất canh tác của 2 bản. Sau 8 năm quay lại cảnh vật vẫn như xưa. Đường nhựa đã trải đến trung tâm xã, nhưng từ trung tâm xã cho đến bản cuối cùng là Piêng Lơng suốt gần 10 cây số con đường vào bản, sau trận mưa đêm trước, đã trở nên nhão nhoẹt như ruộng vừa bừa. Chiếc xe máy chở tôi nhích từng mét đường một, nhiều đoạn phải xuống đi bộ vì không đủ can đảm, mặc dù người điều khiển xe là tay lái thiện chiến nhất của bản.
Bí thư Đảng ủy Ngân Văn Tình cho biết, con đường này là đường chính của xã. Để đưa nó đạt chuẩn cũng phải tốn hàng chục tỷ đồng, đó là chưa nói đến hệ thống giao thông trong thôn bản. Trong những năm qua, với sự hỗ trợ xi măng của tỉnh, cùng với sự vào cuộc của doanh nghiệp, nhân dân đóng góp toàn xã chỉ mới có 1,1 km đường bê tông. Về phát triển sản xuất, Bí thư Tình cho biết, toàn xã có 74 ha ruộng nước trong những năm qua thực hiện chủ trương dồn điền, đổi thửa bà con đổi cho nhau được 1 ha. Nền kinh tế chủ yếu là tự cung, tự cấp với 2 ngành nghề chính là sản xuất nông nghiệp và thu hái lâm sản phụ trong rừng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 8,4 triệu đồng năm 2014, chưa bằng 1/2 thu nhập bình quân của toàn huyện. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2014 là 62%. Thu ngân sách trên địa bàn là 21 triệu đồng. Sau khi cung cấp thông tin cho chúng tôi Bí thư Tình kết luận: Nậm Giải không giám nghĩ về đích nông thôn mới nếu không nhận được sự hỗ trợ.
Rời Nậm Giải chúng tôi về Quế Sơn, 1 trong 2 xã điểm của Quế Phong về xây dựng nông thôn mới. Bí thư Nguyễn Tiến Dũng trao đổi: Là xã được ưu tiên từ khâu chỉ đạo đến đầu tư, trong những năm qua Quế Sơn đã cứng hóa được hơn 10 km đường giao thông nông thôn, tiêu chí giao thông coi như cơ bản đạt. Tuy đã đạt được 11/19 tiêu chí nhưng Quế Sơn vẫn không dám ghi tên mình vào danh sách về đích trong những năm tiếp theo vì còn nhiều tiêu chí cho dù nỗ lực đến bao nhiêu cũng khó thể đạt được. Rồi Bí thư Dũng cho biết, một số xã có phong trào làm ăn khá nhưng thu nhập bình quân đầu người mới đạt 14 triệu đồng, hộ nghèo còn 26,69%. Hy vọng mỗi năm giảm một vài phần trăm cũng rất khó khăn. Toàn xã hiện còn 3 bản chưa có điện lưới. Đây là những bản cách trung tâm xã hàng chục km. Xã mới có 2/12 bản có nhà văn hóa. Toàn xã hiện còn 30 nhà dột nát cần phải xóa nhưng chưa có nguồn kinh phí… Theo ông Dũng để hoàn thành các tiêu chí xã nông thôn mới thì Quế Sơn cần khoảng 200 tỷ đồng. Nếu muốn làm được toàn xã phải "nhịn ăn nhịn mặc trong 6 năm" - ông Dũng chia sẻ.
Ông Lang Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới Quế Phong thừa nhận: trong những năm qua phong trào đã tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của đông đảo các tầng lớp nhân dân; từ hiến đất, xây dựng giao thông nông thôn đến vệ sinh môi trường đã có nhiều chuyển biến tích cực. Hiện toàn huyện đã có 1 xã đạt 11 tiêu chí, 2 xã đạt 10 tiêu chí, 9 xã đạt 4 - 7 tiêu chí. Quế Phong hiện đang gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Số hộ nghèo toàn huyện chiếm 38,5% (Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện phấn đấu đến năm 2020 còn 25%). Trong khi đó, tiêu chí chí hộ nghèo theo chương trình nông thôn mới là 10%. Nghĩa là cho đến năm 2020 huyện Quế Phong cũng chưa thể hoàn thành nội dung này.
Tiêu chí giao thông cũng khó đạt bởi địa bàn rộng, địa hình phức tạp, rừng núi, khe suối hiểm trở, có hơn 70 km đường biên giới chung với nước bạn Lào. Hệ thống điện lưới đã về đến trung tâm xã, nhưng việc kéo điện về các bản hiện chưa có nguồn, nhất là những bản vùng sâu, vùng xa. Quỹ đất xây dựng nhà văn hóa hạn hẹp...
Theo quan điểm của lãnh đạo xã Quế Sơn và Nậm Giải, nội dung đầu tiên các xã nông thôn miền núi cần làm là tập trung đầu tư sản xuất để nâng cao đời sống nhân dân. Lâu nay các xã đang được hưởng Chương trình 30a, 135 và nhiều chương trình khác nữa. Theo ông Ngân Văn Tình, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Giải, cần nghiên cứu đầu tư tập trung cho từng xóm, bản không để xảy ra tình trạng dàn trải như lâu nay. Lựa chọn cây, con và chương trình đầu tư phù hợp. Kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, thu mua nông sản cho bà con, tạo thói quen sản xuất hàng hóa, xóa dần lối sản xuất tự cung, tự cấp. Như hợp tác xã sản xuất tăm hương ở Quế Sơn, doanh nghiệp đầu tư trồng và thu mua chanh leo ở Tri Lễ, Nậm Giải là những ví dụ điển hình…
Anh Tuấn